Đại Kỷ Nguyên

Hơn hai mươi năm biệt tích, cuối cùng người cha ngớ ngẩn cũng đã trở về bên tôi…

Ảnh minh họa (nguồn: Promessa Studios).

Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta được sinh ra trong những gia đình khác nhau, có người hạnh phúc khi có đầy đủ cả cha lẫn mẹ và đời sống vật chất dư giả, có người thì lại đau khổ vì mất cha, mất mẹ, sống trong cảnh ‘màn trời chiếu đất’… Câu chuyện đầy xúc động này sẽ khiến bạn hiểu rằng, “gia đình” không chỉ là một danh từ… 

Năm tôi lên 7 tuổi, cha bỏ mẹ con tôi đi không một lời từ biệt, ngày nào mẹ con tôi cũng ngóng đợi cha về. Có người làng đi làm ăn xa thì bảo đã gặp cha tôi ở một góc phố nào đó trong Sài Gòn, có người thì bảo đã gặp cha tận ngoài biên giới Campuchia, cũng có người thông tin đến mẹ con tôi rằng cha tôi đã chết trong một vụ tai nạn thương tâm… Khi nghe những thông tin này mẹ chỉ biết ôm tôi vào lòng mình khóc nức nở, vì tôi còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện, ngày nào tôi cũng hỏi mẹ bao giờ cha về? Mẹ không nói gì mà chỉ ôm tôi khóc nức từng tiếng, như có cái gì đó nghẹn lại cổ họng của mẹ.

Ông bà nội tôi rất nghèo lại hiếm muộn con, mãi mới sinh ra được cha tôi. Tôi nghe người làng nói, ngày đó vì nhà ông bà quá nghèo nên khi bà nội mang thai cha tôi đến gần ngày sinh vẫn phải làm lụng vất vả. Có một lần bà đi làm đồng, vô tình ngã vào cái long nước, bụng bà rất đau, người ta đưa bà lên trạm xá cấp cứu. Vì ngày đó làng quê nào của Bắc Bộ cũng đều nghèo khó, điều kiện y tế vô cùng lạc hậu. Thậm chí có nhà khi sinh con ra còn dùng liềm cắt rốn trẻ nhỏ nên dẫn đến rất nhiều trẻ em chết yểu thương tâm do bị nhiễm trùng.

Bác sĩ nói với gia đình ông nội là tình hình bà nội tôi rất nguy kịch, chỉ có thể cứu được bố tôi thôi, còn bà nội thì không thể. Ông nội tôi vốn là một người đàn ông cứng cỏi, là một người mà ai cũng biết rằng dù cho ông có nghèo, có khổ, có túng quẫn cũng luôn nỗ lực chứ không bao giờ nản lòng, nhưng khi bế bố tôi trên tay, ông đã khóc, những giọt nước mắt lăn vội trên gò má của người đàn ông đầy nỗi nhọc nhằn và gian truân.

Lo hậu sự cho bà nội xong, ông lau nước mắt rồi tiếp tục cuộc sống mưu sinh, nuôi dạy cha tôi. Nhiều người trong làng khuyên ông nội đi bước nữa để có người bầu bạn, chia sẻ gánh nặng cuộc đời, nhưng ông nội chỉ mỉm cười, rồi cám ơn người ta mà không nói gì thêm.

Khổ một nỗi, cha tôi càng lớn càng không giống người khác, mãi cha tôi mới chỉ nói bập bẹ được mấy câu, người ta nói cha tôi bị thiểu não nên trí óc ngờ nghệch. Ông nội tôi rất đau lòng nhưng cũng ngậm đắng nuốt cay mà nuôi cha tôi khôn lớn. Nhưng từ ngày bà nội mất, ông đâm ra nghiện rượu, cứ tối đến ông lại say bí tỉ , lúc say ông chửi bới, cái gì cũng chửi, than oán ông trời bất công, số phận nghiệt ngã, ông cả đời sống lương thiện mà tại sao cay đắng với ông quá vậy. Khi say ông lại lôi bố ra dùng roi đánh bố: “Tao đánh cho mày khôn ra, mày khôn chưa, mày khôn chưa?’’. Bố tôi lúc đó chạy khắp sân, la hét ầm ĩ, hàng xóm thấy vậy thì chạy sang can ngăn. Ông mệt quá, không đánh được, vừa khóc, vừa quát từng tiếng thều thào: “Mày khôn chưa, mày khôn chưa?’’… rồi ông lại ôm bố tôi mà khóc nức nở.

Xuân qua, đông tới, bố tôi cứ ngờ nghệch mà lớn nên như vậy, lớn lên trong đòn roi, chửi rủa, khóc than số phận của ông tôi. Nhà ông nội ngày càng nghèo khó, nheo nhóc vì ma rượu đã ngấm vào máu ông, sức khỏe của ông cũng sa sút đi nhiều. Một lần trong ngày giỗ của bà nội tôi, có người ác ý trêu đùa cha tôi rằng: “Mày sang nhà ông Công gần chùa bắt con chó nhà ông ấy về, làm thịt cúng mẹ mày sẽ hiện về’’. Bố tôi cứ thế tin theo một cách hồn nhiên mà đánh chết con chó nhà ông Công không một chút do dự. Bố bị người ta bắt đưa lên xã mà trên miệng vẫn cười cười, nói nói. Lúc đó ông đang đi cày ngoài ruộng thì được người ta báo tin: “Con mày trộm chó bị người ta bắt đưa lên xã rồi”. Mặt ông tái mét không nói một lời nào cứ thế quần áo lấm đầy bùn đất chạy thẳng lên xã.

Đến nơi người ta nói cha tôi phạm tội trộm chó. Ông không nói gì cả mà cầm ngay cái roi đánh bò lao vào vụt cha tôi không thương tiếc: “Tao dạy mãi mà mày không khôn là sao?”. Nhà ông đã nghèo rồi giờ biết tính làm sao. Mọi người trong xã thương tình can ông nội ra, cũng không bắt cha tôi lên huyện nữa, nhưng ông nội phải bán hết số thóc còn lại trong nhà mới đủ tiền đền cho người ta.

Ảnh minh họa (nguồn: Mạng thư viện).

Thấm thoắt, cha tôi cũng đến tuổi lấy vợ, ông nội lúc này cũng rất yếu, vì ông uống rượu nên cơ thể của ông ngày càng tàn tạ. Vì gia cảnh nghèo khó cộng thêm cha tôi lại bị thiểu năng nên tìm vợ cho cha vô cùng khó khăn, nhưng rồi ông cũng tìm được mẹ tôi cho cha.

Mẹ rất khỏe mạnh nhưng khổ nỗi mắt mẹ bị hỏng một bên, mẹ mồ côi cha, mẹ nên từ nhỏ sống với ông bà ngoại. Mẹ hơn cha tôi 5 tuổi. Ngày cha mẹ lấy làm lễ thành hôn, ông nội tôi mừng lắm, đêm đó ông uống rất nhiều rượu, đứng trước bàn thờ bà nội ông vừa khóc vừa cười: “Cuối cùng tôi cũng hoàn thành trách nhiệm của bà giao phó rồi!’’. Ông cười to lên một tiếng rồi cứ thế ngủ mãi không dậy nữa. Bà con làng xóm giúp cha mẹ tôi an táng cho cha.

Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, chăm sóc, nuôi nấng cha giờ đây đều gánh trên vai của mẹ. Mãi rồi mẹ cũng sinh tôi ra, hàng xóm ai nấy đều mừng cho cha mẹ vì tôi hoàn toàn bình thường, thậm chí có phần thông minh hơn những đứa trẻ trong xóm. Nhưng cũng từ khi sinh tôi ra, cha tôi thậm chí ngày càng ngờ nghệch, cả ngày chỉ ngồi một chỗ cười cười, xong lại khóc một mình như đứa trẻ. Cha cũng chẳng bế tôi được lần nào, chỉ nhìn tôi cười ngây dại.

Khổ nhất là mẹ tôi giờ đây thêm phần vất vả , thỉnh thoảng cha đi lạc, mẹ phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm cha về. Nhiều hôm cha ra đồng chơi nghịch bùn đất với mấy đứa con nít trong xóm, mẹ tìm về lại tắm rửa cho cha. Tắm xong cha lại tè dầm ra quần, mẹ lại thay quần cho cha. Tuy vất vả như vậy nhưng chưa bao giờ mẹ than oán hay trách mắng cha một lời nào cả, chỉ lặng im làm những việc cần phải làm.

Một ngày vào buổi chiều mùa đông sấm chớp ngập trời, mưa rơi lã chã, một tiếng sét vang lên xé toạc bầu trời, lúc đó tôi và mẹ đang ngoài buổi chợ chiều, mẹ vội vã bế tôi vào lòng chạy về nhà thì không thấy cha đâu nữa… Qua bao năm tháng, cha tôi vẫn không trở về, nhưng mẹ vẫn không nguôi ý định tìm cha. Một mình mẹ cứ thế nuôi tôi khôn lớn, vì tư chất của tôi thông minh lên được học bổng toàn phần, được cử đi nước ngoài du học. 

Có lẽ số phận thật nghiệt ngã, 5 năm trước mẹ cũng bỏ tôi đi vì cơn bạo bệnh, trước khi đi mẹ vẫn nắm tay tôi rồi nói dặn dò tôi nhất định phải tìm lại được cha về, và dặn dò tôi không được quá đau buồn, cố gắng sống tốt rồi mẹ trút hơi thở ra đi. Bầu trời như sụp xuống, tôi không còn thiết tha gì hết, tôi ôm mẹ khóc thảm thiết rồi ngất đi lúc nào không hay. Mấy ngày hôm ấy tôi không thiết tha ăn uống gì hết, cả ngày tôi chỉ quanh quẩn bên mộ của mẹ mà không nói gì. Giờ đây tôi đã trở thành trẻ mồ côi… 

Năm tháng qua đi, cuối cùng tôi cũng hoàn thành khóa du học nước ngoài của mình, tôi quyết định ở lại bên đó luôn. Mỗi năm, tôi chỉ về một lần ngày giỗ mẹ rồi vội vàng lên đường. Lần này về nước, tôi mang theo cả vợ con về giới thiệu với mẹ, để mẹ biết tôi đã trưởng thành, đã như những gì mẹ mong muốn. 

Số Trời run rủi, vừa về đến đầu làng thì có người báo cho tôi biết có một người đàn ông tóc tai rũ rượi, ăn mặc rách đang lang thang, vừa đi vừa hát rất giống cha tôi. Tôi tức tốc chạy đến đó. Đúng là cha rồi, vẫn khuôn mặt đó, vẫn nụ cười đó 23 năm về trước. Tôi lao vào ôm chầm lấy cha: “Cha ơi, cuối cùng cha cũng trở về rồi, con gặp được cha rồi, con không còn là trẻ mồ côi nữa rồi…’’. Tôi khóc như chưa từng khóc, những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. Tôi sẽ không bao giờ để cha đi như ngày xưa nữa, cha vẫn chỉ nhìn tôi mà cười một cách ngây dại.

Tắm rửa cho cha xong, tôi đưa vợ con và cha ra mộ mẹ, thắp cho mẹ một nén nhang: “Mẹ ơi, cha về rồi!”. 

***

“Gia đình” là hạnh phúc sum vầy, mà cũng có thể là cay đắng buồn thương, là trọn vẹn mà cũng có thể là chia lìa… Nhưng dẫu trong tận cùng của khổ đau, tủi hờn, hai tiếng ấy vẫn vô ngần thiêng liêng, quý giá. Và tình yêu, tình thương, dẫu từ một người cha ngớ ngẩn, hay một người mẹ khuyết tật, cũng chẳng vì thế mà vơi đi chút nào sự chân thành, ấm áp, để ta hiểu rằng, yêu thương là không bao giờ cần điều kiện.

Phật gia giảng, vợ chồng, con cái là nhân duyên từ bao kiếp mà thành. Cha mẹ, con cái dẫu có thể không hoàn hảo, nhưng không có duyên nhất định không gặp nhau, không có nợ, nhất định không sống cùng nhau. Đời này kiếp này ở với nhau cũng là để trả hết cái nợ duyên đó. 

Vậy thì dẫu đó là mối lương duyên nào cũng nên trân quý sự an bài đó, bởi vì biết quý tiếc duyên phận ấy thì mới sống cho trọn vẹn chu toàn đạo Hiếu của người con, dẫu rằng cha mẹ có khuyết thiếu ra sao. Bởi chính chút hơi ấm của tình thân ấy, dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ sưởi ấm trái tim ta trong suốt cuộc đời, và cho ta sức mạnh mà chỉ trong yêu thương ta mới hiểu được nó lớn lao như thế nào.

Vũ Thành

Video xem thêm: Trên thế gian này, người cô độc nhất là cha, được ca tụng ít nhất cũng là cha

Exit mobile version