“Ngôi nhà hy vọng“, đó là cách mà cô Cori gọi căn nhà yêu dấu của mình. Từ năm 2012, bà mẹ 8 con đã nhận nuôi thêm những đứa trẻ đặc biệt, những đứa trẻ mà cuộc sống chỉ còn được tính bằng ngày…
Nếu bạn nhìn vào cuộc sống và sự ra đi của những đứa trẻ từ trại mồ côi mà Cori Salchert nhận nuôi, bạn hẳn sẽ nói rằng, đó là những câu chuyện buồn. Khi ngồi trên bàn ăn, lắng nghe tiếng máy thở của một đứa trẻ đang chết dần như Charlie, Cori cũng phải công nhận điều đó. Nhưng với cô, nỗi buồn đó chỉ chiếm 5%, bởi vì 95% còn lại là niềm vui…
Khi còn nhỏ, người em gái Amie của Cori bị viêm màng não. Sau những cơn sốt cao, não Amie bị tổn thương khiến em bị khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần. Amie được chuyển đến sống trong trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật nặng. Đến năm Amie 11 tuổi, cô bé đã đi ra ngoài dạo chơi khi nhân viên trung tâm quên khóa cửa, và rồi bị chết đuối trong một hồ nước ở sân golf gần đó. Cori nghĩ, hẳn là Amie đã rất cô đơn và tuyệt vọng trong những khoảnh khắc cuối cùng.
Trong suốt những năm tiếp theo làm y tá, Cori đã gặp đủ mọi loại bệnh nhân. Tuy nhiên, Cori cảm thấy gắn bó với những ca trợ giúp bà mẹ và em bé sơ sinh nhất. Cô cũng ngạc nhiên khi biết rằng, nhiều bà mẹ tới viện để sinh nở, nhưng phải ra về trong nỗi đau vì những đứa trẻ bị chết lưu trong tử cung, hay chỉ sống được vài ngày.
Cori ngày càng động lòng bởi những gia đình như vậy, trong khi hầu hết các y tá khoa sản không muốn nhận các ca có trẻ con bị chết. Cori mong mỏi rằng mình sẽ làm tâm hồn của họ nhẹ bớt phần nào bằng thái độ quan tâm thông cảm thay vì cố gắng làm mọi việc nhanh chóng để có thể “chạy chối chết” và ra khỏi nỗi buồn đau đang bao trùm căn phòng. Sau đó, Cori thành lập một tổ chức hỗ trợ các gia đình mất con nhỏ, mang tên “Hy vọng đằng sau mất mát“.
Tháng 8 năm 2012, gia đình Cori nhận được một cuộc điện thoại, hỏi xem họ có muốn nhận nuôi một bé sơ sinh vô danh 2 tuần tuổi bị ruồng bỏ hay không. Số phận cô bé không có vẻ gì là tươi đẹp, vì em sinh ra chỉ với một nửa bộ não. Các bác sĩ nói rằng, cô bé không còn hy vọng. Và Cori được thông báo trước là em sẽ sống trong trạng thái thực vật, không thể nhìn, nghe, và chỉ phản ứng lại khi bị đau đớn.
Gia đình Cori tới đón cô bé vô danh về nhà, bất chấp những thông tin đáng buồn mà họ được thông báo. Họ đặt tên em là Emmalynn. Cô bé có thể đã chết ở bệnh viện vì không được ai chăm sóc và phải ăn bằng ống. Tuy nhiên, họ đã mang em về để cho em được sống, và Emmalynn đã sống. Em sống 50 ngày ý nghĩa, ý nghĩa hơn rất nhiều người có cuộc sống dài hơn em. Em thậm chí đã có 8 người anh chị lớn tuổi, và được họ ẵm bế, chăm sóc hàng ngày. Khi em chuẩn bị ra đi, tất cả gia đình đều có mặt ở đó, ôm em, hôn em.
Với những đứa trẻ “bị ruồng bỏ” tiếp theo mà Cori nhận nuôi như cậu bé Charlie, Emmalynn sẽ mãi mãi là người chị thứ 9. Và gia đình Cori nhận nuôi các em, chấp nhận nỗi đau mất đi các em, chỉ vì một điều: Để các em không phải ra đi trong cô đơn và đau đớn…
Cori ví trái tim của họ như những cửa kính trong nhà thờ. Những chiếc cửa kính với nhiều màu sắc, nhiều mảnh ghép, thoạt nhìn thì có vẻ như yếu ớt và đang rạn vỡ, nhưng thực tế lại đẹp đến tuyệt vời.
Theo Sunnyskyz
Quang Minh
Xem thêm: