Đại Kỷ Nguyên

Người Mỹ đã dạy học trò câu chuyện ‘Cô bé lọ lem’ như thế nào?

Chúng ta thường cho rằng những câu chuyện cổ tích không thực tế, chỉ dành cho tuổi thơ và sự mơ mộng. Tuy nhiên, cô giáo dưới đây sẽ khiến chúng ta từ bỏ cách nghĩ này vì cách tận dụng những những thông điệp đẹp đẽ của cuộc sống bằng những câu chuyện quen thuộc. 

Tiếng chuông vào học vang lên, tất cả học sinh đã háo hức ùa vào lớp. Hôm nay, lũ trẻ sẽ học về câu chuyện Cô bé lọ lem và các em dường như rất hứng thú. Sau khi để đám học sinh đọc một lần câu chuyện, cô giáo Josephine mở màn bằng một câu hỏi: “Hãy cho cô biết, trong câu chuyện này, các em thích nhân vật nào, không thích nhân vật nào, và lý do tại sao?”

Nancy nhanh nhẹn phát biểu: “Em thích cô bé lọ lem và chàng hoàng tử, vì cô bé lọ lem vô cùng tốt bụng, lại xinh đẹp và đáng yêu. Em rất ghét bà dì ghẻ và hai đứa con riêng của bà ta, vì họ rất độc ác và luôn đối xử bất công với cô bé.”

Cô giáo mỉm cười với Nancy rồi tiếp tục đặt một câu hỏi khác: “Nếu cô bé lọ lem không về trước lúc nửa đêm thì điều gì sẽ xảy ra?”

“Cô ấy sẽ phải quay lại làm người đầy tớ, mặc những bộ quần áo tồi tàn, cũ kĩ và rách rưới như ban đầu. Điều ấy thật kinh khủng!” Daniel vừa trả lời, nét mặt cũng nhăn nhó như đang tưởng tượng ra cảnh mà em miêu tả.

Cô Josephine cười tinh nghịch và giải thích ngay: 

Chính vì thế, các em phải ghi nhớ kĩ trong tất cả mọi công việc, các em cần phải luôn luôn đúng giờ, nếu không các em sẽ tự đẩy bản thân mình vào rắc rối. Đặc biệt, trong nền văn hóa của chúng ta, đúng giờ còn chính là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác nữa.

“Tiếp theo, các em hãy nhớ cần phải gọn gàng, không ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm, nếu không các bạn sẽ sợ hãi và không dám chơi cùng các em. Cô bé lọ lem cũng cần phải mặc trang phục lộng lẫy khi tới dự dạ hội phải không?

Các bạn nữ, các em càng phải chú ý đến điều này. Khi các em trưởng thành và bắt đầu có những buổi hẹn hò, nếu các em không tươm tất và bạn trai nhìn thấy hình ảnh luộm thuộm của các em, anh ấy sẽ sợ hãi tới mức ngất xỉu, và chắc chắn sẽ không muốn xuất hiện lần thứ hai trước mắt các em đâu.”

Rồi cô tiếp tục những câu hỏi gợi mở của mình: “Hãy đặt mình vào vị trí của bà mẹ kế, các em có muốn ngăn cản cô bé lọ lem tham gia buổi khiêu vũ không? Các em phải thành thật với chính mình đấy nhé!”

Sau một hồi suy nghĩ, Carol trả lời: “Có ạ, nếu em là bà mẹ kế, em sẽ tìm cách ngăn cản cô bé lọ lem tham gia buổi khiêu vũ.”

“Tại sao em lại quyết định như vậy?”– Cô Josephine hỏi.

Carol trả lời rất thành thật, nhưng trên mặt em thoáng có nét không vui: “Bởi vì em yêu con gái của mình và muốn con trở thành hoàng hậu, thưa cô”.

Josephine nhìn Carol đầy trìu mến rồi nói:

Carol, cô rất cảm ơn em! Em vừa cho các bạn trong lớp biết một sự thật rất quan trọng: Dì ghẻ trong câu chuyện này dường như là một người độc ác, đối xử bất công với những người khác, nhưng họ lại là những người mẹ có tình yêu to lớn dành cho những đứa con mình. Họ chỉ không thể yêu thương những đứa trẻ khác như yêu thương con cái của họ mà thôi. Tình mẫu tử có thể khiến họ làm tất cả…

“Câu hỏi tiếp theo là: Mẹ kế của cô bé lọ lem không cho cô đi tới buổi khiêu vũ và thậm chí khóa trái cửa để cô không ra ngoài được. Nhưng tại sao cô ấy có thể ra ngoài và trở thành người đẹp nhất tại buổi khiêu vũ hôm ấy?”– Cô Josephine tiếp tục đưa ra những câu hỏi gây hứng thú hơn.

Collins nhanh nhảu đáp, đôi mắt cậu bé lấp lánh niềm vui: “Bởi vì bà tiên đã dùng phép màu ban cho cô ấy những bộ quần áo lộng lẫy, biến một quả bí ngô thành một cỗ xe ngựa tuyệt đẹp, và hóa phép chú chó trở thành người lái xe, còn đôi chuột nhắt thành một đôi ngựa hùng dũng ạ”.

Cô Josephine cười tươi, tiếp tục giúp các em học sinh nhận ra những bài học sâu sắc: “Các em nói đúng rồi. Hãy suy nghĩ xem, nếu cô bé lọ lem không có được sự giúp đỡ của bà tiên, cô ấy sẽ không thể tham gia buổi khiêu vũ được, đúng vậy không?”

“Đúng ạ!”– Cả lớp cùng reo lên.

“Nếu những chú chó, những chú chuột không sẵn lòng giúp đỡ cô ấy, liệu cô ấy có thể về nhà đúng giờ được không?”

“Không ạ, và sau đó cô ấy sẽ khiến chàng hoàng tử sợ cho tới ngất xỉu ạ. Cả lớp cười lớn.”

Cô Josephine chờ cả lớp yên lặng lại, rồi bắt đầu giải thích:

Cô bé lọ lem được bà tiên giúp đỡ, nhưng nếu chỉ có bà tiên thôi thì chưa đủ. Do đó các em hãy luôn nhớ rằng dù có ở đâu, chúng ta đều cần đến những người bạn. Bạn bè của chúng ta có thể không xinh đẹp, không giàu có, nhưng chúng ta vẫn cần họ. Cô mong rằng các em sẽ càng ngày càng có nhiều bạn bè hơn nữa.

“Bây giờ, hãy nghĩ về điều này, nếu cô bé lọ lem bỏ cuộc bởi vì bà mẹ kế không cho cô bé tới buổi khiêu vũ, liệu cô ấy có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?”

“Không ạ! Nếu cô ấy nhanh chóng bỏ cuộc, cô ấy sẽ không thể tới buổi khiêu vũ. Hoàng tử cũng sẽ không thể gặp được cô ấy, biết đến cô ấy và đem lòng yêu cô ấy được.”

“Đúng là như vậy! Nếu cô bé lọ lem không muốn tới buổi khiêu vũ, thì ngay cả khi bà mẹ kế không tìm cách ngăn cản, hay thậm chí còn ủng hộ cô ấy, thì cô bé vẫn sẽ không tới buổi khiêu vũ được. Vậy, ai là người quyết định liệu rằng cô ấy có tới buổi khiêu vũ hay không?”

Các em tranh nhau trả lới: “Là chính bản thân cô bé lọ lem ạ.”

Cô Josephine nhấn mạnh bằng một giọng nói ấm áp đầy sự tin tưởng: “Vì thế, các em thân mến, mặc dù cô bé lọ lem không còn mẹ để được yêu thương, vỗ về, và bị mẹ kế ghét bỏ và đối xử cay nghiệt, cô ấy vẫn luôn yêu thương chính bản thân mình. Bởi vì cô ấy trân trọng bản thân, cô ấy đã quyết tâm theo đuổi những gì cô ấy muốn. Nếu các em cảm thấy như thể mình không được yêu thương, hoặc giống như cô bé lọ lem bị bà mẹ kế ghét bỏ, các em nên làm gì?”

“Chúng ta cần phải tự yêu thương bản thân mình ạ!” Martin ngay lập tức nói.

Đúng rồi. Không ai có thể ngăn cản chúng ta yêu thương bản thân mình. Nếu các em cảm thấy dường như những người khác không yêu thương các em, các em vẫn cần tự yêu thương, chăm sóc cho mình. Nếu không ai trao cho các em những cơ hội, các em hãy tự tạo ra những cơ hội cho bản thân. Nếu các em thực sự tôn trọng bản thân, các em sẽ nhận ra những điều các em thật sự cần. Không ai có thể ngăn cản cô bé lọ lem đi đến buổi khiêu vũ, không ai có thể ngăn cản cô ấy trở thành hoàng hậu, trừ bản thân cô ấy. Đúng vậy không?

Cả lớp lại một lần nữa rất tâm đắc reo lên: “Đúng ạ!”

Cô Josephine ngừng lại một chút rồi đặt một câu hỏi khá hóc búa: “Câu hỏi cuối cùng, câu chuyện này có điều gì không hợp lý?”. Cả lớp chùng xuống, vì có vẻ chưa một ai đưa ra được câu trả lời. 

Rồi bỗng một cậu bé cất lời: “Sau 12 giờ đêm, tất cả mọi thứ sẽ trở về trạng thái ban đầu, nhưng đôi giày của cô bé lọ lem thì vẫn còn nguyên.”

Trời, các em thật tuyệt vời! Hãy nhìn xem, ngay cả những tác giả lớn cũng không tránh khỏi việc mắc lỗi. Vì vậy, phạm sai lầm không phải điều gì quá đáng sợ. Cô chắc chắn rằng, trong tương lai nếu các em trở thành một nhà văn, nhà viết truyện, các em sẽ còn xuất sắc hơn tác giả của câu chuyện này. Các em có tin như thế không?

Lần này cả lớp không reo lên đồng ý như những lần trước mà chỉ nhìn nhau, rồi gật đầu. Dường như bài học cuối cùng này khiến các em thật sự xúc động.

Các bậc làm cha mẹ luôn đau đầu với câu hỏi: Làm thế nào để dạy cho con cái họ cách hành xử đúng mực trong cuộc sống, dạy cho chúng biết cách đối xử thân ái, và bao dung với những người xung quanh? Cách kể chuyện rất độc đáo của cô giáo Josephine chính là một phương pháp tuyệt vời. Cô đã khéo léo dùng câu chuyện cổ tích gần gũi và sự kiên nhẫn, tin tưởng học sinh của mình để mang những nhân vật thân thuộc với tuổi thơ, những câu chuyện với những chi tiết thần kì trở lại, và dạy các em về các quy tắc ứng xử cũng như sự sâu sắc của cuộc sống. Từ đó, các em sẽ tự tập cho mình những thói quen tốt để trở nên tốt đẹp và nhìn cuộc đời một cách khách quan hơn.

Thủy Linh biên dịch 

Xem thêm: 

 

Exit mobile version