Campbell Remess la một trong năm gương mặt được CNN bầu chọn là “Anh hùng tuổi nhỏ của năm 2017. Cậu bé đến từ nước Úc này đã tự tay làm hơn 1300 con gấu bông để tặng cho các trẻ em phải nằm viện trên khắp nước Úc và nhiều nơi trên thế giới. Cậu bé tiết lộ “Em nghĩ rằng điều kỳ diệu trong mỗi chú gấu là hy vọng mà chúng mang đến”.
Campbell sinh sống tại hòn đảo Tasmania, thuộc miền Nam nước Úc. Cậu bé đã bắt đầu hành trình làm gấu bông của mình vào dịp Giáng Sinh cách đây 4 năm. Campell chia sẻ với CNN rằng, dịp lễ ấy, em muốn mua quà tặng cho các em nhỏ trong bệnh viện, bởi “các em ấy không thể làm gì, chỉ có thể nằm trên giường bệnh”. Cậu bé chia sẻ mong muốn này với mẹ, nhưng mẹ không thể giúp em, bởi bà không có đủ kinh tế khi đã phải mua quà cho 9 anh em trong gia đình của Campbell.
Cậu bé không nản lòng, thời điểm ấy em đã quyết định sẽ tự mình làm những món quà. Campell lên mạng và bắt đầu nghiên cứu về cách làm thú bông. Em xem các tài liệu hướng dẫn, nghiên cứu những bản vẽ rất lâu và xem rất nhiều các video trên Youtube về quá trình để làm được một con gấu bông hoàn chỉnh.
Khi đã sẵn sàng, Campbell đã mày mò và làm được con thú bông đầu tiên sau 5 tiếng tập trung và cố gắng. Sự khó khăn của lần đầu tiên làm một điều mới mẻ đã không ngăn cản được quyết tâm của Campbell.
“…Mặc dù nó không đẹp nhưng có thể xem là thành công”, cậu bé chia sẻ.
Campbell còn nhớ rõ lần đầu tiên tới bệnh viên để tặng gấu bông, em đã gặp một cậu bé mắc bệnh rất nặng. Khi nhận được gấu bông, cậu bé ấy đã rất phần khích, hò reo và còn vui vẻ cụng tay với Campbell.
Những nụ cười, những cái ôm rất chặt mà các bệnh nhân dành cho những chú gấu hôm đó đã khiến Campell vui lây.
Em hiểu rằng, những con gấu bông thực sự có thể làm các em nhỏ mỉm cười. Đó cũng chính là động lực để em khỏi động dự án “365 ngày gấu bông” của mình.
Mỗi ngày, Campbell sẽ dành thời gian để làm một con gấu bông, sau đó sẽ tặng lại tất cả cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Trong khi các anh chị em xem ti vi hay chạy nhảy ngoài vườn, cậu bé ngồi ở góc nhỏ của mình và miệt mài làm gấu bông. Không ngày nào, Campbell bỏ lỡ thời gian làm việc này. Em chia sẻ, nhiều lần em đã từ chối lời mời gọi xem ti vi của mẹ. Tiếng máy may rất ồn và đó là một cái cớ tốt để cậu bé chuyên tâm vào công việc.
Có một lần Campbell bị gãy tay. Nhưng cậu bé cũng không nghỉ, em vẫn làm công việc may vá như thường lệ. Tuy không thể làm được nhiều như bình thường, nhưng đợt gẫy tay ấy, cậu bé vẫn làm được một vài chú gấu.
Mỗi chú gấu bông được làm ra đều được Campbell đặt tên và mỗi chú gấu cũng có một hình dạng riêng. Ban đầu, Campell dùng tiền tiêu vặt của mình để mua nguyên vật liệu. Tuy nhiên, sau 1, 2 năm đầu tiên, khi mọi người bắt đầu biết đến những điều mà em đang làm, rất nhiều vải vó và phụ kiện đã được gửi đến Tasmania từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người đều muốn góp một chút để cùng em thực hiện dự án tuyệt vời này.
Mẹ của Campell chia sẻ rằng em đã rất thuần thục trong kỹ năng làm gấu bông. Còn với cậu bé, đây đơn giản chỉ là điều mà em yêu thích, là niềm vui của em.
Càng lớn, Campbell càng chắc chắn hơn về dự án của mình. Em chia sẻ rằng, mục đích cuộc sống của em là “khiến mọi người hạnh phúc”. Những chú gấu bông đã, đang và sẽ giúp Campbell thực hiện ước mơ của mình.
Bạn có cảm nhận như thế nào khi đọc về “cậu bé gấu bông này”? Còn với riêng tôi, câu chuyện của em như một lời chỉ dẫn tuyệt vời cho những câu hỏi cứ trở đi, trở lại trong tôi những ngày này:
“Quyết tâm là gì? Tại sao rất nhiều lần chúng ta hạ quyết tâm, tự hô trong đầu những khẩu hiệu, vậy mà cuối cùng lại vẫn bỏ cuộc, vẫn buông xuôi ý chí của mình?”
Một cậu bé mới chỉ học cấp hai, nhưng đã có thể tự mình duy trì một công việc đều đặn mỗi ngày từ 4 năm nay, đau ốm cũng không thể ngăn em làm việc. Sự đều đặn này đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Cậu bé dường như không phải cố gắng, cũng không phải gồng mình để giữ vững nhịp làm việc ấy. Sự kiên định và nhẫn nại từ chối hầu như mọi cám dỗ từ bên ngoài của em khiến tôi cảm nhận được, với em, công việc may một con thú bông mỗi ngày là một việc gì đó thật tự nhiên.
Tôi quay lại với chính bản thân mình và tự hỏi: Tôi thường nghĩ đến việc mình phải quyết tâm khi nào nhỉ? Đó chẳng phải là những lúc tôi phải làm một nhiệm vụ nào đó nhưng lại không thể thắng được những cám dỗ bên ngoài, hay những trở ngại trong chính mình (sự lười biếng hay việc lướt facebook đều là những ví dụ rất tốt).
Đến đây, Campbell đã gợi ý cho tôi. Em có thể tập trung làm việc đến vậy chính là vì em hiểu rất rõ điều mình đang làm có ý nghĩa như thế nào. Nếu trong khoảng thời gian ấy, em lựa chọn đi chơi hay xem phim, em sẽ thấy sung sướng, nhưng cũng chính lúc ấy, một bệnh nhân nhỏ tuổi sẽ mất đi cơ hội nhận được món quà và tệ hơn chính là niềm hy vọng, sự động viên nằm trong đó. Mục đích cuộc sống của em là “làm cho người khác hạnh phúc”, vậy nên em lựa chọn làm gấu bông.
Suy nghĩ đến đây, một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu tôi, “quyết tâm” liệu có phải chỉ là một sự lên gân về mặt tinh thần? Không, nó đơn giản là sự lựa chọn của mỗi người: Ở lại với những trở ngại (những ham muốn của bản thân, những lực cản từ bên ngoài) hay bỏ qua chúng và làm điều mà bạn biết mình cần làm nó.
Để thực hiện được sự lựa chọn ấy, bạn có thể tham khảo cách mà Campbell đã làm: Định rõ mục đích cho cuộc đời mình và hiểu rõ điều mình đang quyết tâm thực hiện có ý nghĩa như thế nào trong mục đích cao cả ấy.
Tôi cũng đã hỏi một người mẹ mà tôi quen biết, tại sao bà có thể thức dậy vào bốn giờ sáng, làm việc suốt cả ngày cho đến 7 giờ tối không ngơi nghỉ cả gần hai thập kỷ? Tôi muốn biết những lúc khó khăn nhất bà đã vượt qua như thế nào? Bà cho tôi một câu trả lời thật đơn giản:
“Những lúc đạp chiếc xe nặng dưới trời mưa to, tôi nghĩ rằng, nếu mình cố thêm một chút, con gái mình sẽ có thêm được một bữa cơm đầy đủ. Vậy nên, tôi lại tiếp tục làm công việc của mình”.
Tôi lại đặt thêm câu hỏi: “Vậy theo cô quyết tâm làm một điều gì đó vì ai khác, hay vì chính mình sẽ mang đến nhiều động lực hơn?
Cô ấy đã cho tôi một câu trả lời với thái độ quả quyết:
“Vì người khác”.
Tới đây, tôi nhớ lại khuôn mặt tươi cười đầy hạnh phúc của Campell. Tôi chợt nhận ra rằng, em cũng đã luôn vì những bệnh nhân nhỏ tuổi cô đơn và đang mất dần hy vọng ở khắp nơi trên trái đất này.
Hải Lam