Một, Chạp, Giêng, Hai… thế là đã bước vào tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm tính theo lịch Can Chi. Sáng nay nghe mấy bác hàng xóm trò chuyện, nhắc lại lời hẹn đụng lợn, chia gà… lại nhớ những ngày cuối năm xưa cũ. Nói là xưa cũ nhưng cũng chỉ cách nay khoảng hai mươi năm về trước, khi tôi còn sống ở quê cùng bố mẹ.
Ngày đó không khí những ngày cuối năm thật rộn rã, tất bật. Với mỗi người, với mỗi nhà và rộng hơn là làng xóm, các cơ quan đơn vị… đều cố gắng hoàn thành công việc theo mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm để thảnh thơi đón Tết cổ truyền. Cùng với công việc đồng áng, chợ búa kiếm tiền, nhà nhà đều quan tâm chuẩn bị đón Tết thật chu đáo. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết,” mẹ tôi thường nhắc vậy trong lúc chuẩn bị từng chi tiết nhỏ như nhúm hạt tiêu, xâu mộc nhĩ hái từ mùa mưa…
Cuộc sống ở quê ngày trước còn mang tính tự cung, tự cấp, để có cái Tết với đủ món “giò, nem, ninh, mọc” với bánh chưng, mứt Tết… là phải tính toán từ đầu năm. Vạt đỗ xanh trồng ven đê thu hoạch từ tháng Năm, gạo nếp mùa tháng 10, lợn, gà chăn thả từ tháng Ba, tháng Tư. Tháng Chín, tháng Mười khô hanh thì đánh gốc tre làm củi luộc bánh chưng… Công phu từng khoản nhỏ mới thành được cái Tết. Không như bây giờ, chỉ một buổi chợ là có tất cả.
Tết có ba ngày thôi nhưng phải đủ đầy, no ấm để hy vọng một năm mới đủ đầy. Sự mong mỏi no ấm không chỉ dành cho riêng nhà mình mà cho cả xóm, cả làng. Cách nghĩ “hàng xóm vui mình mới vui” tồn tại ở quê tôi đã lâu nên mỗi độ Tết đến xuân về cả làng đều rộn rã thịt lợn, giã giò, gói bánh… Nhà nghèo không có tiền được các nhà khá giả gọi ăn “đụng lợn,” đến mùa thu hoạch lúa mới phải thanh toán.
Từ hai sáu, hai bảy Tết trở đi tùy theo tháng Chạp là thiếu hay đủ là các nhà ngả lợn để ăn Tết. Vài ba nhà chung nhau một con, í ới gọi nhau từ tờ mờ sáng. Đám thì ăn chung với nhau bữa lòng lợn, cùng nhau giã giò thậm thịch, đám thì chia phần luôn về nhà tự chế biến. Hai chín, ba mươi lại chạy qua chạy lại nhà nhau, cho nhau bó lạt, mớ lá dong, có khi còn chờ đợi để mượn nồi luộc bánh. Chiếc nồi nhôm đúc ngày xưa là tài sản lớn, không phải mấy nhà đã sắm được nên cho nhau mượn là chuyện bình thường.
Sau nhiều năm sắm Tết kiểu dịch vụ, mấy năm gần đây người dân thành phố có xu hướng quay về cổ truyền là tự gói và luộc lấy bánh chưng. Kiếm một chỗ rộng ngay ngoài ngõ, có khi là trong khoảng sân con con, bí nữa thì lên sân thượng… thế là có chỗ luộc bánh chưng. Đôi ba nhà chung nhau một nồi, lại í ới gọi nhau vo gạo, đãi đỗ… có khi còn vui hơn cả vào ngày chính Tết. Lợn gà cũng có xu hướng quay lại kiểu “ăn đụng.” Hẹn hò nhau từ ngày đầu hè, nhà có điều kiện thì tự nuôi, không có thì gửi họ hàng ở quê nuôi giúp. Nghe mọi người trò chuyện mới biết họ tẩy chay sắm Tết kiểu dịch vụ là do không yên tâm bởi chất lượng và sự an toàn của thực phẩm.
Tờ mờ sớm nay, nghe tiếng lợn kêu eng éc ở ngoài đầu ngõ cùng tiếng trò chuyện râm ran tôi cảm tưởng như mình đang ở quê trong những ngày áp Tết thuở nào. Đã là hai tám rồi, ngày mai cơ quan cho nghỉ thế nào tôi cũng gói vài cặp bánh để cả nhà cùng cảm nhận cái Tết thật ấm áp như ngày còn ở quê cùng bố mẹ.
Thu Hoài
Xem thêm: