Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa… Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa…hãy biết ơn người đã cứu mạng mình.

Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam

Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

Đón xem: Phần 1  Phần 2

***

Bài viết này là món quà đặc biệt dành cho những ai đã yêu và đang thương Đà Lạt. Bởi khi đã yêu thương thực lòng, người ta sẽ không đến đây chỉ để check in, chụp vài ba bức ảnh, hay ghé vào những khu du lịch nổi tiếng… mà còn muốn được lắng nghe những âm thanh vọng về từ cội nguồn và ký ức…

Vào năm 1868, tức là 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến vùng đất cao nguyên lạnh, Dinh Điền Sứ Nguyễn Thông của triều đình nhà Nguyễn đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên. Ông đã từng báo cáo cuộc khai hoang này lên triều đình nhà Nguyễn trong “Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng Thượng du”, nhưng vì việc thực hiện cuộc di dân lên vùng đất này để khai phá đòi hỏi rất nhiều kinh phí, nên vùng đất ấy đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.

Bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Sau đó hơn một thập kỷ, vào năm 1881, bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans cũng đã đến cao nguyên Lâm Viên. Nhưng vì chuyến đi của họ chỉ được biết trong giới thám hiểm mà không được giới thiệu đến công chúng, nên Đà Lạt lại một lần nữa bị bỏ quên. 

Đồi cỏ hồng Đà Lạt. (Ảnh: Võ Trang)

Mãi đến năm 1893 (chính xác là thời khắc 3h30 chiều ngày 21/6/1893), bác sĩ Yersin cùng đoàn thám hiểm của mình chui ra từ một khu rừng rậm, đã ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú mà họ chưa bao giờ được trông thấy. Chính từ thời điểm đó, Alexandre Yersin – với tư cách là một nhà thám hiểm, cố vấn của Toàn quyền Đông Dương, đã bắt đầu tạo ra những bước ngoặt lớn, những dấu mốc quan trọng đưa vùng đất này bước sang trang mới, để chúng ta có Đà Lạt ngàn hoa của ngày hôm nay. Vậy nên, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, tuy bác sĩ Yersin không phải người đầu tiên thám hiểm ra Đà Lạt, nhưng ông là người có công khai sinh ra thành phố này và ghi tên nó vào bản đồ Việt Nam. 

Đà Lạt vào Đông quyến rũ với những đồi cỏ tuyết. (Ảnh: hanhphan)

Có thể nói rằng, xứ sở này đã để lại trong tâm hồn bác sĩ Yersin những ấn tượng mạnh mẽ. Khí hậu mát mẻ, trong lành và vẻ đẹp tự nhiên đã gợi cho ông nhớ lại quê hương Thụy Sĩ thời thơ ấu. Và, như một cơ duyên, bốn năm sau (1897), ông đã tích cực đề xuất với Toàn quyền Doumer chọn nơi này làm địa điểm xây dựng trạm điều dưỡng và nghỉ ngơi cho các quan chức Pháp ở Đông Dương. Cuối cùng, sau nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu, tỉnh Đồng Nai Thượng – (tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này) đã chính thức ra đời.

Thành phố sương mù Đà Lạt – dù đến hàng trăm lần vẫn muốn quay lại. (Ảnh: goingo.com)

Và, ngôi trường đẹp nhất của thành phố đã được đặt với tên Grand Lycée Yersin (nay là Cao đẳng sư phạm Đà Lạt) như một sự tri ân dành cho vị bác sĩ tài ba và nặng lòng với xứ sở này.

Ngôi trường đẹp nhất của thành phố đã được đặt với tên Grand Lycée Yersin (nay là Cao đẳng sư phạm Đà Lạt). (Ảnh: hanhphan)

Trong lễ khai giảng khóa học đầu tiên, bác sĩ Yersin đã đến dự và xúc động phát biểu:

Tôi rất cảm động về tình cảm mà các em đối với tôi. Các em hãy tin rằng tôi cũng rất yêu mến và thân ái đối với các em…

Các em làm tôi nhớ đến việc phát hiện ra cao nguyên Lang Biang vào tháng 6 năm 1893 trong một cuộc tìm kiếm , nghiên cứu nhằm mục đích khai phá một vùng rừng núi phía Nam Trung phần cho đến lúc đó vẫn chưa ai biết…

Các em muốn đặt cho trường trung học đẹp đẽ này cái tên của người sống sót cuối cùng của phòng thí nghiệm Pasteur. Tôi xin cảm ơn các em.

(Trích Đáp từ của bác sĩ Yersin – Đọc tại trường trung học Yersin)

Nhiều người muốn biết tên Đà Lạt xuất phát từ đâu? Có người cho rằng đó là chữ viết tắt của Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sự mát lành cho những người khác.” Cũng có người nói rằng, tên Đà Lạt xuất phát từ chữ D’Lat trong nhật ký của bác sĩ Yersin. 

Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sự mát lành cho những người khác.” (Ảnh: wetravel.tours)

Nhưng dù thế nào chăng nữa, hơn một trăm năm trôi qua, Đà Lạt của hôm nay đã trở thành “nơi cho người này niềm vui, người kia sự mát lành” đúng như ý nghĩa của nó. Và trong suốt chặng đường dài ấy, hình ảnh bác sỹ Alexandre Yersin vẫn luôn in đậm trên mảnh đất cao nguyên xinh đẹp này. Tên của ông không chỉ được đặt cho trường học, đường phố và công viên của thành phố mà còn luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất, trong trái tim và ký ức của những con người Đà Lạt…

Trần Phong