Đại Kỷ Nguyên

Anh tôi đưa cô bé không nhà về nuôi, ngày kết hôn, câu nói của em khiến chị tôi khóc mãi

Sapa ngày đông lạnh, một đêm tuyết rơi 16 năm trước, anh tôi đi săn trở về không được con mồi nào nhưng lại dắt về một cô bé. Anh không nói gì nhiều chỉ bảo chị dâu đưa bé đi tắm và thay quần áo.

Chị dâu nhìn cô bé đang co ro trong góc nhà, mái tóc chùm hết xuống mặt nhưng vẫn lộ ra đôi mắt tròn to trong veo. Cô bé đang khoác một chiếc áo quá rộng so với người, đôi chân đang run bần bật vì chiếc giày vải ướt sũng nước. Chị nhấc đôi chân bé nhỏ ra khỏi đôi giày, hai bàn chân đang lạnh cóng tím bầm. Chị vừa đưa tay gạt hai dòng nước mắt, vừa vào bếp lấy nước ấm cho bé.

Sau khi cho bé đi ngủ, chị đã thức cả đêm để đan giày cho bé. Sáng hôm sau tôi thấy một đôi giày mới dưới chân giường.

Cô bé ở lại nhà tôi, chị dâu xem bé như con ruột, còn tôi thì có một người cháu gái. Chị dâu may cho cháu một chiếc túi sách hoa sen giống hệt của tôi. Và từ đó hàng ngày cháu gái cùng tôi đến trường. Cháu không nói, không cười, thỉnh thoảng thấy cháu nói gì đó bằng giọng địa phương. Anh hai tôi kể lại rằng khi anh đi săn và lạc vào một thôn làng có lác đác vài nóc nhà. Anh nghe thấy có tiếng trẻ con khóc, khi anh đến một ngôi nhà lụp sụp, bước vào trong thì thấy cháu bé đang ngồi khóc cạnh thi thể một người phụ nữ. Người đó chắc đã chết vài ngày, còn lác đác vài miếng khoai sống vương vãi trên nền đất. Cháu bé lúc đó đang mặc trên người một chiếc áo khoác cũ kĩ mỏng manh của người mẹ. Nếu lúc đó anh tôi không bắt gặp thì nó có thể không chết vì đói thì cũng sẽ chết vì rét. Anh tôi chôn cất người phụ nữ kia xong thì đưa cháu bé về nhà. Từ đó chị dâu tôi gọi cháu với cái tên Ngọc Lan.

Ngọc Lan rất thông minh, bỏ học lâu như vậy rồi nhưng những bài tập khó đến mấy, chỉ cần tôi gợi ý một chút thì cháu có thể làm được. Chị dâu tôi mang bầu đã 6 tháng, đi lại kềnh càng khó nhọc, nhưng hễ trời chuyển mây đen là chị lại mang áo mưa đến đón chúng tôi. Tôi nói tôi có thể chăm sóc cho Ngọc Lan, vì thế lần sau chị không cần phải đến nữa. Mẹ tôi mất khi tôi tròn 15 tháng, các anh tôi đều hơn tôi rất nhiều tuổi. Anh cả và cha thì lên thành phố làm thuê, vì thế anh hai ở nhà chăm nom và nuôi tôi lớn. Từ khi anh hai lấy vợ tôi cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái vô cùng. Chị dâu tôi may vá rất giỏi, nên tôi không còn phải mặc quần áo rách đi học nữa.

Khi tôi và Ngọc Lan lên cấp hai, chúng tôi ở nội trú luôn trong trường. Hàng tuần không kể là mưa gió rét buốt, chị cũng đều cõng theo cháu trai mang dưa muối cho chúng tôi. Để tăng thu nhập cho gia đình anh hai tôi cũng bỏ săn bắt lên thành phố kiếm việc làm. Cứ khi nào tôi và Ngọc Lan về nhà là chị dâu lại nấu hai bát đậu phụ cho chúng tôi ăn. Tôi muốn nhường cho cháu trai một ít nhưng cháu cười nói ngày nào cháu cũng ăn rồi, nên giờ để chúng tôi ăn. Có một lần trường phát tiền trợ cấp, tôi và cháu gái đã xin nghỉ một hôm để về nhà sớm. Về đến nhà cũng đúng bữa trưa, chúng tôi nhìn trên bàn chỉ có một bát củ cải muối, nước mắt tôi không sao ngừng chảy. Từ ngày đó, mỗi lần về nghỉ chị dâu nấu đậu phụ chúng tôi nhất định chia cho cháu trai ăn cùng. Cháu trai nhâm nhi miếng đậu cười tươi như hoa nở: “Mẹ nói đậu phụ không ngon bằng củ cải muối, sao cháu thấy đậu phụ lại ngon hơn củ cải nhỉ?” Chị dâu trong lòng nặng trĩu, hai đứa tôi cũng lặng cả người. Chị nghiêm nghị nói với cháu trai, rằng chúng tôi đi học rất vất vả, và chúng tôi lớn tuổi hơn nên không thể ăn cơm với cải muối…

Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Ngọc Lan thi trượt cấp ba, chị khuyên cháu đi ôn thi để năm sau thi lại, nhưng cháu nhất định không muốn. Cả nhà chỉ có tôi biết rõ rằng, cháu gái cố tình không làm bài.

Sau khi bỏ học, cháu gái tôi lên thành phố xin đi làm công nhân, tiền lương hàng tháng hầu như cháu không tiêu đến, tất cả gửi về để phụ giúp gia đình.

Khi tôi học năm cuối đại học, Ngọc Lan quyết định lấy chồng. Ngày cưới, cháu quỳ dưới chân chị dâu vẫn không nói không rằng chỉ lặng lẽ rơi nước mắt mà mãi không chịu đứng lên. Chị tôi ôm cháu vào lòng, khẽ lau nước mắt trên khuôn mặt xinh xắn. Tuy bao lâu nay Ngọc Lan chưa một lần gọi chị dâu tôi là mẹ, nhưng trong lòng chị luôn coi cháu như con.

Chị dâu lấy từ trong túi ra một cuốn sổ tiết kiệm rồi dúi vào tay cháu gái tôi: “Con hãy cầm lấy số tiền này, mẹ già rồi không thể kiếm tiền lo cho con, vì thế tiền lương của con mẹ cất hết vào đây. Sau khi cưới hãy dùng số tiền này làm vốn mà làm ăn.”

Tuy Ngọc Lan không muốn cầm số tiền đó, nhưng chị dâu nhất nhất không nghe, cuối cùng cháu cũng phải chiều lòng chị.

Khi chiếc xe hoa đã đi rất xa, chị dâu vẫn đứng ở đầu đường ngóng theo. Ngọc Lan thò đầu ra vừa nức nở vừa nói lên như thét: “Mẹ, mẹ về đi!” Chị dâu tôi nước mắt trào ra, chỉ một câu gọi “mẹ” cũng khiến chị khóc vì mãn nguyện. Tiếng gọi ấy của cháu gái tôi vang vọng khắp cả núi đồi, khắp cả trời đất…

Thiếu Kỳ

Xem thêm:

Exit mobile version