Đại Kỷ Nguyên

Bạn gái nên hành xử thế nào trước lời giục giã lấy chồng của cha mẹ?

Mùa cuối năm là mùa của những đôi uyên ương cùng nhau xây tổ ấm. Nếu đang trong độ tuổi lập gia đình, bạn chắc hẳn đang có không dưới một tấm thiệp hồng trong tay. Nhưng tấm thiệp báo hỉ của bạn bè đôi khi lại khiến nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn gái chạnh lòng.

Cảm giác không mấy tích cực này không chỉ đến từ cảnh “cô đơn, lẻ bóng”, mà phần nhiều còn đến từ những giục giã của cha mẹ. Những câu hỏi, những mong mỏi về việc con cái sẽ sớm thành gia thất của các đấng sinh thành là điều hoàn toàn chính đáng. Nhưng giục giã đến dồn dập, với cường độ lớn trong một thời gian dài sẽ khiến những người cô gái trẻ cảm thấy áp lực rất nhiều.

Chuyện lấy chồng, từ một dấu mốc tự nhiên trong hành trình trưởng thành của mỗi người phụ nữ, vì sự giục giã nên không may lại biến thành một gánh nặng tinh thần. Câu chuyện lập gia đình vì thế lại trở thành một chủ đề dễ gây bất hòa, tranh cãi.

Vậy, liệu có phương pháp nào để ứng xử với cha mẹ trong tình huống này một cách khéo léo, vừa để bạn gái giữ được sự hiếu kính, vừa tạo cho mình một khoảng thời gian và không gian “dễ chịu hơn” khi ở nhà? Dưới đây là một vài gợi ý.

Cha mẹ nào cũng mong mỏi con gái tìm được một người thật thiện lương để đồng hành cùng con trên chặng đường phía trước (Ảnh: Facebook/DafaGreat)

Lắng nghe cha mẹ – Ẩn sau những “cằn nhằn” là những tấm chân tình

Những lời nhắc nhở của cha mẹ, lúc thủ thỉ, lúc cằn nhằn, lúc lại giận dỗi hay tệ hơn là trách móc khi bạn chưa có một ai đó đón đưa có thể khiến bạn mệt mỏi và gây cho bạn cảm giác “mất tự do”, “bị thúc ép”. Xu hướng tự nhiên của bạn vì thế sẽ là hoặc trốn tránh, hoặc phản kháng khi bố mẹ đề cập đến vấn đề này.

Bạn luôn nghĩ rằng mình biết bố mẹ thương mình, nhưng những cảm xúc tiêu cực luôn mạnh hơn, nó khiến bạn cảm thấy muốn được đến một nơi khác yên tĩnh và không có áp lực. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ lắng lại một chút, thực sự để tâm tìm hiểu xem tại sao cha mẹ lại nhắc nhở mình nhiều đến vậy?

Ẩn sau những “cằn nhằn” là cả tấm chân tình (Ảnh: bk.lamdeponline.vn)

Mẹ lo cho con gái muộn chồng không chỉ đơn giản là vì họ hàng nhắc nhở, vì danh tiếng của gia đình. 

Mẹ lo con gái muộn chồng, là lo khi lớn tuổi, cơ hội tìm được một người trưởng thành, chín chắn làm bạn đồng hành của con sẽ ít hơn. Khi con muộn chồng, thời gian để con tìm hiểu một người cũng thu ngắn lại, nguy cơ gặp phải một người chồng bạo lực hay có lối sống không lành mạnh cũng tăng lên. Con gái muộn chồng cũng đồng nghĩa với việc phải sinh nở khi tuổi đã cao, sẽ có nhiều nguy hiểm hơn cho sức khỏe của con. Rồi sinh con muộn, liệu khi ấy cha mẹ còn có sức khỏe để đỡ đần con trong lần đầu tiên làm mẹ?

Bởi vì thời gian không đợi ai và cha mẹ luôn muốn con nhận được những điều tốt đẹp, luôn muốn được đồng hành và san sẻ cùng con. Khi hiểu những nỗi lòng ấy, khi được trực tiếp lắng nghe những thổ lộ của bố mẹ, bạn còn muốn “vô tình to tiếng” hay cứ giữ mãi sự ấm ức của mình?

“Con không muốn lấy chồng” – sự chống đối chỉ làm gia tăng căng thẳng

Nhiều cô gái trẻ khi ở dưới sức ép của việc phải lập gia đình thường thể hiện sự phản kháng bằng cách tuyên bố “thích” độc thân hay không muốn lấy chồng, hoặc giữ im lặng trước mọi lời nhắc nhở. Thái độ này của bạn sẽ làm tăng thêm sự lo lắng nơi bố mẹ, từ đó khiến không khí của những buổi trò chuyện về chủ đề này thêm phần căng thẳng.

Vậy là một cô gái thông minh, bạn nên làm gì? Trò chuyện và chia sẻ quan điểm là phương pháp tốt nhất để xoa dịu nỗi lòng của tất cả mọi người. Hãy bắt đầu bằng việc giải quyết sự căng thẳng đang khiến bạn muốn tạm rời xa gia đình để có một khoảng trời riêng. Cụ thể, bạn có thể thẳng thắn chia sẻ cảm giác áp lực mà mình đang có, những nỗi buồn của bạn khi bị nhắc nhở quá nhiều. Có thể vì quá lo lắng cho bạn, bố mẹ đã vô tình không để ý đến việc những nhắc nhở liên tục đang khiến bạn bị tổn thương. Một sự chia sẻ chân thành, đúng mực sẽ khiến cha mẹ nhận ra và điều chỉnh lại thái độ và cách đề cập vấn đề với bạn.

Trò chuyện và sẻ chia quan điểm là phương cách giúp bạn mở được cánh cửa trai tim với bố mẹ mình (Ảnh: lamdeponline.vn)

Thêm vào đó, cởi mở chia sẻ với mẹ những suy nghĩ và quan niệm về hôn nhân cũng như mẫu hình bạn đời lý tưởng là một chủ đề hay để trao đổi mỗi lần bố mẹ đề cập tới chuyện lấy chồng. Những trao đổi này sẽ khiến bố mẹ, đặc biệt là mẹ cảm nhận rõ ràng bạn đang nghiêm túc suy nghĩ về tương lai của mình. Tâm sự với mẹ những lo lắng của bạn về đời sống hôn nhân, quan tâm tìm hiểu những bài học mà mẹ đã học qua cuộc hôn nhân của bà, điều này sẽ là một chiếc cầu nối tuyệt vời đưa bạn và mẹ đến gần nhau hơn.

Giúp bố mẹ nhận ra bạn đang suy nghĩ nghiêm túc về việc lập gia đình chính là cách giúp bạn có thêm “thời gian” hòa hoãn mà không phải gắt gỏng hay tránh có mặt ở nhà trong những dịp lễ tết. Bạn biết đấy, khi có mẹ là “đồng minh”, cuộc sống của bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.

Quan trọng hơn, khi bạn chân thành mở rộng tấm lòng của mình với cha mẹ, bạn sẽ thấy sự căng thẳng và lo lắng của bạn và cha mẹ đều tiêu tan. Bởi “lo lắng” chính là nhiên liệu tạo nên những lời nhắc nhở của bố mẹ, và khi bạn có thể mở lòng với người khác, bạn sẽ thấy mọi người mở lòng với mình một cách diệu kỳ.

Biến khoảng thời gian “chờ nhân duyên” thành thời gian để “học làm một người vợ tốt”

Một gợi ý khác để gây dựng sự “an tâm” cho bố mẹ, cũng là cách để bố mẹ không còn giục giã bạn chuyện lấy chồng, chính là sử dụng khoảng thời gian của mình một cách hữu ích. Bên cạnh việc đi chơi cùng bạn bè, du lịch để trải nghiệm cuộc sống, bạn có thể lên kế hoạch cho một khoảng thời gian rảnh của mình để bắt đầu học cách chăm lo cho một gia đình.

Mẹ là người thầy tuyệt vời nhất luôn mong muốn được dạy cho bạn cách để làm một người vợ tốt (Ảnh: lamchame.vn)

Mẹ sẽ luôn sẵn sàng trở thành người thầy tận tình nhất chỉ dạy cho bạn cách để trở thành một người vợ tốt. Bởi mẹ là người hiểu rõ những ưu và khuyết điểm của bạn. 

Việc làm vợ không đơn giản chỉ là dọn về sống chung cùng một gia đình khác, nó còn bao gồm rất nhiều những kĩ năng mà bạn cần rèn luyện: nấu ăn, quán xuyến việc nhà, quản lý chi tiêu, quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình. Thời gian chờ đợi nhân duyên của mình chính là khoảng thời gian hợp lý nhất để bạn trau dồi chính mình. Quá trình học hỏi này sẽ giúp bạn được chuẩn bị tinh thần, được tập dượt những kĩ năng và trở nên sẵn sàng một cách thực chất cho vai trò “làm vợ” trong tương lai.

Tu dưỡng sự an hòa bên trong, hoàn cảnh bên ngoài sẽ biến chuyển

Khi nội tâm bạn an hòa, những lời nhắc nhở cũng sẽ theo đó mà lắng xuống, cuộc sống lại có được sự bình yên (Ảnh: Tinh Hoa)

Ba phương pháp kể trên là những cách ứng xử với cha mẹ, nhưng quay trở lại chăm sóc và tu dưỡng thế giới nội tâm của mình mới là phương pháp hiệu quả nhất giúp bạn đối mặt với những áp lực về việc xây dựng gia đình.

Phật gia thường nhắc nhở “Tướng tại tâm sinh”, có nghĩa rằng, khi bên trong mỗi người có được sự an hòa, những cảnh tượng bên ngoài cũng sẽ biểu hiện ra trạng thái tương ứng. Những lời nhắc nhở của cha mẹ đôi khi lại chính là dấu hiệu cho thấy những mong mỏi sâu kín bên trong bạn.

“Trời phải mưa, con gái phải lấy chồng”. Khi hiểu được câu chuyện ẩn đằng sau thành ngữ quen thuộc này, hẳn bạn sẽ tìm được sự bình an thật sự trong tâm hồn mình. Cuộc sống vốn là một sự an bài cẩn thận và chu đáo của Tạo hóa, vợ chồng cũng là một mối nhân duyên sâu dày: Nếu bạn có một mối duyên cần thiện giải trong kiếp sống này, dù không muốn lập gia đình, bạn cũng không thể chạy trốn. Nếu không có những nhân duyên ấy, dù có mong mỏi đến mấy bạn cũng không thể cưỡng cầu.

Vậy nên, khi tìm về với ý nghĩa sâu xa của nhân duyên vợ chồng theo quan niệm truyền thống, bạn sẽ hiểu được rằng, khi có thể bình thản đón đợi những gì thuộc về mình, bạn sẽ thảnh thơi nở nụ cười trước mọi lời nhắc nhở. Và sự an yên trong nụ cười của bạn có sức mạnh xóa đi mọi lo lắng của những người xung quanh, trả về cho cuộc sống của bạn trọn vẹn sự bình yên.

Hy Văn

Exit mobile version