Rất nhiều người không hài lòng với cuộc sống của mình vì có quá nhiều chông gai và trắc trở, đôi lúc họ không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra xung quanh. Thế nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi làm cho cuộc sống của mình ngày một tốt hơn bằng việc loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực như “thất bại, chán nản, bất lực…”, hãy mở rộng cả thân tâm và lý trí để chuyển biến tích cực hơn mỗi ngày.
5 giải pháp dưới đây có thể giúp bạn quay về với chính mình, gỡ bỏ những “tảng đá lớn” của sự bon chen, vất vả ngược xuôi trong cuộc sống đang đè nặng trên vai bạn.
1. Chọn lối sống vừa tầm với bạn:
Cuộc sống chúng ta có thể nói là khá mệt mỏi và căng thẳng nếu chúng ta đang cố chèo chống với cái thực tại vượt quá khả năng kiểm soát và năng lực của mình. Một ngày chỉ kiếm được 100 đồng, nhưng xài tận 200 đồng; để bù lỗ cho mức chi tiêu hơn thì lăn xả vào kiếm tiền mà chẳng kiếm được hơn bao nhiêu, cứ như vậy chỉ tạo thêm gánh nặng về vật chất và tài chính. Khả năng đến đâu làm đến đó, chúng ta không nên tạo áp lực cho mình kiếm thật nhiều tiền, “trời cho nhiêu xài bấy nhiêu” nghĩ như thế chúng ta sẽ thấy đời sống này đơn giản hơn rất nhiều. Trước mắt, hãy điều chỉnh nhịp sống và tự đánh giá xem bạn thực sự cần gì để tồn tại? Thứ này là tôi cần hay tôi mong muốn có nó? Nó có đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của tôi không?
Trong khi các câu hỏi này có lời giải đáp, bạn có thể tìm lại bản thân. Nếu thật sự có thể buông bỏ sức nặng trên vai về nhu cầu vật chất, bạn sẽ thấy cuộc sống này trở nên dễ thở, và thuận lợi hơn cho bạn.
2. Ý thức được trách nhiệm và làm chủ cuộc sống:
Con người chúng ta hễ gặp khó thì hay than thân trách phận, không thì đổ lỗi cho ai đó. Nếu chúng ta dám trực diện đối mặt, nhận trách nhiệm với từng lời nói, hành vi, cử chỉ có nghĩa là bạn đang làm chủ cuộc sống của bạn. Nếu bạn cứ khư khư quan niệm cố hữu, không thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, bạn sẽ luôn cảm thấy cuộc sống rất nặng nề, nhiều lo âu và toan tính.
Thời gian không dừng lại cho bạn nuối tiếc những việc mình đã làm, do đó hãy sống trọn vẹn mỗi ngày, sao cho từng việc mình làm thật sự có ý nghĩa.
Đối với gia đình hay ngoài xã hội cũng vậy, bạn nên thể hiện là người sống có chuẩn tắc, rèn cho mình tính khuôn phép “kính trên nhường dưới”, chú ý từng lời nói “uốn lưỡi bảy lần” để không gây tổn thương cho người khác. Đối với công việc, hoàn thành công việc được giao và nhận trách nhiệm nếu có sai sót.
Ngay từ bây giờ bạn hãy loại bỏ thói quen xấu như lười nhác, biếng trễ, mà cùng chia sẻ trách nhiệm với từng thành viên trong gia đình. Hãy bỏ đi tính cá nhân, ích kỷ mà sống vì cộng đồng, chung tay góp phần tạo nên một xã hội đầy sự quan tâm và tình yêu thương lẫn nhau. Nhặt một cọng rác vứt bừa bãi cũng là ý thức trách nhiệm của bạn đối với môi trường và những người xung quanh.
3. Bắt đầu một cuộc sống lành mạnh:
Ai ai trong chúng ta đều nhận thức được rằng rượu bia, thuốc lá gây hại cho sức khỏe, nhưng vẫn có người cố chấp theo đuổi “hội” ăn nhậu, hội “thuốc lá tán dóc”. Nó đã trở thành một thói quen “không thể sửa”, thể nào ăn trưa xong cũng rủ rê “Làm điếu anh nhé!”, hay tan sở sẽ kháo nhau “Làm ly bia đỡ khát!”. Thời nay lớp trẻ nhiều bệnh tật không kém người lớn tuổi nhưng họ cũng không mấy bận tâm đến hậu quả của những thói quen không lành mạnh trong cuộc sống.
Sống khỏe mạnh là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta biết tôn trọng cơ thể chúng ta thì không phải lo nghĩ về bệnh tật, cuộc đời sẽ thanh nhàn hơn và có được một đêm ngon giấc. Giờ thì hãy chủ động kiểm soát cuộc đời của mình bằng việc từ bỏ các thói quen xấu, uống nhiều nước, ăn trái cây và rau quả, tập thể dục và thường xuyên tự nhận xét bản thân điều gì còn chưa hoàn thiện hay còn những sai sót để điều chỉnh bản thân qua các bài tập thiền, yoga. Chính những thay đổi này sẽ giúp bạn có một lối sống tích cực và đầy lạc quan trong cuộc sống.
4. Sống chân thành vị tha không vị kỷ:
Nhiều người bám vào suy nghĩ sai lầm về câu “người không vì mình trời tru đất diệt” có ý đề cao chủ nghĩa cá nhân, làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của mình trước tiên.
Ngày nào bạn chưa buông bỏ được những thứ lợi ích cá nhân, ngày đó bạn vẫn còn tâm tham lam, tranh đấu, ích kỷ, vụ lợi,… Tâm trí bạn chẳng bao giờ có thể yên ổn.
Một xã hội lý tưởng là khi giữa người và người với nhau không còn sự dè chừng, tranh giành, xung đột, không tội ác mà dựa trên chuẩn mực đạo đức, để hành xử, nói gì làm gì cũng nghĩ đến người khác xem có bị ảnh hưởng hay phương hại gì không?
Ngay lúc này bạn cần xét xem mình là ai và mong muốn trở thành người thế nào trong xã hội này? Nếu bạn có lòng quan tâm đến mọi người thì hãy thể hiện tình yêu thương, lòng bác ái, vị tha, chân thành, và chia sẻ đến họ.
5. Ban phát hạnh phúc:
Có rất nhiều lối tư duy về danh từ “hạnh phúc” như là hạnh phúc đôi lứa, hạnh phúc gia đình, thăng chức lên lương, có nhà, có xe cũng hạnh phúc, v.v… Song hạnh phúc từ các thứ vật chất và nhận hạnh phúc từ người khác rất ngắn ngủi, dễ phai nhòa và lãng quên. Để có được những thứ này, con người chúng ta phải trải qua thời gian nhọc sức và lao tâm khổ trí.
Có câu danh ngôn: “Người hạnh phúc nhất là người ban phát hạnh phúc cho người khác và nhìn thấy người khác hạnh phúc”
Người có lòng rộng lượng là người có thể ban phát hạnh phúc đến mọi người, và thậm chí hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, không chỉ ban phát cho gia đình, bè bạn, người thân quen, mà còn với những người xa lạ. Khi bạn nghĩ đến người khác và mong cho người ấy được hạnh phúc, có nghĩa là bạn không còn suy nghĩ cho cá nhân nữa. Nó cũng đồng nghĩa rằng những nỗi khổ của bạn sẽ kết thúc, và cuộc đời của bạn sẽ tràn ngập hạnh phúc.
Những nghĩa cử cao đẹp ở xã hội ta hiện nay đang lan rộng khắp cả nước, giúp người, cứu người khỏi hoạn nạn, nhưng trong tâm họ luôn hạnh phúc vì ban phát hạnh phúc đến biết bao người.
Hahna Nguyễn
Xem thêm: