Đại Kỷ Nguyên

Áp dụng ‘định luật 10% hơn 90%’, thu nhập của người tài xế taxi tăng gấp đôi mỗi năm, vì sao?

Nhà tâm lí học người Mĩ Festinger có một phán đoán rất nổi tiếng, được mọi người gọi là “định luật Festinger”, trong đó chỉ ra rằng 10% những sự việc trong đời sống xảy ra trực tiếp đối với bạn, còn 90% còn lại được quyết định bởi phản ứng của bạn đối với sự việc. Hay nói cách khác, 10% những sự việc xảy ra trong đời là bạn không thể thay đổi được nhưng 90% còn lại là phụ thuộc ở bạn.

Câu chuyện về chiếc đồng hồ đắt tiền

Một buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, Festinger đi rửa mặt và tiện tay tháo chiếc đồng hồ đắt tiền của mình để bên cạnh bồn rửa mặt, người vợ sợ đồng hồ bị ướt nên đã mang vào để trên bàn ăn. Cậu con trai của hai người sau đó đến cạnh bàn ăn để lấy bánh mì không cẩn thận đã làm rơi hỏng đồng hồ.

Festinger rất yêu quý chiếc đồng hồ nên trong lúc tức giận đã đánh con trai và mắng vợ té tát. Người vợ không phục, nói là vì sợ đồng hồ bị ướt nên mới làm vậy, nhưng Festinger trong lúc tức giận vẫn thấy không chấp nhận được và nói rằng chiếc đồng hồ này không thấm nước.

Thế là 2 người cãi nhau kịch liệt. Vì tức giận nên Festinger cũng không thèm ăn bữa sáng, lái xe trực tiếp tới công ty, khi sắp tới công ty thì chợt nhớ ra mình quên cặp, vì vậy vội vàng trở về nhà. Nhưng trong nhà chẳng có ai, vợ thì đi làm, con thì đi học, chìa khóa của Festinger lại để ở trong cặp, ông không vào được nhà nên chỉ còn cách gọi điện thoại cho vợ.

2 vợ chồng đã cãi nhau kịch liệt chỉ vì một chiếc đồng hồ bị vỡ. (Ảnh minh hoạ: Webtretho)

Người vợ vội vàng trở về nhà, không may đâm vào gánh hàng rong hoa quả ven đường. Chị gánh hàng rong không cho người vợ đi, đòi bồi thường, và cuối cùng người vợ phải bồi thường một khoản tiền thì mới được đi.

Đợi được đến khi lấy cặp, Festinger đã muộn làm 15 phút, bị cấp trên phê bình một trận, tâm trạng của Festinger lúc đó không thể tồi tệ hơn. Trước khi tan làm lại vì một chuyện nhỏ mà Festinger cãi nhau với đồng nghiệp. Cô vợ vì về sớm nên bị trừ lương thưởng tháng. Con trai hôm đó tham gia trận đấu bóng chày, đáng lẽ có hy vọng giành được chức vô địch song vì tâm trạng không tốt nên bị loại ngay ở hiệp 1.

Không chỉ bố mẹ, đến cả con cái cũng bị liên luỵ vì điều này…

Trong ví dụ này, đồng hồ hỏng chỉ là 10% còn hệ lụy sau đó là 90%. Đó đều là do người trong cuộc khi ấy không kiểm soát được 90% còn lại, do đó mới dẫn tới một ngày tồi tệ đến như thế.

Hãy thử nghĩ xem, nếu Festinger đổi một thái độ khác sau 10% sự việc đã xảy ra đó thì kết quả sẽ ra sao? Nếu ông an ủi con trai: “Con yêu không sao đâu, đồng hồ hỏng cũng không sao đâu.” Như vậy con trai vui vẻ mà vợ cũng vui vẻ, tâm trạng của Festinger tốt lên thì sẽ không xảy ra những sự việc sau đó nữa.

Có thể thấy, tuy bạn không khống chế được 10% sự việc xảy ra trước đó, nhưng bạn hoàn toàn có thể bằng tâm trạng và hành vi của mình để quyết định 90% còn lại.

Trong thực tế cuộc sống, thường nghe thấy người ta than phiền rằng: Tại sao tôi cứ thường không hay gặp may mắn thế này, mỗi ngày những việc đen đủi đều xảy ra xung quanh tôi, vậy phải làm thế nào để tôi có tâm trạng tốt hơn đây, ai có thể giúp tôi?

Đây là một vấn đề về tâm thái. Thực ra người có thể giúp bạn không phải là người khác mà là chính bạn. Nếu như bạn có thể vận dụng thành thục “định luật Festinger” để giải quyết mọi việc thì tất cả các vấn đề sẽ đều êm đẹp!

Sức mạnh của việc ngưng than vãn

Có một nhà văn người Mỹ đi công tác, tình cờ ngồi một chiếc taxi rất độc đáo. Tài xế taxi ăn mặc rất sạch sẽ, trong xe cũng vậy. Nhà văn vừa ngồi vào ghế thì nhận được một tấm các rất đẹp của tài xế, trên đó viết: “Trong bầu không khí thân thiện chúng tôi sẽ đưa quý khách đến nơi nhanh chóng nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất”. Cảm thấy thích thú, nhà văn liền nói chuyện với anh tài xế.

Tài xế nói: “Xin hỏi, anh muốn uống chút gì không?” Nhà văn ngạc nhiên: “Chẳng lẽ trong xe cũng phục vụ đồ uống sao?”

Tài xế cười nói: “Đúng vậy, chúng tôi không chỉ phục vụ cafe, mà còn có các loại đồ uống khác, ngoài ra còn có báo nữa”. Nhà văn nói: “Vậy cho tôi một cốc cafe nóng!”. Tài xế từ tốn rót một cốc cafe nóng đưa cho nhà văn, rồi lại tiếp tục đưa nhà văn một tấm thiệp. Bên trên có tên các loại báo và danh mục các chương trình truyền hình, nhà văn thấy trên đó có các tờ như báo thời đại, báo thể thao, nhật báo Mĩ… quá hoàn hảo.

Đúng vậy, chúng tôi không chỉ phục vụ cafe, mà còn có các loại đồ uống khác, ngoài ra còn có báo nữa”. (Ảnh minh hoạ: Celpick)

Nhà văn không đọc báo, không nghe nhạc mà cùng nói chuyện với tài xế. Trong suốt thời gian đó, tài xế nhiệt tình tư vấn cho nhà văn. Anh hỏi nhiệt độ trong xe có vừa hay chưa, có con đường gần hơn để đi thì có đi không, nhà văn có thể cảm nhận được tấm chân tình của anh tài xế.

Anh tài xế nói với nhà văn: “Thực ra ban đầu xe của tôi cũng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như thế, tôi cũng giống những người khác thích phàn nàn trách móc, thời tiết xấu, thu nhập thấp, tắc đường kinh khủng, mỗi ngày đều cảm thấy tồi tệ. Có một ngày, tôi nghe được một câu chuyện trên đài phát thanh, câu chuyện này đã thay đổi quan niệm của tôi. Chương trình đã mời đến tiến sĩ truyền cảm hứng Wayne Dell để giới thiệu sách mới của ông.

Trọng điểm của cuốn sách có nói tới một quan điểm, đó là ngưng oán trách, than phiền về mọi thứ trong cuộc sống sẽ giúp bất kì ai đều có thể có được thành công. Tiến sĩ đã khiến tôi tỉnh ngộ, những sự việc tồi tệ mà trước đây gặp phải đều là do thái độ oán trách của tôi gây ra, bởi vậy tôi đã quyết định ngừng trách móc và thay đổi.

Năm đầu tiên, tôi chỉ mỉm cười với khách hàng, thu nhập của tôi đã tăng gấp đôi.

Năm thứ 2, tôi bắt đầu quan tâm tới mọi cảm xúc vui buồn của khách hàng và an ủi họ, thu nhập của tôi tiếp tục tăng gấp đôi.

Năm thứ 3 và cũng chính là năm nay, tôi biến chiếc xe của mình thành chiếc taxi hạng sang mà cả nước Mỹ mới chỉ có rất ít. Không chỉ thu nhập tăng mà sự tôn trọng yêu quý mọi người dành cho tôi cũng tăng lên, hiện nay nếu muốn ngồi xe tôi đều phải gọi điện đặt trước, còn anh là người khách tôi tiện đường nên đón.”

Chiếc xe Phantom Taxi. (Ảnh minh hoạ: Blog.ONSENCLUBⅡ)

Những lời mà anh tài xế nói khiến nhà văn vô cùng ngạc nhiên. Nhà văn tự nhìn lại bản thân, thực ra trong cuộc sống ai cũng từng than vãn trách móc rất nhiều điều. Anh quyết định thay đổi bản thân và đem câu chuyện của người tài xế viết thành một cuốn sách. Sau đó có người đọc đã áp dụng theo gợi ý từ cuốn sách, cuộc sống quả thực đã thay đổi. Sự thay đổi đó khiến nhà văn cảm nhận được sức mạnh to lớn của việc ngưng than vãn.

Có câu nói “xe tới núi ắt có đường”, chỉ cần có quyết tâm vượt khó, thay đổi thái độ oán trách, tích cực làm những gì cần làm thì nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục tiến tới mục tiêu.

Khi bạn oán trách, ca thán về hoàn cảnh, chính là bạn đang trở thành nô lệ cho nó, hoàn cảnh đã “tóm gọn” được bạn và chi phối bạn. Thay vì tốn thời gian và năng lượng cho những cảm xúc tiêu cực, bạn hãy mạnh mẽ gạt nó sang một bên, để ý đến những điều tốt đẹp nhỏ bé khác ở xung quanh mình, quan tâm hơn và truyền sự lạc quan, tích cực sang người khác.

Hãy nhớ rằng, cái xấu hay cái tốt đều có thể lây lan, vậy thì sao chúng ta không lựa chọn những điều tốt đẹp, để cuộc sống của bản thân cũng như những người xung quanh trở nên tươi sáng hơn.

Chỉ cần bạn hạ quyết tâm, vứt bỏ thói quen xấu, ngưng phàn nàn về mọi thứ trong cuộc sống, hãy làm từ ngay bây giờ và chia sẻ bài viết tới những người bạn quan tâm nhé!

Bích Phượng – Thu Hiền 

Xem thêm:

Exit mobile version