Đại Kỷ Nguyên

Bà mẹ trẻ chia sẻ trải nghiệm sinh thường tại bệnh viện 108, tổng chi phí chỉ 3 triệu đồng

Lựa chọn bệnh viện để hạ sinh em bé là một vấn đề mà các gia đình cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi gia đình nào cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất để đón bé yêu chào đời, “mẹ tròn con vuông”. Những năm gần đây, khoa sản của bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được nhiều mẹ bầu biết đến với chất lượng dịch vụ tốt ngang với các bệnh viện sản hàng đầu và không quá đông đúc.

Khoa sản của bệnh viện 108 có 2 khu sinh nở là khu nhân dân và khu sinh con trọn gói, được đánh giá chung là phòng ốc sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi và quan trọng nhất là thái độ phục vụ, chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ y bác sĩ.

Hình ảnh bên trong khoa sản của bệnh viện 108 (ảnh: afamily).

Dưới đây là chia sẻ cụ thể về trải nghiệm sinh thường của hai bà mẹ tại viện 108.

Trải nghiệm sinh thường ở khu nhân dân, tổng chi phí hơn 3 triệu

Đối với khu nhân dân, các mẹ cần phải làm hồ sơ từ tuần thứ 28 và theo dõi, siêu âm tại bệnh viện đến khi sinh nở. Sau 28 tuần, bệnh viện sẽ không tiếp nhận hồ sơ sinh. Khi đi khám, các mẹ buộc phải mang phiếu siêu âm tuần thứ 12 và các xét nghiệm đã làm để tránh trường hợp xếp hàng lâu mà vẫn phải về nhà lấy.

Chị Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi (Hà Nội) chia sẻ với Helino rất tường tận về trải nghiệm sinh thường ở khu nhân dân của viện 108.

Con được cắt dây rốn bằng tia lazer

Chị Hương làm hồ sơ sinh ở tuần thứ 28 và đi khám định kỳ ở tuần 32, 36, 39. Em bé được dự sinh vào ngày 11/2, nhưng mới ngày 26/1, mẹ đã có dấu hiệu chuyển dạ sớm. Bà mẹ trẻ chia sẻ: “Mình quyết định sinh con ở bệnh viện 108 vì gần nhà và nghe nói là có khu nhà mới xây rất sạch sẽ. Thêm nữa là ở viện 108, khi mình chờ sinh, có người nhà được vào cùng. Cửa sinh là cửa tử, cảm giác đau đẻ mà không có ai được vào cùng mình thì áp lực lắm. Ở đây, chỉ khi nào mình đi đẻ thì bác sĩ đưa mình vào phòng, chứ lúc đang đau sẽ có người nhà ở cùng mình”.

Tối ngày 25/1, chị Hương thấy hơi đau bụng và có dự cảm sinh. Chị vào viện lúc khoảng 21h và em bé chào đời lúc 4h sáng, nặng 3,5kg. Sinh xong, con được da kề da với mẹ hơn chục phút. Dây rốn của con được cắt bằng tia laser rất sạch sẽ, không phải chờ rụng rốn như bình thường”.

Chị Hương bên con trai mới sinh (ảnh: afamily).

Điều kiện vật chất và chăm sóc sức khỏe thể chất

Chia sẻ về điều kiện vật chất tại khu nhân dân, chị Hương cho biết: “Phòng của mình có 6 giường, tách riêng thành 3 phòng nhỏ: 1 phòng 3 giường, 1 phòng 2 giường và 1 phòng 1 giường. Mỗi phòng nhỏ đều có cửa đóng, sạch sẽ và đảm bảo riêng tư. Phòng ốc sạch sẽ, yên tĩnh, có nóng lạnh. Phòng không cần đăng ký trước, khi nào nhập viện thì đăng ký”. Khi nhập viện, các mẹ sẽ được phát đầy đủ vật dụng vệ sinh cá nhân, từ dầu gội, sữa tắm, bàn chải đánh răng, khăn rửa mặt… Trong viện còn có sẵn cây nước nóng, các mẹ có thể mang bình giữ nhiệt nhỏ để đựng nước nóng.

Phòng lưu viện khu nhân dân (ảnh: afamily).

Chị Hương sinh thường, đăng ký phòng dịch vụ 150 nghìn/ngày và thêm 200 nghìn/ngày gói người nhà vào chăm sóc. Với gói này, người nhà được ở trong viện từ 16h đến 8h sáng hôm sau và từ 10h sáng đến 13h30; các giờ còn lại, y tá sẽ chăm sóc mẹ và bé. Nếu không đăng ký, mẹ con phải tự chăm nhau, người nhà chỉ được vào theo giờ vào thăm, không được ở qua đêm.

Ở khu nhân dân, mỗi ngày, mẹ bầu được phục vụ 3 bữa: bữa sáng ăn cháo, hai bữa chính ăn cơm và được phát thêm sữa Ông Thọ. Các bữa ăn có người mang tới tận giường. Người nhà ở lại chăm cũng được ăn 1 bữa sáng miễn phí.

“Có khoản thăm nom hơi vất vả vì phải đúng giờ, mỗi lần chỉ được 2 người vào thăm, người nhà chỉ được ở lại đến 8h sáng ngày hôm sau và đến giờ trưa thăm mới vào. Khoảng thời gian nửa buổi sáng, nửa buổi chiều thì chỉ có mấy sản phụ với nhau, khi vừa sinh xong, không có người hỗ trợ cũng khá khó khăn vì còn thay bỉm, pha sữa cho con. Không phải ai cũng có sữa để cho con ti ngay được”, chị Hương nêu vài điểm mà chị cảm thấy hơi bất tiện.

Bà mẹ trẻ cho biết tổng chi phí mà chị gọi đùa là “tổng thiệt hại” cho 3 ngày nằm viện là 3 triệu 80 nghìn đồng. Chị Hương có bảo hiểm 80% ở viện.

Sinh thường ở khu sinh con trọn gói

Là một bà mẹ từng hai lần chọn bệnh viện 108 để lâm bồn, trải nghiệm ở hai khu sinh nở khác nhau, chị Vũ Thảo Hương (Hà Nội) chia sẻ với báo Gia đình mới: “Dù đắt hơn nhiều so với khu thường ở lần sinh nở đầu, nhưng cũng đáng. Tuyệt hơn cả là lần thứ hai này, mình còn không cần nhờ người nhà vào chăm vì bệnh viện đã lo hết. Đây cũng là lựa chọn phù hợp cho các mẹ nếu ngại cảnh chen chúc, đông đúc ở các bệnh viện sản khác”.

Với dịch vụ sinh con trọn gói của viện 108, chi phí sinh thường cho thai đơn là 20 triệu đồng, chi phí sinh mổ là 35 triệu đồng.

Chị Thảo Hương cho biết, từ tuần thứ 36 của thai kỳ, mẹ bầu phải vào viện làm hồ sơ sinh và các xét nghiệm. Khi đến làm hồ sơ sinh, mẹ bầu không cần phải xếp hàng, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn và đưa lên từng phòng. Bệnh viện sẽ chu cấp mọi thứ, như bỉm, sữa, đồ dùng cho mẹ, đồ dùng cho bé khi mẹ nhập viện chuẩn bị sinh.

Chị Thảo Hương sinh con vào đúng mùng 4 Tết tại bệnh viện 108 (ảnh: NVCC/Gia đình mới).

Sau khi em bé chào đời, y tá sẽ cho bé ăn, tắm rửa, theo dõi thường xuyên cho bé và hướng dẫn mẹ cách thay tã cho bé. Nếu có vấn đề gì, mẹ chỉ cần bấm chuông, y tá sẽ đến hỗ trợ ngay, dù là nửa đêm. Hơn thế nữa, y tá còn vệ sinh, thay bỉm, kiểm tra vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ cho mẹ 3 lần/ngày. Như vậy, các mẹ mới sinh không cần phải phiền người nhà nữa.

Hình ảnh phòng ốc khu trọn gói (ảnh: NVCC/Gia đình mới).

Khu trọn gói có phòng ốc sạch sẽ, có phòng vệ sinh riêng, bình nóng lạnh, tủ lạnh, điều hòa, ti vi, wifi đầy đủ. Mỗi phòng có 2 giường, có giường cho người nhà sản phụ ngủ cạnh và nôi riêng cho em bé. Sản phụ ở khu sinh con trọn gói được phục vụ 4 bữa ăn/ngày với thực đơn đa dạng.

Những ca sinh thường sẽ được lưu viện 2 ngày, sinh mổ thì được ở 3 ngày. Nếu ở lại thêm, sẽ tính giá phòng. Khi ra viện, mẹ và bé còn được tặng quà mang về nhà.

Chị Thảo Hương cũng cho biết, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công trong viện đều nhẹ nhàng, tình cảm và nhiệt tình hỗ trợ sản phụ. Có một vấn đề tế nhị nhiều mẹ quan tâm, đó là gửi phong bì cho ê-kip đỡ đẻ. Chị Hương chia sẻ về vấn đề này ở viện 108: “Có đưa thì họ cũng không nhận”. Tinh thần phục vụ của đội ngũ y bác sĩ thật đáng trân trọng.

***

Hy vọng những chia sẻ của hai mẹ Hương trên đây đã cung cấp thông tin hữu ích cho các mẹ bầu tham khảo để có thêm một  sự lựa chọn an tâm về địa điểm lâm bồn. Đại Kỷ Nguyên chúc các mẹ và bé luôn bình an, “mẹ tròn con vuông”, sớm được về nhà đón Tết.

Thanh Tâm (TH)

Video xem thêm: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version