Đại Kỷ Nguyên

Bà giáo Sài Thành: 86 tuổi vẫn chưa nỡ rời xa bục giảng, mỗi tiết học thấm đẫm tình yêu thương

Đã bao lâu rồi bạn có cơ hội được tham dự một giờ học xúc động đến rơi nước mắt? Đã bao lâu rồi bạn có cảm giác mình nhìn cuộc đời với đôi mắt trân trọng và yêu thương hơn sau khi nghe thầy cô giảng bài? Nếu bạn đang buồn bã lắc đầu vì không thể nhớ ra lần cuối cùng ấy, bài giảng về ‘lòng hiếu thảo’ của cô giáo Đàm Lê Đức là dành cho bạn. 

Trong khung cảnh thân quen của lớp học mà bất cứ ai trong chúng ta đã một lần trải nghiệm, cô giáo Đức, với chất giọng sang sảng đang say sưa giảng bài cho học trò. Những đôi mắt ngước nhìn cô với sự chú tâm, và đôi lúc ta thấy ánh lên những giọt lấp lánh nơi khóe mắt.

Đó không phải là một tiết học Văn, mà là một tiết học về Đạo đức, môn học đã mất đi rất nhiều sự hấp dẫn trong lòng lũ học trò. Và bài giảng của cô lại xoay quanh một chủ đề không hề mới mẻ: Quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, cô giáo Đức với hơn nửa thế kỉ đứng lớp đã khiến bao thế hệ học trò lắng nghe mình một cách chăm chú và say sưa.

Chân dung cô giáo Đàm Lê Đức, người dành cả cuộc đời cho việc trồng người từ cái gốc – Đạo đức (Ảnh dẫn theo: Soha)

Xuất thân từ một giảng viên toán học, cô Đức có cách vào đề thẳng thắn, rõ ràng và mạch lạc. Cô giới thiệu về những gì sẽ dạy một cách chi tiết, để học trò nắm được dàn ý khái quát của buổi học. Trong bài giảng của mình cô sẽ giúp học trò làm rõ hai câu hỏi “Tại sao?” “Làm thế nào?”.

Tiếp ngay sau đó, cô lại khiến học trò có cảm giác mình ngồi trong một giờ học văn, bởi cô bắt đầu gải thích cho việc “Tại sao phải có hiếu với cha mẹ” bằng những vần thơ thấm thía trong truyện Kiều:

“Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngả bóng dâu tà tà”.

Hay câu ca dao quen thuộc:

“Chữ rằng cửu tự cù lao, phận con phải ở làm sao cho tròn”.

Bằng cách gợi nhớ lại 9 chữ trong kinh sách cũ, cô để học trò dần nhận ra vấn đề, dần hiểu ra được rằng các em ở trên cuộc đời này là nhờ rất nhiều vào những công lao của cha mẹ: Sinh (sinh thành) – Cúc (nâng niu) – Phủ (vỗ về) – Súc (bú mớm) – Trưởng (nuôi lớn) – Dục (dạy dỗ) – Cố (trông nom) – Phục (chăm sóc) – Phúc (bảo vệ). Chín chữ ấy cũng chính là chín công lao to lớn của những bậc sinh thành, và cô sẽ thu gọn chín chữ trong năm công lao lớn nhất để giúp các em dễ hiểu hơn, thấm thía hơn những gì mẹ cha đã làm cho mình.

Công lao đầu tiên mà cô giải thích cho học trò chính là công sinh thành. Cô Đức chọn cách giảng mạnh mẽ như để đánh động vào tâm can của những cô bé, cậu bé còn rất vô tư.

“Đúng rồi, chúng ta không phải tự nhiên sinh ra. Từ khi mới là giọt máu trong bụng mẹ, các con đã làm cho bố mẹ phải khổ, nhưng các con không biết đâu, vì các người không bao giờ nói những khó khăn cho các con nghe. Bởi người ta nói: “Chim trời ai dễ đếm lông. Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày”. Nhưng hôm nay, cô sẽ “vạch trần” hết cho các con nghe những nhọc nhằn của cha mẹ.”

Cô Đức đã giảng bài giảng này suốt nhiều năm qua cho nhiều thế hệ học sinh, trong các trường cấp ba và trung tâm bồi dưỡng do cô thành lập (Ảnh dẫn theo: Soha)

Và đúng là trong phần bài giảng sau đó, cô đã đưa mỗi học trò về lại những ngày thơ bé, khi các em còn là những mầm sống bên trong mẹ, những đứa trẻ đỏ hỏn, nhỏ xíu xiu. Những lúc ấy, bố mẹ đã vất vả thế nào, đã nỗ lực bao nhiêu, bình thường sẽ không có bố mẹ nào kể về điều đó, và bản thân những cô cậu học trò cũng không thể nhớ được những điều này, nên cô Đức sẽ nói cho các em.

Cô không kể công lao của bố mẹ như một sự liệt kê để buộc học trò phải cảm thấy mang ơn, mà cô dùng chất “văn thơ” để các em có thể thực sự hình dung ra được những vất vả, nhọc nhằn ấy. Bởi chỉ có sự thấu hiểu mới khiến tình thương chân thật lớn lên trong trái tim các em.

“Chất văn thơ” mà cô Đức dùng chính là những hình ảnh so sánh cụ thể, những câu chuyện đời thực và những vần thơ. Tất cả những yếu tố này làm bài giảng của cô sinh động như những thước phim.

Làm sao để một đứa trẻ hiểu sự vất vả của mẹ khi mang chúng trong thân thể. Cô dùng hình ảnh đời thường nhất và gần gũi nhất:

“Bây giờ cô hỏi các con: Các con đeo ba lô trên vai một ngày có khó chịu không?”, cả lớp đồng thanh: “Dạ có”. “Thế mẹ của chúng ta mang chúng ta trong bụng bao nhiêu ngày?”. “Dạ, 9 tháng 10 ngày”.

Đó là lúc mang thai, vậy còn lúc vượt cạn, lúc mẹ chịu cái đau cùng cực để đưa con ra đời:

“Có chửa, cửa mả”, “Đàn ông vượt sông vượt bể còn có bạn, đàn bà vượt cạn có một mình”. Rồi nỗi đau của những người mẹ in hằn lên thanh giường bệnh viện. Những thanh sắt đã cong vênh khi những người mẹ ghì vào chúng để giữ mình trong cơn đau. Cô tả hết, nói hết, tả một cách chân thực những nỗi đau ấy. Để rồi cuối cùng gửi một lời nhắn nhủ:

“Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn, nước có nguồn mới biển rộng sông sâu, người ta nguồn gốc từ đâu, có cha mẹ đã rồi sau có mình”. 

Cô chỉ ra cho học trò hiểu, chính vì công lao to lớn này, khi một người con biết có hiếu với cha mẹ mới là “biết trọng huyết thống”, và mới có thể trở thành người “có tâm, có đức, có lòng nhân”. 

Con lớn lên trong nguồn thơm sữa mẹ, nguồn yêu thương đẫm ngọt nước mưa trong (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Cứ như thế, bài giảng của cô đong đầy những hình ảnh chân thực, và trên hết là những vần thơ da diết, đầy cảm xúc. Như khi giảng về công nuôi nấng của cha mẹ, cô đã đọc bài thơ:

“Con lớn lên trong nguồn thơm sữa mẹ, nguồn yêu thương đẫm ngọt nước mưa trong.

Ôi suối nào thơm hơn nước trong lòng, mẹ ấp ủ với linh hồn bằng ngọc.

Mẹ âu yếm khi con vừa chợt khóc, mẹ mỉm cười khi thoáng thấy con vui.

Những tối con đau mẹ thức suốt đêm dài, đôi mắt ướt dáng mẹ ngồi hiu hắt”.

Những vần thơ giản dị, được đọc lên bằng chất giọng ấm áp nhưng đầy nội lực của cô, mang trong nó sức mạnh của một chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim. Những vần thơ ấy đã đưa mỗi người về với miền kí ức ngọt ngào trong tình thương của mẹ, trong vòng tay che chở của cha.

Cảm xúc tiếp tục được nối dài bằng câu hỏi về lòng biết ơn đối với công dạy dỗ của mẹ cha. Cô gợi mở cho lũ học trò nhỏ một cách suy nghĩ khác. Cô hỏi những đứa trẻ, chúng có biết ai là người thầy đầu tiên trong cuộc sống của mỗi người? Đó không phải là những người thầy đứng trên bục giảng, với bảng đen phấn trắng, mà chính là người cổ vũ những đứa trẻ từ khi chúng đang rướn mình tập lẫy, khi chập chững muốn đi, khi bi bô học nói.

Ơn cha lớn lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang (Ảnh minh họa: Zing)

Chính là những người dạy dỗ con những điều cơ bản nhất “học ăn, học nói, học gói, học mở”, cho đến những điều phức tạp và cần thiết cho cuộc sống sau này “là những ứng xử trong nhà, ngoài xã hội”. Và rồi khi con cái lớn lên, những người thầy thầm lặng ấy vẫn không thôi lo lắng, vẫn dùng “tất cả sở học, kinh nghiệm” của mình để ở bên cạnh con, đưa cho con những lời khuyên, những góp ý để con hoàn thiện mình.

Cô Đức nhấn mạnh nhiều lần trong bài giảng một hiện thực mà nhiều đứa trẻ chưa bao giờ nghĩ đến: “Cha mẹ các con là người thầy đầu tiên, trọn đời và toàn diện nhất”. Là những người đem hết vốn liếng của mình để dạy dỗ con bằng tình thương bao la và sự nỗ lực triền miên, không biết mệt mỏi.

Giảng đến đây, cô Đức dừng lại, và đặt một câu hỏi:

“Trong ngày của những nhà giáo, trong các con có ai biết mang một bông hoa về tặng cho người thầy đầu tiên của mỗi người không?”

Cô không đặt câu hỏi để làm khó hay trách cứ học trò. Câu hỏi cô đặt là để nhắc nhở những đứa trẻ của mình, hãy giãi bày tấm lòng của các con với cha, với mẹ. Bởi vì, thời gian không đợi bất kì ai.

“Nếu có bao giờ con yêu mẹ. Hãy yêu đi khi mẹ hãy còn đây, còn biết được dòng tình cảm êm dịu lẫn nồng say. Nếu yêu mẹ hãy yêu đi. Đừng chờ khi mẹ ra đi. Để ghi lời yêu lên phiến đá”.

Hãy yêu đi khi mẹ hãy còn đây, còn biết được dòng tình cảm êm dịu lẫn nồng say (Ảnh minh họa: Trang Phạm)

Cứ như thế, cô Đức thủ thỉ tâm tình với những học trò nhỏ, giúp các em nhìn nhận mối quan hệ tưởng chừng quá đỗi thân quen ở một chiều kích khác, sâu sắc hơn. Để rồi, tự mỗi học trò sẽ nhìn nhận lại mối quan hệ với mẹ, với cha. Và nhờ đó, tự mình vén những bức màn ngăn cách với những người thân yêu nhất, tự mình trau dồi có thêm động lực, thêm tình thương để sống cho xứng đáng với những điều được nhận. Người xưa hay ví, thầy cô giáo như những “kĩ sư của tâm hồn” quả thật không sai.

Đạo đức là cái gốc để làm người, là cái gốc vững chắc cho mọi sự học hành. Đây là tâm niệm đã theo cô Đức trong suốt cả cuộc đời dạy học. Đó cũng chính là lý do tại sao cô luôn dành trọn tâm huyết của mình cho những bài học giản dị và quen thuộc này. Cô Đức hiểu rõ hơn ai hết, đứa trẻ nào cũng muốn học những điều hay lẽ phải. Bởi “nhân chi sơ, tính bản thiện”, đã là con người thì luôn khao khát được đón nhận những điều thiện lương.

Nhưng, những bài giảng mà con trẻ cần là những bài giảng xuất phát từ trái tim – những bài giảng mà người thầy đã đặt hết tất cả sự nhiệt tâm, sự học, và sự sáng tạo của mình vào đó để hướng đến một mục đích cao cả: Khiến học trò rung động, rồi suy tư và từ đó khao khát được học cách sống cho toàn vẹn và xứng đáng.

Hy Văn 

Exit mobile version