Thách thức số phận, bất chấp những hạn chế về thể chất, một người đàn ông không tay bẩm sinh ở Ấn Độ đã chứng minh năng lực của con người không lệ thuộc vào những quy tắc, quan niệm cố hữu mà chính con người tự đặt định trong quá trình sống.
Anh Madan Lal, 45 tuổi ở bang Haryanna Bắc Ấn, sinh ra đã bị dị tật không có cả hai cánh tay. Khi còn nhỏ, sự thiếu hụt một phần cơ thể không làm cho cậu bé Madan bận tâm. Anh kể lại: “Suốt thời ấu thơ tôi chẳng hề quan tâm đến nó vì tôi đã có ông bà chăm sóc và giúp đỡ mọi việc”.
Tuy nhiên, đến tuổi đi học Madan bắt đầu nhận ra sự khác biệt của mình và thái độ kỳ thị của mọi người xung quanh. Đầu tiên là trường học. Anh chia sẻ: “Hầu như mọi trường học đều từ chối tiếp nhận vì tình trạng khuyết tật của tôi. Các giáo viên không muốn tôi vào lớp của họ”.
Tuyệt vọng, chán nản, tự ti, mất niềm tin vào cuộc sống thường sẽ là thế giới cảm xúc mà một người trong tình trạng như Madan sẽ trải qua. Đã có nhiều người chấp nhận số phận, chôn vùi bao ước mơ, hoài bão trong bốn bức tường chật hẹp, để cả một đời vụt trôi trong tiếc nuối, cô đơn. Madan không chọn cuộc sống an phận. Vượt lên hoàn cảnh éo le, con người bản lĩnh tự trọng trong anh đã khiến những điều không thể trở thành có thể.
Anh kể lại: “Mỗi khi bị trường nào đó từ chối, tôi rất thất vọng, nhưng trong đầu luôn nung nấu một quyết tâm phải làm được một điều gì đó”.
Đầu tiên anh học cách làm mọi việc bằng đôi chân. Từ gội đầu, mặc quần áo, ăn uống, sinh hoạt… anh đều dùng chân.
Tuy nhiên, làm gì để có thể trang trải cuộc sống sau này là câu hỏi lớn hơn mà Madan đã phải nghĩ đến từ khi còn ở tuổi đến trường.
Trường học không tiếp nhận, gia đình nghèo không có tiền học tư, không có trợ cấp từ chính phủ, từ nhỏ Madan đã phải lo nghĩ đến cuộc sống mưu sinh sau này.
23 tuổi, Madan quyết định đi học may, một quyết định táo bạo đến nỗi, chả có nơi nào nhận dạy anh cả.
Anh kể lại: “Tôi đã đi khắp nơi, gặp rất nhiều thợ may xin được học. Nhưng ở đâu tôi cũng bị cười nhạo”.
“Họ nói không tay thì làm sao mà may được quần áo, không thể làm được. Tôi cũng chưa từng biết động đến cái máy khâu, vậy nên họ không nhận tôi”.
Quyết tâm tầm sư học đạo, Madan lên huyện Fatehabad tìm thầy, may mắn thay nơi đây có một thợ may sẵn lòng dạy anh.
Anh chia sẻ: “Tôi đi đến Fatehabad và tìm đến một người thợ may. Ban đầu ông cũng từ chối khi nhìn thấy tôi không có tay”.
Nhưng khi nghe tôi khẩn khoản, cuối cùng ông ấy đồng ý. Chỉ sau mươi mười lăm hôm, người thầy đầu tiên trong đời tôi đã nói: “’Anh sẽ thành công’. Và tôi vô cùng hạnh phúc”.
Trong vòng một năm, Madan đã học được cách cắt may và tự về làng mở cửa hiệu. Cuộc đời anh bước sang trang mới.
Anh dùng những ngón chân khéo léo may những bộ quần áo rất đẹp.
Anh vui vẻ chia sẻ: “Tôi làm mọi thứ bằng chân, tất cả công việc may vá cũng bằng chân. Từ cắt vải đến lấy số đo, tôi đều dùng chân”.
Anh nhớ lại ngày đầu mở cửa hàng: “Hôm đó mọi nỗi buồn đều như tan biến. Đó là ngày đẹp nhất trong đời tôi. Mọi người đến cửa hàng để chúc mừng tôi, như thể họ là người trong gia đình tôi vậy”.
Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng tin rằng anh có thể may đẹp. Có người còn gièm pha: “Anh ta may cắt bằng chân thì sẽ làm hỏng quần áo của chúng tôi”.
Hiện giờ dân làng không còn hoài nghi về tài năng của anh nữa. Từ lúc nào không rõ anh trở thành người hùng của dân làng.
Anh nói: “Một số người trước đây nói tôi có thể làm hỏng vải của họ thì nay đều đã đến cửa hiệu của tôi để may quần áo. Tôi biết đó là tình cảm và sự ủng hộ của mọi người dành cho tôi”.
Cuộc sống là vô vàn những cơ hội dành cho những ai biết trân trọng và có trách nhiệm với chính bản thân mình. Mỗi người đều sẽ có những con đường riêng để đạt được hạnh phúc từ chính nơi mình sinh ra, từ chính hoàn cảnh thực tại mà mình đang có. Ngọn lửa từ trái tim nhiệt huyết của Madan đang lan tỏa và sẽ giúp thay đổi biết bao số phận trên hành tinh này.
Video cuộc sống thường ngày của Madan Lal
Nguồn ảnh dẫn qua: Dailymail.
Xuân Dung – An Nhiên