Đại Kỷ Nguyên

Bán nhà theo con, con lại đi tù, bị con dâu coi thường bố mẹ già nuốt nước mắt sống trong tủi nhục…

Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông ôm bà mà lòng đau xót. Ông thương bà, thương con trai, thương cho cả cái phận của mình. Rồi ông lại lo sợ, nhỡ ngày mai cô con dâu đuổi ông bà ra đường thì ông bà biết bấu víu vào đâu…

Ông bà sinh được hai người con 1 trai, 1 gái; nuôi các con khôn lớn trưởng thành rồi dựng vợ gả chồng đâu đấy thì mái tóc cũng ngả sang màu bạc. Bà thường xuyên đau yếu nên không thể làm công việc nặng nhọc, cuộc sống đều phụ thuộc vào những đồng trợ cấp thương binh ít ỏi của ông.

Bệnh của bà ngày một thêm nặng, mỗi lần chữa trị cũng mất vài triệu đồng. Rồi đến khi không thể tự xoay sở được, ông đành phải vay tiền hàng xóm lo khám bệnh cho bà. Ông chẳng dám nhờ đến con cái, vì nghĩ chúng cũng còn nhiều nỗi vất vả phải lo toan.

Ông thương bà, thương con trai, thương cho cả cái phận của mình. (Ảnh minh hoạ: Ongbachau)

Từ ngày lấy vợ, công việc bận rộn lại ở xa nên con trai ít về thăm ông bà hơn. Trong một lần về thăm quê sau bao tháng ngày xa cách, thấy bố mẹ ngày thêm già yếu, con trai xin phép đưa ông bà về ở cùng để tiện bề chăm sóc. Nghe con nói, ông bà cũng mủi lòng, thôi thì “trẻ cậy cha già cậy con” cũng là hợp với lẽ thường nên đồng ý.

Khi chuyển lên thành phố được ít bữa, con trai khuyên ông bà nên bán căn nhà dưới quê vì không ai ở nữa, mà bỏ vậy thì uổng. Cũng vì cần tiền để trả nợ hàng xóm, ông đã quyết định bán căn nhà cũ. Số tiền bán được, ông dành một phần để trả nợ, một phần cho con gái, toàn bộ số tiền còn lại ông đưa hết cho con trai và con dâu. Những tưởng rằng, cuộc sống giờ đây sẽ yên vui hơn, dẫu có phải xa quê nhưng ông bà đã được về gần con gần cháu, không còn cảnh cô đơn hai tấm thân già nữa.

Tuy nhiên, cuộc sống có mấy khi như người ta tưởng. Căn nhà của cậu con trai vốn xây chung trên mảnh đất của nhà vợ, nên cô con dâu vẫn luôn tỏ ra coi thường bố mẹ chồng, những mâu thuẫn cũng từ đó bắt đầu nảy sinh. Có lần, mâm cơm vừa được dọn ra, thay bằng việc mời cơm ông bà thì con dâu lạnh lùng nói: “Tui không hơi sức đâu mà phục vụ, đói thì đầu gối phải bò chứ ai đâu dâng cơm tận miệng”. Nghe đến đó, trái tim ông bà đau thắt, cũng chẳng ăn được miếng cơm nào nữa.

“Tui không hơi sức đâu mà phục vụ, đói thì đầu gối phải bò chứ ai đâu dâng cơm tận miệng” (Ảnh minh hoạ: Youtube)

Vì con trai thường đi công tác xa nhà, nên hôm nào, con trai về thì ông bà được ăn cơm, con trai đi vắng thì con dâu đưa các cháu về bên ông bà ngoại. Mong muốn thuận tiện cho các con nên lúc trước ông đã đưa sổ trợ cấp cho con dâu để lo chuyện ăn uống sinh hoạt cho ông bà. Nào ngờ giờ xảy ra cơ sự như này, ông cũng không biết làm sao để xoay sở. Trong nhà chỉ có mì gói là thứ duy nhất có thể ăn nên ông bà cũng bữa đói bữa no.

Bệnh của bà chẳng thuyên giảm đi mà ngày càng thêm nặng, tiền thuốc thang cũng tốn kém nhiều hơn. Cô con dâu chẳng cảm thông cho ông bà mà lại liên tục chì chiết chồng. Không khí gia đình ngày một căng thẳng, hai ông bà tự thu mình lại, làm việc gì cũng dè chừng, mùa hè nóng cũng không dám bật quạt vì con dâu liên tục kêu ca tiền điện tháng nào cũng tăng. Tủi cho phận mình, có lần ông sang nhà con gái ở chơi mấy hôm, nhưng lại ngại con rể, nên đành quay về nhà con trai.

Mặc dù, con trai ông bà đã nhiều lần khuyên vợ, mong muốn chị có thể hiểu và sống thuận hòa với bố mẹ. Tuy nhiên, chị vợ không những không nghe mà lại còn cho rằng anh không biết nghĩ cho vợ, chỉ biết bênh bố mẹ. Cảm giác bất lực khi không chăm sóc được cho cha mẹ, cộng thêm công việc làm ăn ngày càng khó khăn bế tắc, con trai ông bà thường xuyên say xỉn mỗi khi đi làm về. Trong một lần, anh uống nhiều rượu đi xe đâm vào người ta gây thiệt mạng, rồi bị bỏ tù.

Bằng cái giọng sang sảng, cô con dâu vừa nói vừa mắng ông bà, dạy con cái kiểu gì để rồi thành ra cô phải ôm nợ vào thân như vậy.

Tủi cho phận mình, ông bà đành nuốt nước mắt sống cho qua ngày… (Ảnh minh hoạ: Baomoi)

Nghe xong, ông như chết điếng người, còn bà cứ vậy ho giật lên từng hồi, ông ôm bà mà lòng đau xót. Ông thương bà, thương con trai, thương cho cả cái phận của mình. Rồi ông lại lo sợ, nhỡ ngày mai cô con dâu tính đuổi ông bà ra đường thì ông bà biết bấu víu vào đâu…

***

Thật chẳng hề ngẫu nhiên, khi hai người xa lạ lại có thể trở thành người cha người mẹ thứ hai của mình. Người ta nói duyên vợ chồng phải tu nghìn năm mới đắc được, nếu đúng như vậy, chắc mối liên hệ giữa chúng ta và cha mẹ thứ hai ắt cũng không phải là nhỏ. Ông Trời vốn an bài mọi chuyện trên thế gian này rất chi li và kĩ lưỡng; những người chúng ta cần gặp là nên phải gặp, những điều chúng ta cần đối diện là nên phải đối diện và những thứ chúng ta nợ thì tất cũng phải trả. Duyên kiếp trước nợ kiếp này, chẳng dám nói chắc, nhưng biết đâu cha mẹ chồng/vợ kiếp này lại chính là cha mẹ đẻ của ta kiếp trước, số phận đưa họ đến đây để ta có cơ hội trả nốt chữ “Hiếu” mà ta vẫn còn thiếu.

Vậy nên, đừng tự chối bỏ những mối nhân duyên hữu hạn quanh mình mà hãy biết trân quý. Yêu thương không phải là điều gì khó, chỉ cần buông bỏ, buông bỏ một chút ích kỷ và vị tư thì đã làm được. Người ta vẫn thường nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi không có tình người”. Vì thế gian có tình nên ánh bình minh mới soi rọi Đất Trời nồng ấm, vạn vật sinh tồn, thế nhân no đủ mà hạnh phúc. Nếu thiếu mất cái tình này, thử hỏi con người làm sao có thể sống?

Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version