Đại Kỷ Nguyên

Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt (P1): Dong thuyền ra biển lớn ‘phụng sự nhân loại’

Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa… Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.  

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa…hãy biết ơn người đã cứu mạng mình. 

Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam

Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

Đón xem: Phần 2

***

Alexandre Yersin là học trò xuất sắc của Louis Pasteur. Giữa giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp, chàng thanh niên trẻ Yersin đã quyết định từ bỏ tất cả, lênh đênh trên biển, dọc ngang quả đất để thực hiện sứ mệnh “phụng sự nhân loại”. Và, như một nhân duyên tiền định, ông đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hiền hòa của vùng biển Nha Trang, rồi cương quyết sẽ cống hiến trọn đời cho mảnh đất này.

Tuổi thơ bi kịch và nước mắt

Yersin là con út trong gia đình có ba người con. Từ khi còn trong bụng mẹ, chưa biết đến ánh sáng mặt trời, Yersin tội nghiệp đã phải chịu nỗi đau mất cha. Ba tuần trước khi chào đời, cha ông, Alexandre (1825-1863), là giáo viên môn khoa học tự nhiên tại những trường trung học ở Aubonne và Morges, kiêm nhiệm chức quản đốc kho thuốc súng đã bị xuất huyết não và ra đi, để lại mẹ ông một mình nuôi ba người con (Émilie, Franck, và Alexandre). 

Nhưng bi kịch chưa dừng ở đó. Bởi vì là thành viên của giáo hội Tin Lành, từ nhỏ Yersin đã phải theo mẹ rời khỏi nước Pháp sang Thụy Sĩ để tránh bức hại tôn giáo sau khi Louis XIV ra Chỉ dụ Fontainbleau năm 1685, thu hồi Chỉ dụ Nantes do Henri IV ban hành năm 1598.

Tuy nhiên, những thiệt thòi của tuổi thơ không cha và khó khăn trong cuộc sống lưu lạc vẫn không làm thuyên giảm đi nhiệt huyết nghiên cứu khoa học của Yersin. Được thừa hưởng sự say mê của cha là một nhà khoa học, Yersin đã nhận lấy sứ mệnh dang dở của người cha quá cố và tiếp tục viết tên mình trên con đường nghiên cứu. 

Chân dung Alexandre Emile John Yersin (1863-1943), nhà vi khuẩn học người Thụy Sĩ.(Ảnh: sciencesource.com)

Nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa ở tuổi 25, sau khi trở về Paris, Yersin xin nhập quốc tịch Pháp (lúc ấy chỉ có công dân nước Cộng hòa Pháp mới được hành nghề y) và gia nhập Viện Pasteur ở Paris. Tuy nhiên, nhà khoa học trẻ đầy triển vọng này không hài lòng với môi trường học thuật đỉnh cao ở Paris. Năm 1890, ông quyết định từ bỏ tương lai sáng lạn ở đây, rời nước Pháp  giàu có và xinh đẹp để đến Đông Dương, một miền đất nghèo ở xứ sở xa lạ.

Trở thành huyền thoại xứ Đông Dương

Nếu được chọn một người phương Tây đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam thì tôi chắc chắn đó sẽ là bác sĩ Alexandre Yersin.

Ông không chỉ là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội), xây dựng toàn bộ giáo trình sơ khởi và nhận thức y đức cho các thế hệ bác sĩ, mà còn là người sáng lập 4 viện Pasteur (Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt), sản xuất vắc xin và thuốc men chữa bệnh hàng triệu người Việt chúng ta. Trại ngựa nuôi lấy huyết thanh chữa bệnh của ông nằm ở suối Dầu (Khánh Hoà) là trại ngựa lớn nhất châu Á khi đó (hiện nay vẫn lớn nhất Đông Nam Á). Có thể nói, Yersin là người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền y khoa hiện đại Việt Nam. 

Ngoài ra, Yersin còn là người mang cây cao su, cà phê, ca cao về trồng ở VN, và giờ đây chúng ta đã có hàng tỷ đô la xuất khẩu nhờ những giống cây ấy. Nhiều giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, cẩm tú cầu, xà lách xoong…. đều do ông và bạn bè đồng sự ông mang qua thí nghiệm. Ông còn quy hoạch nuôi cừu trồng nho ở Phan Rang, nuôi gà và đà điểu ở Ninh Hoà, quy hoạch và xây dựng thành phố Đà Lạt, đẩy mạnh việc thử nghiệm và trồng quy mô lớn cây cà phê ở Tây Nguyên…

Là một người rất có uy tín với chính quyền Pháp bấy giờ, Yersin yêu cầu người Pháp phải xây dựng nhiều trường học ở các tỉnh của Việt nam và ý kiến cho Pháp đầu tư tiền để xây đường sắt Bắc Nam từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn. Đường sắt Phan Rang đi Đà Lạt cũng là ông tư vấn cho toàn quyền Doumer làm. Ông cũng là người có công lớn trong việc “cải cách” quốc lộ 1A từ một con đường đất 2-3 mét từ thời Chúa Nguyễn thành con đường rải nhựa, ô tô có thể chạy được.

Một góc Trại chăn nuôi Suối Dầu ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa – tiền thân là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm do Yersin xây dựng năm 1896. (Ảnh: baophapluat.vn)

Yersin còn là một tỷ phú nhờ trồng cao su xuất bán cho hãng lốp xe Michelin. Ông là cổ đông chính của ngân hàng HSBC (toàn bộ tiền lãi của ông đến nay vẫn còn và vẫn chuyển đều đặn về quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học)…

Thế nhưng, ít ai biết rằng, Alexandre Yersin cũng là một nhà truyền giáo…

Là một tín hữu Tin Lành có niềm tin sâu sắc, Yersin luôn mong muốn sẽ truyền bá tình yêu của Chúa cho những dân tộc tại các quốc gia xa xôi. Tuy nhiên, hiểu được lý do vì sao những nhà truyền giáo Tin Lành không được họat động ở Đông Dương, Alexandre Yersin đã chọn cách đến đây không phải với tư cách một nhà truyền giáo thuần túy, mà là một khoa học gia. Có lẽ, ông muốn dùng khoa học như một  phương tiện để đem tình yêu thương của Chúa đến với con người. Và, với Đức Tin mạnh mẽ cùng trái tim lương thiện, giàu lòng trắc ẩn được Chúa nâng đỡ, Yersin đã thực hiện sứ mệnh đó tốt hơn ai hết. 

(Bài viết sử dụng một số tư liệu trên Wikipedia và chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Trần Phong 

Exit mobile version