Đại Kỷ Nguyên

Bạn có phải là người có tâm tính tốt không? Hãy xem 3 đức tính nền tảng sau đây…

Mỗi con người chúng ta đều tồn tại 2 mặt “tốt” và “xấu”. Chỉ khi học tính tốt, bỏ tính xấu, thì tâm hồn con người trở nên thanh khiết, tươi đẹp và toàn diện hơn. Vậy làm sao để bồi dưỡng tâm tính tốt và loại bỏ những tính xấu?

– Tâm tính tốt: Khiêm tốn, vị tha, khoan dung, kiên nhẫn, chịu khó, hòa đồng, cởi mở, vui vẻ, hoạt bát, lễ phép, chừng mực, biết kính trên nhường dưới, biết nghĩ đến người khác và nhiệt tình giúp đỡ mọi người, …

– Tâm tính xấu: Ích kỷ, khoe khoang, ba hoa, dựng chuyện, đặt điều, bêu xấu người khác, vụ lợi, thích lợi dụng, gian trá, lừa lọc, nhẫn tâm, ác độc, vô duyên, lố bịch, nhảm nhí, đua đòi, đố kỵ, ganh ghét, vô ơn, …

Trong những đức tính tốt vừa nêu trên, có 3 yếu tố nền tảng giúp bạn xây dựng những yếu tố khác. 3 yếu tố đó là gì?

1. Học “Chân”, thận trọng trong từng lời nói cử chỉ:

Có những người biện hộ cho lời nói dối: “Lời nói dối không phương hại ai mà còn giúp người khác khỏi bi thương hay hờn giận…” Thực chất điều đó chỉ là tự lừa mình dối người, dần dần mọi vấn đề sẽ trở nên “ngụy tạo”, không còn giữ lại bản chất chân thật.

Người chân chính, họ sống cởi mở và quang minh chính đại, bởi không có gì phải giấu diếm. Cũng bởi vậy mà cuộc sống rất thoải mái và không phải lo sợ điều gì. Nếu có mắc phải lỗi, họ sẽ đối mặt với nó, nói xin lỗi và sửa chữa lại sai lầm.

“Bạn tốt, sách hay và lương tâm ngủ yên: đó là cuộc sống lí tưởng”

Người có tâm tính tốt qua chữ “Chân” là người không biết nói dối, tấm lòng chân thật luôn luôn tạo ra sự tin tưởng cho người khác. Vì vậy, mối quan hệ trong cộng đồng của họ ngày một nhân rộng và “Chân” ở họ trở nên có sức lan toả đến mọi người xung quanh. Lưu ý, những lời nói không “chính” sẽ khiến tâm của con người dần dần mất đi sự chân thành, thay vào đó là sự bao che, lạnh lùng và hiếu chiến. Nói ít nghe nhiều, nói những lời cần nói, quan trọng là thể hiện bằng hành động sự quan tâm và chăm sóc giữa người với người, đây là cách mang lại sự ấm áp và tình yêu thương.

(Ảnh: Internet)

2. Học “Thiện”, tấm lòng từ bi cao cả:

Chữ “Thiện” trong Phật gia có nghĩa là lành, tốt, có đạo đức; thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người. Chính cái Thiện tạo cho con người biết độ lượng bao dung, biết tha thứ và thông cảm, biết che chở, đùm bọc và cưu mang. Nếu cuộc đời không có cái thiện thì con người sẽ làm điều ác, xã hội loài người ngày càng rối ren.

Giới trẻ ngày nay sống rất độc lập, tự tin nhưng quan niệm sống hoàn toàn khác hẳn với người xưa. Câu cửa miệng luôn xuất ra là “Không quan tâm”. Chữ ấy có thể suy ra “tính cách” của con người thời nay không? Mặc dù lời nói không có ác ý gì, nhưng nó cũng thật lạnh lùng. Ngược lại, những suy nghĩ và lời nói hòa ái sẽ tạo cảm giác quan tâm và chia sẻ đến người khác, mang đến sự ấm áp.

Cũng có những người lấy phẩm chất tiêu cực của ai đó để bông đùa hay chỉ trích. Dù lời nói vô tình hay ác ý đều gây cho đối phương cảm thấy xấu hổ, lúng túng, hoặc bị tổn thương. Mọi lời nói, hành động, cử chỉ bêu xấu người khác thường xuất phát từ tính ích kỷ, đố kỵ.

“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”

Người có tâm tính tốt qua chữ “Thiện” là người từ lời nói đến hành vi đều suy nghĩ từ cơ sở của người khác, từ đó mới có thể không vụ lợi, biết quan tâm và sẵn lòng tha thứ cho lỗi lầm của người. Nhưng không phải vì thế mà dễ dãi qua loa, họ cũng là người dứt khoát, rõ ràng, thẳng thắn đưa quan điểm của mình để chính bản thân họ hay đối phương thấy sai mà thay đổi và không lặp lại những hành vi xấu ấy nữa.

(Ảnh: Internet)

3. Học “Nhẫn”, nhẫn nhịn:

Nhẫn là chìa khoá để tu thân và xử thế. Khổng Tử đã từng khuyên Tử Lộ rằng: “Trăm hành chi bản, nhẫn làm đầu”.

Nhẫn nại: Bất kể trở ngại hay thách thức nào cũng không cúi mình, lùi bước hay lo ngại trước nghịch cảnh; đồng thời có thể bình tâm trong mọi tình huống căng thẳng, không để những cảm xúc tiêu cực lấn át mình và giữ tâm trạng của mình luôn thanh tịnh và thuần khiết.

Nhẫn nhịn: Dẫu người khác nói xấu hay châm chọc thì vẫn có thể cung kính khiêm tốn, tu tỉnh bản thân, mà không sinh ra tâm oán hận hay phẫn nộ.

Nhẫn không có nghĩa là nhu nhược mà là thể hiện một cảnh giới cao thượng, không quan tâm so đo những thứ nhỏ nhặt. Người xưa thường dùng ý chí rộng rãi như vậy làm nguyên tắc đối nhân xử thế.

Người có tâm tính tốt qua chữ “Nhẫn” là người điềm đạm, không bực tức, giận dữ, không giữ mối hận thù, thay vào đó là hành động tử tế và tìm cách giải quyết một tình huống để tránh làm tổn thương mình và người khác. Họ chấp nhận chịu thiệt thòi một chút mà đem lại sự vui vẻ và an bình cho mọi người.

(Ảnh: Internet)

Trái với Nhẫn là sự tranh đấu:

Nhiều người trong tâm không yên ổn, tìm mọi cách để có được những gì người khác có mà mình không có, hoặc người này đối xử với người kia tốt còn với mình không tốt thì đem lòng tật đố ganh ghét. Vì thế mà các loại hình tranh đấu trong tư tưởng xuất hiện, “ăn miếng trả miếng”. Tính xấu này là động cơ chủ yếu để phát triển những tính xấu khác. Ví dụ như những người hay giận dỗi hoặc giận dai, họ chỉ nghĩ là những người xung quanh đáng ghét và đáng bị giận, mà không nghĩ rằng họ (người giận dỗi) đang gây phiền toái cho người khác.

Trên thế giới này, điều chúng ta cần là gì? Ngày ngày tháng tháng cứ theo đuổi vật chất, bạc tiền, danh vọng… thì không thể yên ổn, bình an trong tư tưởng. Bạn hãy lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm thước đo cho chính bản thân mình, thì cả tâm lẫn thân sẽ thanh thoát hơn, buông bỏ được những thói xấu của cá nhân mình, mang một ý nghĩa nhân sinh và hạnh phúc cho chính bạn và những người xung quanh…

 Hahna Nguyễn

Xem thêm:

Exit mobile version