Xuất phát từ tình thương yêu dành cho những trẻ em nghèo, anh Trần Lâm Thắng quyết định mở lớp học tình thương dạy chữ miễn phí cho trẻ từ năm 2010.
Cái duyên của anh Thắng đến với “nghiệp giáo” cũng khá tình cờ. Theo lời anh kể, vào năm 2010, anh làm bảo vệ cho khu phố Long Bửu (phường Long Bình, Q.9, TP.HCM). Một hôm, trong ca trực của mình, anh phải xử lý vụ việc một số em nhỏ trong phố gây gổ, cãi lộn với nhau.
Tuy nhiên, khi anh yêu cầu các em viết bản kiểm điểm, các em đều không thể làm được vì không biết chữ, không được đi học.
Chính điều đó đã làm anh suy nghĩ rất nhiều. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, anh thấy rằng hầu hết các em nhỏ ở khu phố anh làm bảo vệ đều là con em của những hộ lao động nghèo. Cả ngày, thậm chí là cả đêm, tối các em phải theo phụ ba mẹ làm lò gạch, không có tiền và cũng không có thời gian để đi học.
Xuất phát từ lòng thương cảm dành cho hoàn cảnh của các em, anh đã nảy ra sáng kiến thành lập một lớp học tình thương để dạy chữ cho các trẻ em nghèo trong khu phố.
Thời gian đầu, chính anh đi gõ cửa từng nhà để vận động gia đình cho con em đi học. Tuy nhiên, đáp lại sự nhiệt thành đó của anh, hầu hết cha mẹ các em nhỏ đều từ chối lời mời với duy nhất 1 lý do: Sợ các em đi học rồi không có thời gian phụ giúp cha mẹ mưu sinh.
Không nản lòng, đến lần thứ 3, anh đã đội mưa đi đến từng nhà để có thể trực tiếp gặp các em nhỏ và thuyết thục các em với tất cả thành ý, sự tử tế của mình. Và ngày khai giảng lớp học, đến anh cũng phải bất ngờ với số lượng học sinh mà anh đã “chiêu sinh” được qua 3 lần “thân chinh”, gõ cửa từng nhà kêu gọi: 33 em học sinh.
Hiện tại, lớp học của anh đã duy trì được hơn 7 năm với hơn 60 em học sinh. Để duy trì sự ổn định, khối lượng kiến thức của lớp học, anh cũng cần đến sự giúp đỡ của nhiều bạn sinh viên Sư phạm. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng tự trau dồi bản thân cũng như tranh thủ từng phút rảnh rỗi của mình để lên lớp với các em học sinh.
Anh chia sẻ, hiện công việc chính của anh là làm tài xế ở Toyota Biên Hòa, thời gian làm từ 7h30 sáng đến 5h chiều. Sau đó anh lên đứng lớp từ khoảng 6h, 6h30 đến 8h. Và từ tối muộn cho đến đêm, anh lại về khu phố trực. Với lịch làm việc kín mít như thế, có đôi khi anh đã nản chí, muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi khi lên lớp, thấy các em học sinh tíu tít, say sưa với con chữ, với tri thức, anh lại quyết định “gắn bó với nghề”.
Với anh Thắng, niềm vui của anh đơn giản chỉ là mỗi ngày lên lớp, nhìn các em học sinh đi học đầy đủ, chăm ngoan.
Hóa ra, hạnh phúc của một người “thầy” chỉ đơn giản như thế!
Hoàng Minh