Đại Kỷ Nguyên

Bạn có biết: Nghiện Internet cũng tương đương với nghiện heroin?

Trong vòng mấy năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Internet có nguy cơ làm gia tăng cảm giác cô đơn cho người dùng, thậm chí còn có thể dẫn đến trầm cảm. Tuy nhiên, mới đây đã có thêm nhiều nghiên cứu phát hiện ra: Internet không chỉ làm thay đổi tâm lý con người mà còn dẫn đến những biến đổi nguy hiểm về sinh lý.

Bạn có biết: Nghiện Internet cũng tương đương với nghiện heroin?

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLOS ONE chỉ rõ: Những người có tiền sử truy cập mạng rất nhiều lần trong ngày mắc một chứng bệnh bao gồm tăng nhịp tim, huyết áp và cảm giác lo lắng. Những triệu chứng đó thường kết thúc khi người đó không sử dụng Internet và lại phát tác khi sử dụng trở lại.

Đây là thí nghiệm được kiểm soát đầu tiên nhằm tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng Internet và những thay đổi sinh lý trong cơ thể con người. Báo cáo ghi nhận các triệu chứng trên tương đương với các triệu chứng mà người cai nghiện chất an thần như rượu, cần sa, heroin… phải trải qua. Mặc dù chúng không đủ để đe dọa đến tính mạng người dùng nhưng chúng thực sự mang đến những hậu quả khó lường và nguy hiểm.

Bạn có biết: Nghiện Internet cũng tương đương với nghiện heroin? (Ảnh: Jornal Espírita )

Nghiên cứu được thực hiện với những người ở độ tuổi từ 18 – 33 và dành trung bình 5 giờ mỗi ngày để lên mạng Internet bao gồm tất cả các loại trang web từ mạng xã hội, mua sắm, tin tức đến các trang web hẹn hò…. Nhóm người này cho rằng họ cảm thấy không ổn khi không vào mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là cảm giác “đánh lừa”. Khi dành nhiều thời gian sử dụng Internet, cơ thể bạn mới thật sự không ổn. Nó gây ra rất nhiều vấn đề về thần kinh bao gồm cáu kỉnh, trầm cảm, thay đổi tâm trạng, thậm chí là hoảng loạn.

“Người thường xuyên vào mạng có thể trải qua những triệu chứng cai nghiện khi họ buộc phải thoát khỏi mạng”, Jamison Monroe, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của Newport Academy – trung tâm cai nghiện ma túy và phục hồi tâm thần cho biết. “Khi có thể truy cập mạng và đăng nhập vào mạng xã hội trở lại, họ cảm thấy cao hứng – một sự thay đổi tâm trạng đáng chú ý và cảm giác thoải mái của họ được phục hồi”.

“Người thường xuyên vào mạng có thể trải qua những triệu chứng cai nghiện khi họ buộc phải thoát khỏi mạng” (Ảnh: Vigyázó)

Ông Monroe cũng cho biết hiện nay số người nghiện Internet đã gia tăng đáng kể bởi khả năng truy cập Internet đang ngày càng tăng lên. Không chỉ ở các thành phố, mạng Internet đã phủ sóng đến cả những vùng xa xôi, thu nhập thấp.

Internet đang khiến chúng ta lãng quên mọi thứ tồn tại trong cuộc sống này

Theo thống kê của eMarket năm 2016, một người Mỹ trung bình dành 5 giờ mỗi ngày để sử dụng các thiết bị điện tử, trong đó hơn một nửa là smartphone, để truy cập Internet. Thậm chí, các sinh viên nữ còn dành 10 giờ mỗi ngày cho việc này. Theo nghiên cứu của trường Baylor University, 3/4 trong số những người được khảo sát ở độ tuổi 18-24 nói rằng họ lập tức cầm ngay điện thoại để lướt web ngay sau khi vừa thức dậy. Mỗi ngày, họ kiểm tra điện thoại 211 lần (trung bình 4,3 phút/lần).

Điều bất ngờ là, chúng ta mắc thói quen phụ thuộc vào công nghệ và Internet một cách chóng vánh và chưa có tiền lệ trước đó. Từ thời điểm chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên của iPhone ra mắt vào tháng 7 năm 2007, tiếp nối là chiếc điện thoại của hệ điều hành Android vào một năm sau đó, doanh số bán smartphone toàn cầu đã tăng trưởng kỷ lục trong thị phần sản phẩm công nghệ tiêu dùng, từ 10% lên 40% vào năm 2013. Và, nếu bạn không sở hữu một chiếc smartphone, bạn không truy cập Internet mỗi ngày để cập nhật tin tức, hẳn người khác sẽ cho rằng bạn thật lập dị, lạc hậu, hoặc thuộc về thế kỷ trước.

Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn không phủ nhận sự tiện ích mà Internet và smartphone mang lại cho đời sống của con người. Tuy nhiên, sự thật là, chúng cũng khiến tất cả chúng ta suy giảm các mối quan hệ xung quanh, bao gồm cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…Thực tế, Internet làm tổn thương lòng tự trọng của những người nghiện nó khi họ bị so sánh với người khác trên mạng xã hội, làm tổn hại các mối quan hệ của người mắc phải, khiến họ bỏ lỡ thời gian với bạn bè và gia đình.

Trong cuốn Alone Together (2011), nhà tâm lý học Sherry Turkle đã chỉ ra gốc rễ của vấn đề này, đó là sự thất bại của con người trong tiếp cận công nghệ và bị công nghệ cô lập đến độ không thoát ra được. Tác giả đã tiến hành nhiều thực nghiệm và nhận ra rằng: Một dòng mô tả trên facebook hoặc một chiếc avatar trong game cũng khiến chúng ta phân tâm trong cuộc sống thật.

Một dòng mô tả trên facebook hoặc một chiếc avatar trong game cũng khiến chúng ta phân tâm trong cuộc sống thật. (Ảnh: Baonc)

Bà cũng cho rằng, con người ngày nay đang mất dần khả năng bộc lộ cảm xúc và thông cảm. “Họ không có khả năng tìm kiếm một người ngoài đời thật để bạn chia sẻ khi bạn cô đơn”. Khi ấy, họ nghĩ rằng, nếu chia sẻ những gì mình nghĩ lên mạng xã hội thì sẽ được mọi người chú ý và phần nào giúp họ tạm thời vượt qua nỗi lo sợ cô đơn đó.

Điều này có thể dẫn đến hội chứng Asperger, một hội chứng yếu kém về kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể. Thông thường, những người bị Asperger có những biểu hiện rối loạn thần kinh, thích tách mình khỏi thế giới thực và dẫn đến những biến đổi tiêu cực về tâm lý, tính cách. Một nghiên cứu khoa học sử dụng các bài kiểm tra tâm lý đạt chuẩn cho thấy sự cảm thông của sinh viên Mỹ đã giảm 40% trong suốt 20 năm qua.

Vậy, tại sao Internet lại ăn mòn cảm xúc của chúng ta? Để tìm câu trả lời, hãy xem cách chúng ta tương tác như thế nào trên mạng ảo.

Khi tương tác trên mạng xã hội, mối quan hệ giữa người với người có sức lan tỏa rất lớn nhưng lại vô cùng ngắn ngủi. Người ta thường không thể hiện, thậm chí không nhận biết rõ được cảm xúc thật của chính mình khi tương tác trên mạng xã hội mà thường đi theo “đám đông”. Những cuộc trò chuyện gần như không mang lại nhiều giá trị tinh thần tích cực mà chủ yếu là những câu chuyện giật gân, đề tài nóng bỏng được đem ra nhận xét, bàn luận.

Khi tương tác trên mạng xã hội, mối quan hệ giữa người với người có sức lan tỏa rất lớn nhưng lại vô cùng ngắn ngủi. (Ảnh: Business Insider)

Như vậy, vô hình trung, chúng ta đang lãng phí thời gian vào những chuyện vô bổ, bị chi phối bởi những kẻ vô danh và hơn hết là để cho Internet gặm nhấm cảm xúc thật của chính mình.

Bạn có muốn “giải độc”?

Dừng hẳn việc sử dụng Internet có thể làm bạn lo lắng sẽ bỏ lỡ điều gì đó thú vị. Tuy nhiên, hoàn toàn không vào Internet (ngay cả trong thời gian ngắn) – tạm gọi là “giải độc” có thể giúp bạn có được thói quen mới và kiểm soát được sự thôi thúc của mình.

Sử dụng các công cụ được thiết kế để bạn không kết nối được Internet, gỡ bỏ một số ứng dụng trong điện thoại có thể giúp kiểm soát được việc sử dụng Internet. Đặc biệt, hãy tập cho mình thói quen không sử dụng điện thoại smartphone và các thiết bị có thể truy cập Internet sau 10 giờ tối.

Hãy tận hưởng một cảm giác ‘không công nghệ’ (Ảnh: Tinvuiviet)

Thông thường, người ta sử dụng mạng xã hội do cảm giác gần gũi và dễ dàng chia sẻ hơn vì không cần tương tác trực diện. Vậy nên, nếu bạn muốn giảm thiểu thời gian dành cho chúng, hãy cân nhắc đến việc gặp mặt và trao đổi trực tiếp những vấn đề cần thảo luận. Thực ra, khi tương tác “mặt đối mặt”, những yếu tố như giọng nói, hình ảnh, ngôn ngữ cơ thể cũng tăng hiệu quả giao tiếp rõ rệt hơn là chỉ dùng “ngôn ngữ chết” trên mạng.

Tự tha thứ cho những thất bại của bản thân cũng có thể có ích. Thay vì tự trách mình thiếu tự chủ và để Internet kiểm soát, ta hãy thừa nhận rằng nhiều ứng dụng và diễn đàn truyền thông xã hội được thiết kế để dễ gây nghiện và lôi kéo bạn quay trở về khi không thấy bạn lướt xem. Ví dụ, Facebook và Twitter sẽ gửi email cho những người sử dụng lâu không đăng nhập.

Suy cho cùng, mặc dù những thói quen này rất khó gỡ bỏ nhưng không phải là không thể. Nhiều khả năng là bạn sẽ không thực hiện được cam kết của bản thân sau khi lên kế hoạch “giải độc” nhưng bạn nên luôn tin rằng việc “cai nghiện” Internet là có thể làm được, quan trọng là bản thân bạn có thực sự muốn “giải độc” hay không mà thôi.

Hiểu Minh

Xem thêm:

 

Exit mobile version