Đại Kỷ Nguyên

Bé gái “phiên bản sống của người rừng Tarzan”, sau 14 năm khác biệt ra sao?

Chúng ta, ai cũng nhiều lần mong muốn được đưa ra một quyết định lớn lao nào đó để thay đổi cuộc đời mình. Xem những bộ phim hay, chúng ta ước mình có thể làm được những điều vĩ đại như nhân vật chính, có thể vứt bỏ được những bon chen cơm áo gạo tiền nơi đô thị phồn hoa mà dừng chân ở lại một chốn yên bình… Cặp vợ chồng dưới đây đã cố gắng biến ước mơ “xa vời” này thành hiện thực bằng một cách đặc biệt chưa từng có.

Có lẽ nhà văn Rudyard Kipling nổi tiếng với tác phẩm The Jungle Book (Chuyện rừng xanh/Mowgli – Người sói) – miêu tả cuộc sống đầy kỳ thú của một chú bé lạc loài trong rừng thẳm – có sống lại, cũng không thể tưởng tượng được rằng những trang viết của ông đã trở thành nguồn cảm hứng để tạo nên một câu chuyện hoàn toàn có thật ngoài đời như vậy.

Tippi Degre, ngay từ khi lọt lòng mẹ, vào mùa xuân năm 1990, đã được chính cha mẹ mình, hai nhiếp ảnh gia chụp ảnh thiên nhiên, người Pháp Sylvie Robert và Alain Degre, cho tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên hoang dã ở Namibia, châu Phi và trải nghiệm cuộc sống thực thụ của các thổ dân Himba.

Cha mẹ Tippi còn lấy tên nữ diễn viên chính Tippi Hedren, trong bộ phim nổi tiếng The Birds (Đàn chim dữ) của đạo diễn Afred Hitchcock để đặt cho con gái mình. Chắc hẳn họ là người rất yêu thiên nhiên và mong muốn con gái mình được hưởng sự trong lành thuần khiết từ mẹ Trái Đất.

Sống trong môi trường hoang dã ấy, Tippi được những người thổ dân châu Phi tốt bụng và cha mẹ dạy cách sinh tồn, làm bạn với thiên nhiên. Họ gọi cô bé là Okantin – nghĩa là “con của đất mẹ”. Không trường học, không Internet, không mặc những bộ quần áo thời trang đắt tiền, trong suốt 13 năm sống cùng thiên nhiên, Tippi đã trở thành “Cô gái Rừng xanh”, một Mowgli thực thụ. Cô làm bạn với động vật các loài, thậm chí trong đó có cả thú dữ, hàng ngày cô nô đùa với chúng. Cô có khả năng giao tiếp với báo, voi, cá sấu, đà điểu, hươu cao cổ, ngựa vằn, tắc kè…

Hai người bạn thân nhất của Tippi là một chú voi 34 tuổi mà cô gọi là anh trai Abu, và một chú báo hoang cô đặt tên là J&B.

Tippy cũng bầu bạn cũng những con thú nhỏ từ các trang trại nuôi.

Tuy nhiên, cuộc sống rừng xanh của cô bé chấm dứt vào năm cô lên 13 tuổi khi gia đình đưa Tippi về Paris để hoà nhập với cuộc sống hiện đại.

Giống như những “người rừng” thật khác, Tippi rơi vào khủng hoảng do chưa kịp hòa nhập với xã hội hiện đại này. Dù được thuê gia sư riêng, cô không thể hoàn thành được năm học nào trọn vẹn ở trường. Mẹ Tippi, bà Sylvie tâm sự: “Tôi cảm nhận trong con bé ẩn chứa một nỗi buồn ghê gớm. Nó không nói ra nhưng có một điều gì đó đã bị đổ vỡ trong tim con bé”.

Tuy nhiên, rất may, Tippi đã trụ lại được với cuộc sống hiện tại. Năm nay cô 27 tuổi và đã hoàn thành xong khoá học ngành điện ảnh của trường đại học Sorbonne Nouvelle, Pháp. Kể từ năm 1997, chuyến phiêu lưu của cô bé đã được dựng thành một bộ phim tài liệu dài bốn tập.

Người ta làm bộ phim này không chỉ bởi sự đặc biệt trong cuộc sống của cô bé và quyết định táo bạo của cha mẹ cô, mà họ còn nhắn gửi một thông điệp nhân văn rằng: sống hòa nhập với thiên nhiên luôn đưa con người trở về bản tính đơn thuần tốt đẹp, bầu bạn với những loài động vật giúp chúng ta biết quý trọng sự sống và yêu thương đồng loại, và khi đắm mình trong cuộc sống hoang dã, bản năng sinh tồn của con người mới được tôi luyện bền bỉ nhất.

Ngoài ra, ước mơ của cha mẹ cô chắc đã được hoàn thành phần nào từ cô con gái mình. Họ có một tình yêu môi trường rất sâu sắc không chỉ ở những bức ảnh thiên nhiên xanh tươi bạt ngàn mà còn ở tấm lòng dành tặng những điều đơn sơ nhất cho con gái của mình.

Cuối cùng, hãy chiêm ngưỡng thêm một số bức ảnh ấn tượng của “Cô bé người rừng” giữa thiên nhiên hoang dã.

Quỳnh Nga

Theo Diply 

Video xem thêm: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

Exit mobile version