Hiện nay, xu hướng kết hôn do “tình yêu” thì không sai, nhưng “tình yêu” có những giới hạn của nó. Vì tình yêu là thuộc về trạng thái cảm xúc, tình cảm của con người, nó luôn có sự thay đổi do tác động của hoàn cảnh, nên không thể lấy tình yêu làm tiêu chuẩn tuyệt đối để duy trì hôn nhân…
Đang lướt Web giải trí sau giờ làm việc, tôi được bạn thân báo tin: “Tao sắp cưới!” Thấy bạn sắp “nhận án trung thân” tự nguyện, trong tâm tôi mong nó chịu án đến “bách niên giai lão, đầu bạc răng long”. Các cụ ngày xưa còn chúc thêm câu “có con đàn cháu đống”, hôn nhân như vậy mới là viên mãn. Ngày nay chúc như vậy thì không hợp lắm, biết đâu trong tương lai không xa nữa người ta lại quay lại như xưa.
Nghĩ chuyện vợ chồng ở nhân gian cũng nhiều thú vị, hai người xa lạ, gặp nhau thành quen, yêu nhau rồi quyết định về chung một nhà, ban đầu có nhiều bỡ ngỡ, sau dần cũng thành quen, rồi sinh con đẻ cái, sau này con cái lớn lên lại lập gia đình riêng, mọi việc cứ tuần hoàn như vậy, nhân loại theo đó mà tiếp tục sinh sôi.
Chuyện hôn nhân thú vị thật đấy, nhưng do ai định ra và từ khi nào? Tại sao lại thế này? Tại sao lại thế kia? Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng giờ mới chợt nhận ra, ồ, ta chẳng biết gì về nó vì từ xưa đến nay chưa ai nói cho nghe.
Vậy tìm ở đâu đây? Để trả lời những thắc mắc này, nếu ở hoàn cảnh xã hội cách đây 30 năm chắc phải đi tìm các cao nhân hoặc đọc các sách cổ kim, nhưng chưa chắc đã tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Nhưng ngày nay thế giới phẳng, chỉ cầm điện thoại lướt web là sẽ có nghìn vạn pho sách trong tầm tay. Đây rồi: Thượng Cổ bí sử của DKN TV có đề cập đến nhiều câu chuyện từ thời tiền sử xa xưa, đọc xong có thể giải đáp được những thắc mắc này, xin kể ra đây để mọi người cùng minh tỏ:
“Tương truyền Thời Thái Cổ ban sơ, nam nữ giao lưu cởi mở, tự do yêu đương, giống như là yêu thích ai thì sẽ kết duyên với người đó. Nữ tử gặp được nam tử thì không ai không thành chồng của nàng ấy. Nam tử gặp được nữ tử thì không ai không trở thành vợ của chàng ấy. Cuối cùng, khi một đứa trẻ ra đời, hỏi rằng ai đã sinh ra đứa bé, cha của đứa nhỏ là ai, ngay cả người mẹ cũng không biết” .
Thời Thái cổ ban sơ chưa rõ là từ năm nào, nhưng chắc chắn là từ những niên đại xa xưa, lúc đó con người chưa có các quy phạm đạo đức làm người, sống cởi mở về yêu đương và tình dục, hoàn cảnh sinh tồn như vậy không loại trừ trường hợp người cùng huyết thống có thể trở thành vợ chồng, ngày nay gọi là “loạn luân”. Nếu cứ sinh sống trong trạng thái hỗn loạn về hôn nhân như vậy sẽ làm suy giảm giống nòi, lâu dần có thể con người sẽ tuyệt diệt, điều này tuyệt đối không được phép. Vậy thì phải làm sao?
“Nhìn thấy tình huống như vậy, Nữ Oa Nương Nương rất không đành lòng cho nên đã bàn với Phục Hy là cần chế định ra một phương pháp để thay đổi tình hình này.
Phục Hy thị hỏi: “Thế muội có cách gì không?”
Nữ Oa thị đáp: “Muội nghĩ, một nam một nữ kết thành đôi phu thê, cùng xây cất nhà cửa và không rời nơi đó. Không rời đi mới không loạn được. Hiện tại giả định như nam tử lấy được nữ tử gọi là có thất, nữ tử lấy được nam tử gọi là có gia, gia thất này có 2 chữ. Chính là nơi ở vĩnh viễn của đôi phu thê”.
Đến đây về cơ bản chúng ta đã trả lời được rằng: Thần định ra hôn nhân cho con người; thế nào là “gia”, thế nào là “thất” và cụm từ “gia thất” là gì. Nữ Oa là một vị Thần, theo truyền thuyết Nữ Oa dựa theo hình dạng của mình, dùng bùn đất tạo nên con người, sau đó Bà định ra hôn nhân vợ chồng là để duy trì đạo đức con người. Khi người đã kết hôn, “gia thất” là nơi ở vĩnh viễn của đôi phu thê, từ đó sinh con đẻ cái, đời này nối tiếp đời kia và nhân loại tồn tại cho đến ngày nay.
Việc đặt định hôn nhân để nhân loại thoát họa “diệt vong” đã xong, nhưng lại phát sinh một vấn đề cần phải giải quyết: trước khi kết hôn thì người nữ và người nam mỗi người ở một nhà, mặc dù thời đó xã hội chưa phát triển nhưng con người vẫn có những nhận thức nhất định. Vì mỗi người đều gắn bó với cha mẹ, anh em và vùng đất đã nuôi mình lớn lên, không ai muốn rời đi đến một nơi xa lạ. Vậy thì nam phải theo nữ hay nữ phải theo nam, cách giải quyết việc này như thế nào? Nữ Oa lý giải với Phục Hy như sau.
“Phục Hy hỏi: Nếu nam tử ở nhà của mình còn nữ tử rời đi thì sao? Hoặc là nữ tử ở nhà của mình còn nam tử rời đi thì làm thế nào?
Nữ Oa: Muội cho rằng hẳn là nữ tử nên đến ở bên nam tử. Nhưng dựa vào lý do gì? Bây giờ đất đai còn rất hoang vu, không có văn minh thế gian. Thứ nhất là, làm vậy thì có thể đạt được đầy đủ áo cơm. Thứ 2 là có thể chống lại được quân địch. Nếu so sánh thì thể lực của nữ yếu hơn nam, cho nên nam tử nuôi và bảo vệ nữ tử sẽ dễ dàng hơn. Nếu để nữ tử nuôi và bảo vệ nam tử thì sẽ khó khăn phức tạp hơn. Mà sinh lý của nữ cũng khác nam, có những lúc người nữ không thể bảo vệ được người nam, ngược lại còn khiến nam phải bảo vệ nữ. Nếu đã như vậy thì hẳn là phụ nữ nên phụ thuộc nam giới, đến ở nhà của người nam, như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao. Cho nên ý định của muội là cần có một tên gọi, nam tử lấy nữ tử gọi là thực hiện cưới hỏi, là cưới vợ về. Người nữ lấy người nam gọi là xuất giá, tức là lấy chồng. Đại ca, huynh thấy phương pháp này có được không?”.
Nữ theo nam, hay nam theo nữ được Nữ Oa dựa trên thiên tính của nam và nữ để lý giải vấn đề; xuất phát từ lý do nam có sức khỏe, mạnh mẽ, ngược lại nữ yếu hơn. Vì có sức khỏe nên nam tử có thể lao động để kiếm sống và bảo vệ người nữ trước những nguy hiểm trong cuộc sống, vì lẽ đó nữ theo nam sẽ thuận hơn. Dựa trên giải thích của Nữ Oa, chúng ta có thể lý giải vì sao dân gian có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng” – đây là xuất phát từ đặc tính khác biệt giữa người nam và người nữ, chứ không phải như một số ý kiến nói rằng thời phong kiến trọng nam, khinh nữ, người phụ nữ không có quyền và chỗ đứng trong xã hội nên nữ phải đến nhà chồng sau khi xuất giá.
Hôn nhân có nguồn gốc và ý nghĩa như vậy đó. Là do Thần định ra cho con người, với mục đích duy trì đạo đức và nòi giống của nhân loại, hôn nhân là khởi đầu của nhân luân nên ngàn lần không thể xem nhẹ. Vì con người tuân theo những quy định do Thần đặt ra nên nhân loại mới sinh sôi nảy nở kéo dài cho đến ngày nay.
Hiện nay, xu hướng kết hôn do “tình yêu” thì không sai, nhưng “tình yêu” có những giới hạn của nó. Vì tình yêu là thuộc về trạng thái cảm xúc, tình cảm của con người, nó luôn có sự thay đổi do tác động của hoàn cảnh, nên không thể lấy tình yêu làm tiêu chuẩn tuyệt đối để duy trì hôn nhân. Nếu lấy tình yêu là tiêu chuẩn tuyệt đối thì khi “hết yêu” sẽ chia tay, đây có lẽ là nguyên nhân tình trạng ly hôn hiện nay khá cao và đáng báo động. Tình yêu chỉ là khởi đầu khi hai người đến với nhau, chỉ là những tín hiệu tốt đầu tiên, nhưng thực tế diễn ra có thể khác hẳn so với tính toán ban đầu.
Trong lịch sử đã từng có nhiều đôi phu thê dù khó khăn gian khổ nhưng vẫn cư xử trọn nghĩa, vẹn tình, duy trì đạo đức nhân loại, là tấm gương cho các thế hệ về sau noi theo. Quan sát xung quanh mình, hay đọc các sách Nữ Đức, Liệt Nữ truyện, chúng ta có thể nhận thấy những gia đình, gia tộc hưng vượng dài lâu đều đa phần là do cha mẹ ăn ở thuận hòa, trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nuôi dạy con cái trưởng thành, về già được hưởng phúc báo con cháu đông đủ, không rơi vào cảnh cô đơn.
(Còn tiếp)
Tĩnh Văn