Đại Kỷ Nguyên

Bật mí gia vị ưa thích của các đầu bếp nổi tiếng thế giới

Tài hoa của một vị đầu bếp không chỉ được đo bằng kỹ năng hay thời gian họ làm nghề, nó còn được thể hiện trong cách họ linh hoạt sử dụng các loại gia vị độc đáo để nâng tầm món ăn.

Quế

Nhiều người nghĩ, quế là loại gia vị chủ yếu để làm đồ ngọt. Tuy nhiên, nó là thành phần chủ đạo trong ẩm thực ở Mexico và Ấn Độ. Quế có mùi thơm nhẹ, vị nồng ấm làm tăng thêm vị đậm đà cho món ăn. Bạn nên dùng loại gia vị này để ướp thịt, sườn hay làm bò hầm…

Quế là gia vị được sử dụng nhiều trong bữa ăn của người Ấn Độ.

Cà phê

Đối với những đầu bếp chuyên nghiệp, cà phê không chỉ để uống mà còn là gia vị tuyệt vời cho các món ăn. Nó xuất hiện trong thành phần món bánh ngọt, nhiều loại đồ uống tinh tế, trong các món hầm, thịt nướng và thịt om…

Ngoài ra, cà phê còn là một gia vị khử mùi tanh thịt, cá mà không làm mất đi độ ngọt, thơm của thực phẩm.

Sữa chua

Từ lâu, sữa chua đã là gia vị được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực ở Địa Trung Hải. Ngày nay, các đầu bếp dùng sữa chua như một loại nước sốt đặc biệt ăn kèm các món như gà tandoori nướng hoặc làm bánh mì, bánh ngọt.

Sữa chua còn là nguyên liệu không thể thiếu khi làm phô mai, pizza và bánh pudding.

Nước chanh

Chỉ cần vài giọt nước chanh có thể giúp thịt, cá giảm bớt mùi tanh, giảm chất béo và cân bằng axit trong thực phẩm.

Có nhiều đầu bếp dùng chanh tươi chế biến thành caramen để tăng hương vị và giúp đường không bị vón cục khi làm bánh ngọt.

Mirepoix – Nước xốt hoàn hảo từ rau củ

Nhiều chuyên gia ẩm thực sử dụng bộ ba cần tây, hành tây và cà rốt để tạo ra một công thức nấu ăn có tên là mirepoix.

Ở Pháp, mirepoix được yêu thích sử dụng trong các món hầm, súp, nước sốt và nhiều món ăn khác.

Đường thốt nốt

Vị ngọt của đường thốt nốt dịu và thơm hơn đường trắng tinh luyện. Do có hương vị ngọt ấm, êm dịu và màu nâu đặc trưng nên nó thường được cho vào các món ăn để cân bằng vị chua của món ăn.

Dầu lạc (dầu đậu phộng)

Dầu lạc hay còn gọi là dầu đậu phộng được chiết xuất từ những hạt lạc, nó có hương vị rất thơm, ngọt ngào tương tự như dầu mè. Điểm đặc biệt của dầu lạc là chúng không hấp thụ mùi thực phẩm nên có thể tái sử dụng rất tiết kiệm.

Dầu lạc là thành phần chủ yếu trong chế biến đồ ăn của người châu Á.

Cánh hoa hồng

Cánh hoa hồng có hương thơm dịu nhẹ và thường được dùng làm mứt. Từ lâu, người ta đã sử dụng tinh chất hoa hồng trong công thức nấu ăn ở Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc.

Bánh rose harissa nổi tiếng của Tunisia được làm bằng cánh hoa hồng nghiền nát.

Muối

Muối là một gia vị không thể thiếu trong nấu ăn, và tất cả chúng ta đều cần muối trong cuộc sống hằng ngày. Không chỉ đơn giản là gia vị, các đầu bếp giỏi dùng muối để tăng cường hương vị độc đáo cho món ăn. Thay vì dùng muối tinh luyện sẵn, họ thích sử dụng muối hạt tự nhiên.

Sử dụng muối trong nấu ăn còn tránh thiếu chất gây ra bệnh bướu cổ.

Hẹ tây

Đầu bếp Anthony Bourdain đã viết trong cuốn hồi ký “Kitchen Confidential” của mình rằng, dùng hẹ tây thay cho hành là một trong những bí quyết của nhà hàng. Hẹ tây mềm và ngọt hơn nên tạo hương vị tốt cho món ăn.

Hẹ tây là thành phần được sử dụng nhiều trong món của Thái và Pháp.

Nước tương

Nước tương từ lâu đã được sử dụng làm nước chấm, thêm vào món súp và xào… Ngoài ra, các đầu bếp cũng sử dụng nó để cân bằng nước sốt trong món salad.

Sốt cà chua

Để giúp món ăn thêm vị ngọt thơm, hãy thử dùng sốt cà chua, nó sẽ khiến bạn bất ngờ với hương vị mới. Ngoài ra, đây còn là loại sốt hoàn hảo để chấm BBQ.

Để làm nước sốt này, người ta dùng cà chua chín đem nghiền nát hoặc xay nhuyễn.

Sô cô la

Sô cô la đen được sử dụng làm nước sốt trong các món ăn nhẹ và sô cô la trắng xuất hiện trong các món ăn mặn của người Mexico

Giấm

Giấm là một gia vị không thể thiếu trong gian bếp của nhiều gia đình ở phương Đông. Tuy nhiên, mỗi loại giấm có đặc tính mạnh yếu khác nhau. Ví dụ như giấm nho ngọt ngào không nên dùng nấu ăn, chỉ để làm thức uống. Trong khi đó, giấm táo trung tính có thể được sử dụng trong món tráng miệng, thậm chí uống với nước như một loại thuốc bổ.

Giấm được ưa chuộng trong nhiều nền văn hóa ẩm thực khác nhau, từ châu Á tới châu Âu (Ảnh: Food Love)

Hoài Phương 

Exit mobile version