Ấm siêu tốc tiện dụng và tiết kiệm thời gian, nhưng chỉ một giây phút bất cẩn, vật dụng này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người dùng. Nhiều vụ cháy ấm điện, bị điện giật dẫn đến tử vong khiến người dùng băn khoăn về cách sử dụng sao cho an toàn.
Ấm siêu tốc bốc cháy khi không đun nước
Mới đây, tài khoản Facebook N.A đăng tải hình ảnh về một chiếc ấm siêu tốc đang cháy ngùn ngụt dù không cắm điện, không đun nước và gia đình thường xuyên cắm đế điện như vậy. N.A cho biết, anh mua ấm siêu tốc này trên mạng khoảng hơn 1 năm trước với giá 180 nghìn đồng.
Đa số các gia đình hiện nay vẫn giữ thói quen cắm đế điện liên tục mặc dù không đun nước. Trước đây, cũng từng có tài khoản mạng xã hội cảnh báo các gia đình dùng bình siêu tốc cẩn thận. Vì khi cắm điện, chiếc bình đun siêu tốc chập điện rực sáng và cháy đen.
Năm 2016 xảy ra 3 trường hợp bị giật ấm siêu tốc tử vong. Tháng 8/2016, bé Hà Thị Yến Nhi (9 tuổi, Sơn La) vào trong nhà tắm rút phích cắm ấm siêu tốc ra khỏi ổ điện. Song nguồn điện rò rỉ khiến Yến Nhi bị điện giật tử vong. Ngày 25/6, Trần Hoàng Hải (sinh viên năm 3, Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên) trong khi rút phích nước sôi bằng ấm siêu tốc tại phòng trọ cũng đã bị điện giật gây tử vong tại chỗ. Trước đó khoảng 1 tháng, tại Nghệ An một cụ ông 76 tuổi cũng đã bị điện giật tử vong trong khi đang sửa ấm điện.
Theo một nhân viên điện gia dụng, nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy ấm điện, có thể do chất liệu của ấm không tốt nên chiếc ấm siêu tốc không cắm điện vẫn bốc cháy.
Những chiếc ấm chất lượng kém khi sử dụng gây quá tải, rơ le bên trong bị đóng hoặc dây cắm điện bên trong không đảm bảo gây ra các vụ cháy nổ khi đang sử dụng. Nếu dây cắm điện bên trong là dây pha nhôm sẽ rất nguy hiểm. Bởi ấm siêu tốc khi đun cần công suất điện khá lớn nên dây pha nhôm có nhiệt độ nóng chảy thấp sẽ gây ra tình trạng cháy khi điện chạy qua.
Không dùng siêu vẫn cắm đế điện cũng không sao vì trong ấm có cảm biến, khi hết nước hoặc nước sôi, ấm sẽ tự tắt. Tuy nhiên, các gia đình cần lưu ý không để ấm lên đế và bật công tắc. Tốt nhất là rút dây điện ra khi đun nước xong.
Cần để ý kỹ thời gian sôi, có ấm sôi công tắc nhảy luôn khiến cho nước chưa thật sự an toàn, còn ấm sôi khoảng 1-2 phút công tắc mới tắt sẽ giúp loại bỏ một số tạp chất trong nước.
Cách sử dụng ấm siêu tốc an toàn
Ấm siêu nước điện có công suất hoạt động cực cao, chỉ cần cắm điện thì sau 1- 2 phút là có một ấm nước sôi tiện lợi, nhưng các gia đình cần lưu ý khi sử dụng để an toàn và bền.
Mua bình đun siêu tốc nguồn gốc rõ ràng
Sử dụng bình đun siêu tốc rẻ tiền có thể bị nhiễm độc từ nhựa, inox kém chất lượng. Loại bình siêu tốc làm từ nhựa nguyên sinh mới có khả năng chống nhiệt cao hoặc làm từ inox xịn không bị han rỉ mới an toàn cho sức khỏe.
Mua bình nước siêu tốc của hãng uy tín, chất lượng để được an toàn và có bảo hành sẽ hạn chế được nguy cơ cháy nổ. Trên thị trường, dòng ấm điện dòng cao cấp có giá gần 400 nghìn/cái.
Sử dụng đúng cách
Ấm siêu tốc thường có vạch vạch Min và Max, vì vậy các gia đình cần đổ đúng mực nước cho phép. Nếu đổ nước quá ít sẽ làm bình bị đóng cặn hoặc cháy; còn đổ nước quá đầy, khi nước sôi dễ tràn ra ngoài gây chập điện và cháy bình.
Không cắm bình đun siêu tốc khi tay ướt, lúc cắm đảm bảo đế điện hoặc bên ngoài ấm khô ráo trước khi đun.
Đảm bảo ấm đun nước được kết nối đúng điện áp khi đun nước. Tránh đun nước trong phòng có điều hòa và trước luồng gió của quạt.
Không đóng mở nắp ấm nước khi đang đun vì lúc mở nắp chức năng tự ngắt của ấm sẽ không thể hoạt động.
Muốn di chuyển ấm siêu tốc cần ngắt điện hoàn toàn, rút phích cắm hỏi ổ điện.
Khi rút ấm nước cần cầm phích cắm để rút, không cầm dây nguồn có thể hở đường dây gây điện giật. Nếu dây điện bị chuột cắn phá hoặc bị nứt phải thay mới hoàn toàn.
Không sử dụng ấm liên tục
Thói quen sử dụng bình đang nóng đun liên tục để tiết kiệm thời gian là một sai lầm. Vì đun ấm liên tục sẽ làm cho mâm nhiệt quá nóng, dễ bị cháy. Thời gian giữa 2 lần đun cách nhau 15-20 phút là đảm bảo nhất.
Sau khi đun nước sôi, công tắc điện sẽ ngắt nhưng nước trong bình vẫn sôi tiếp do mâm nhiệt tỏa nhiệt. Lúc đó bạn trút hết nước ra khỏi ấm có thể khiến mâm nhiệt nhanh hỏng. Chúng ta nên để khoảng 15ml nước, chờ khi mâm nhiệt nguội mới đổ cạn nước trong ấm. Tuy nhiên, không dùng ấm để chứa nước nguội vì ngâm trong chất lỏng một thời gian dài ấm sẽ nhanh bị hỏng.
Dùng ấm siêu tốc tiết kiệm điện
Ấm siêu tốc dễ bị cặn bẩn bám vào trong lòng bình làm giảm khả năng trao đổi nhiệt khiến bình sôi chậm hơn. Thường xuyên tẩy sạch mảng bám, các vết cáu bẩn bám dưới đáy bình giúp tăng khả năng trao đổi nhiệt và thời gian nước sôi của ấm siêu tốc.
Bạn dùng một miếng vải ướt và lau bên ngoài khi vệ sinh ấm. Nếu bên trong đóng cặn, rỉ có thể cho một chút chanh, dấm ăn vào và ngâm khoảng 5-10 phút rồi tráng lại nhiều lần nước.
Mỹ Duyên