Đại Kỷ Nguyên

Bán hết tài sản về Ấn Độ, cặp vợ chồng Mỹ cần mẫn biến 121 hecta đất hoang thành ‘thiên đường’

Chúng ta nghe quá nhiều những câu chuyện về nạn chặt phá rừng và phá hoại thiên nhiên trong suốt một thời gian dài. Nhưng hôm nay, chúng tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện hoàn toàn khác, đó là câu chuyện về đôi vợ chồng bán hết tài sản, rời bỏ cuộc sống xa hoa ở Mỹ đến sống ở một vùng quê nghèo, thực hiện tâm nguyện biến đất hoang thành rừng…

Ông Anil Malhotra và vợ, bà Pamela đã từng làm việc trong lĩnh vực bất động sản và nhà hàng ở Mỹ và đạt được rất nhiều thành công trong suốt nhiều năm liền. Năm 1984, trong lần trở về quê hương Ấn Độ làm đám tang cho cha, ông Anil đã rất sửng sốt khi thấy tình cảnh ô nhiễm môi trường và nạn phá rừng ở đây. Vì đều là những người vô cùng yêu thiên nhiên nên ông bà Anil đã trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Cuối cùng, họ quyết định sẽ phải làm một điều gì đó để phục hồi những cánh rừng nơi đây.

Đôi vợ chồng từ bỏ cuộc sống xa hoa trên đất Mỹ để về với thiên nhiên. (Nguồn ảnh: vnexpress)

Năm 1991, ông bà bán hết tài sản, rời bỏ đất Mỹ và mua những mảnh đất hoang ở Karnataka (Ấn Độ) để tái tạo lại rừng. Suốt 26 năm qua, nhờ những nỗ lực của hai vợ chồng ông Anil, những mảnh đất trống đồi trọc năm xưa đã trở thành khu rừng nhiệt đới với đủ loại cây và muông thú như voi, hổ, báo, hươu, rắn, chim…

Kể lại quá trình trồng rừng của mình, ông Anil chia sẻ “đó là một quãng đường rất dài”. Khi hai ông bà mới tới vùng Karnataka, một diện tích lớn đất ở đây đang bị rao bán. Những người chủ của chúng không thể trồng cà phê hay bất kỳ loại cây nào bởi đất quá cằn cỗi. Hai vợ chồng ông đã quyết định mua mảnh đất đầu tiên rộng 22 héc-ta để trồng lại rừng. Sau đó họ lại tiếp tục mua thêm những khoảng đất xung quanh để mở rộng.

Quả đúng là “trời không phụ lòng người”, ngày nay, khu bảo tồn thiên nhiên này đã rộng 121 héc-ta với hàng trăm loại cây và muông thú, thu hút rất nhiều nhà khoa học khắp thế giới tới nghiên cứu.

Khu rừng với đủ loại muông thú. (Nguồn ảnh: vnexpress)

Dẫn du khách đi thăm rừng, bà Pamela đi xuyên qua những bụi cây rậm rạp, chỉ vào nơi mà hai ông bà từng nhìn thấy một đàn voi bên cạnh một cây cổ thụ khổng lồ, và hào hứng chia sẻ:

“Cây này đã được 700 năm tuổi và thu hút rất nhiều loại chim khác nhau”.

Được biết, hai vợ chồng bà Pamela đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về quần thể sinh vật nơi đây và quyết định trồng đúng những loại cây bản địa để khu bảo tồn được phát triển đúng như tự nhiên. Hành động cao đẹp của đôi vợ chồng đã tác động đến rất nhiều tổ chức và cá nhân, nhiều người cũng góp phần cùng cặp vợ chồng duy trì khu rừng. Một số công ty lớn cũng tham gia vào việc mua đất gây rừng.

Khu rừng được phục hồi từ những mảnh đất hoang. (Nguồn ảnh: vnexpress)

Câu chuyện về vợ chồng ông Anil và bà Pamela không chỉ lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong xã hội đang vì phát triển kinh tế lãng quên sự sống của môi trường, mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng cho con người về lòng dũng cảm dám theo đuổi đam mê. Hai ông bà dám từ bỏ cuộc sống giàu có tiện nghi và sự nghiệp thành công trên đất Mỹ, bán hết tất cả tài sản để cống hiến cho lý tưởng và tạo ra giá trị cho cuộc sống. 26 năm kiên trì và thầm lặng, họ không chỉ tạo nên một khu rừng đa dạng sinh thái mà còn gieo cả niềm tin cho con người vào những đều tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc đời.

Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi chúng ta sống với đam mê và tạo ra giá trị cho cộng đồng với một tâm thái vô tư không tính toán. Vậy còn chần chừ gì nữa mà chúng ta không sống một cuộc đời ý nghĩa ngay từ bây giờ?

Hoàn Châu

Xem thêm:

Exit mobile version