Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni 1200 tuổi, trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Cảnh Thịnh, Môn Hạ Sảnh ấn hay bộ Cửu đỉnh của nhà Nguyễn… là những hiện vật quý hiếm nằm trong số những bảo vật quốc gia của Việt Nam.
1. Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ có niên đại khoảng 2500 năm là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn (đường kính 79,3 cm, chiều cao 63 cm, nặng 86 kg). Đây là chiếc trống điển hình nhất trong hệ thống trống đồng Việt.
Chiếc trống được phát hiện vào năm 1893 – 1894 tại Hà Nam trong lúc đắp đê, từ năm 1958 đến nay, bảo vật quốc gia này được lưu giữ, trưng bày tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Trống đồng Ngọc Lũ thuộc sưu tập trống đồng Đông Sơn là đại diện loại hình hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Trống đồng là nơi hội tụ đầy đủ các kiến thức khoa học cũng như tài năng nghệ thuật và tâm hồn của người Việt cổ. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay (không hề có chiếc nào giống nhau hoàn toàn), trống đồng Ngọc Lũ được cho là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa nhất, trang trí hoàn mỹ và phong phú nhất.
Hoa văn trang trí trên mặt trống
Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có khắc những hình người mặc áo lông chim đang nhảy múa, người giã gạo chày đôi, người đánh trống, nhà sàn mái cong, hươu đang đi cùng chim mỏ ngắn bay và chim mỏ dài đứng. Phần tang trống và thân trống cũng có những hoa văn hình học, hình những chiếc thuyền chở chiến binh tay cầm vũ khí và tù binh, hình chim cò ngậm cá, chó săn được thể hiện theo lối cách điệu, hình các võ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí vừa đi vừa múa. Gắn giữa tang và thân trống là hai đôi quai kép đúc nổi hoa văn bông lúa, đối xứng nhau.
2. Thạp đồng Đào Thịnh
Thạp Đào Thịnh có niên đại khoảng 2.500 năm, dáng hình trụ thuôn dần xuống đáy, đường kính miệng 61cm, đáy 60cm, cao 98cm, nặng 760 kg với một mật độ hoa văn dày đặc và được chế tác đặc biệt cẩn thận.
Chiếc thạp được tình cờ phát hiện vào năm 1961 ở xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Sau đó, thạp được giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Trong bộ sưu tập hiện vật đồng văn hóa Đông Sơn, ngoài trống đồng và một số nhóm di vật khác như dụng cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí thì thạp đồng cũng nằm trong số loại hình đặc biệt về đồ dùng sinh hoạt của cư dân thời ấy. Thạp Đào Thịnh là một hiện vật điển hình, chức năng chính của thạp là đồ đựng dự trữ lương thực. Khi được phát hiện, trong thạp còn chứa nhiều than tro và răng người chết, điều đó chứng tỏ chiếc thạp còn được dùng làm quan tài mai táng chủ nhân sau khi hỏa thiêu.
3. Trống đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh
Trong hàng trăm cổ vật thời Tây Sơn, đáng chú ý nhất là chiếc trống đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) bởi hình dáng đặc biệt, tính độc bản cùng những chi tiết trang trí nổi đặc sắc.
Trống có khối hình trụ được miêu tả theo kiểu bịt da hiện đại. Trống có đường kính 49cm, cao 37,40cm, nặng 32kg. Mặt trống cong vồng lên hình chỏm cầu, chính giữa có hai vòng tròn kép. Thân trống nở nhẹ ở giữa và được chia làm ba phần, ngăn cách bằng hai đường gân nổi. Thân trống có 4 quai hình khuyên gắn cách đều trên thân. Xung quanh trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn: nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng.
Vương triều Tây Sơn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi chỉ hơn 10 năm (1789-1802), do đó dấu ấn về nền mỹ thuật để lại mờ nhạt hơn các triều đại khác. Tuy nhiên trống đồng Cảnh Thịnh là ngoại lệ, một sản phẩm độc đáo, thể hiện được tài năng và óc sáng tạo cũng trình độ thẩm mỹ của con người khi đó.
Hiện trống được lưu giữ, bảo quản và giới thiệu tại hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
4. Môn Hạ Sảnh ấn
Trong số những hiện vật ấn chương còn lưu giữ, Môn Hạ Sảnh ấn được coi là ấn đồng cổ có niên đại rõ ràng nhất.
Ấn bằng đồng, hình vuông, tạo ba cấp, núm ấn hình chữ nhật, chỏm cong, giống hình bia đá, cao 8 cm. Hai bên cạnh lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán. Bên phải có 4 chữ, phiên âm: “Môn Hạ Sảnh ấn” (Ấn của Sảnh Môn Hạ). Bên trái khắc 11 chữ, phiên âm: “Long khánh ngũ niên ngũ nguyệt nhị thập tam nhật tạo” (chế tạo vào ngày 23 tháng 5, năm thứ 5 niên hiệu Long Khánh, đời vua Trần Duệ Tông, 1377). Mặt ấn hình vuông, kích thước 7,3cm x 7,3cm, đúc 4 chữ kiểu triện “Môn Hạ Sảnh ấn”.
Đây là chiếc ấn thời Trần duy nhất hiện biết. Trong lịch sử hành chính triều Trần, sảnh Môn hạ là cơ quan nằm trong bộ ba “Tam sảnh” của triều đình, gồm: sảnh Thượng thư, sảnh Trung thư và sảnh Môn hạ là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung. “Môn Hạ Sảnh ấn” được dùng để đóng trên những văn bản hành chính quan trọng của triều đình từ đời Trần Phế Đế về sau.
5. Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga
Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga cổ được tìm thấy trên con tàu đắm ở Cù Lao Chàm vào năm 1999 – 2000. Bình có kiểu dáng độc đáo, bình miệng loe tròn, thân phình, thuôn dần xuống đáy. Những hình ảnh trang trí trên chiếc bình mang yếu tố thuần Việt, bình màu trắng vẽ hoa lam, bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, thiên nga, sóng nước, lá đề, phong cảnh, lá đề xen lẫn bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau.
Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga phản ánh đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật chế tạo đồ gốm thời Lê Sơ, là sản phẩm tiêu biểu cho đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam (thế kỷ XV). Chiếc bình gốm này được sản xuất tại làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của nước ta, ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ XV – XVI, chuyên sản xuất gốm cao cấp, phục vụ cho tầng lớp quý tộc và xuất khẩu ra nước ngoài.
6. Tượng Phật 1200 tuổi
Bức tượng Phật 1200 năm tuổi này là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng tinh xảo kết hợp nghệ thuật tạo hình của nền văn hóa Chăm Pa. Tháng 4/1911, nhà khảo cổ Henri Parmentier (Pháp) đã phát hiện ra pho tượng Phật tại làng Đồng Dương xã Bình Định (Thăng Bình, Quảng Nam), do vậy tượng có tên khác là tượng Phật Đồng Dương.
Đây là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang đứng trên thuyết pháp trên bệ tròn hai tầng tạc cánh sen. Tượng cao 2,2m, nặng 120 kg, chỗ rộng nhất dài 38 cm, vị trí dày nhất cũng 38 cm.
Khi phát hiện, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đánh giá tượng Phật Đồng Dương có hình dáng hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế làm toát lên vẻ uy nghiêm và là một trong những pho tượng Phật cổ thuộc hàng đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Các nhà nghiên cứu xác định bức tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII – IX. Hiện tượng Phật hiện đang được lưu giữ tại Sài Gòn.
7. Cửu đỉnh của nhà Nguyễn
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là 9 cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.
Trên mỗi chiếc đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn và đều được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,… tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.
Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ. Dễ hiểu tại sao số 9 là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu Đỉnh cho triều đại mình: tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9:
- 9 vì tinh tú và hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ là Mặt Trời, Mặt Trăng, Gió, Sét, Mây, Mưa, Ngũ tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu
- 9 ngọn núi lớn là Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang
- 9 sông lớn là Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng
- 9 con sông đào và sông khác là kênh Vĩnh Tế, sông Vĩnh Điện, sông Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, sông Cửu An, sông Ngân Hà
- 9 loài chim, 9 loài cây lương thực, 9 loại rau củ, 9 loài hoa, 9 loại cây lấy quả, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây thân gỗ, 9 loại vũ khí chiến trận, 9 loại thuyền bè, xe cộ, cờ…
Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam hoành tráng.
Cửu Đỉnh có thể coi là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Đại Nam và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 162 mảng hình trên Cửu Đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam và là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỉ 19.
Liên Hoa tổng hợp
Xem thêm:
- 10 báu vật quý giá nhất mọi thời đại của Trung Hoa
- Báu vật vô giá của con người là gì?
- Tác dụng kỳ diệu của loại rau mệnh danh là ‘bảo vật’, ở Việt Nam đâu đâu cũng có!