Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn ‘vũ điệu tử thần’ khiến 400 người mất mạng, giới khoa học bối rối suốt 500 năm

Nhảy múa là một trong những phương thức giúp con người bày tỏ niềm hân hoan, và tăng thêm sắc màu cho cuộc sống. Nhưng vào năm 1518, lịch sử ghi nhận một sự kiện thương đau đầy bí ẩn, mà nguyên nhân của nó lại đến từ chính hoạt động vui vẻ này.

Vào một ngày tháng 7 năm 1518 ở Alsace, Pháp, một người phụ nữ tên là Frau Troffer (mọi người còn gọi cô là Troffea) bỗng dưng nhảy múa điên loạn trên đường phố. Trái với tâm trạng hứng khởi, vui vẻ thông thường khi tham gia hoạt động, cô gái này tỏ rõ sự đau đớn trên khuôn mặt bởi những cái nhíu mày nặng trĩu. Troffer nhảy không ngừng nghỉ như vậy suốt cả ngày hôm đó… và trong năm ngày liên tiếp. Cô gái này không thể dừng hoạt động nhảy múa điên cuồng của mình. 

Đến ngày thứ sáu, 34 người khác thử tham gia điệu nhảy kì lạ không chủ đích của Troffer, và phần lớn trong số họ đều ở trong trạng thái không tự kiểm soát được bản thân. Họ cũng nhảy múa trong ngây dại giống như Troffer. Hơn thế nữa, đoàn người này không đứng nhảy ở một chỗ cố định mà vừa nhảy vừa di chuyển, nghênh ngang khắp đường phố kéo theo nhiều người khác gia nhập.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả!

Theo ghi chép, số người tham gia nhảy và không thể dừng lại đã lên tới 400 người, và phần lớn là phụ nữ. Họ không ăn, không uống, không ngủ nghỉ, mà chỉ mải mê nhảy nhót, hò hét và thậm chí gặp ảo giác trong nhiều ngày, nhiều tuần, và nhiều tháng. Cuối cùng, họ chết vì kiệt sức, đau tim hay đột quỵ ngay trên đường phố.

Số người chết do điệu nhảy kỳ lạ này tăng lên mỗi ngày trong suốt mùa hè ấy. Toàn thành phố bị bao trùm trong bầu không khí sợ hãi. Người dân nào cũng lo lắng rằng mình sẽ là người tiếp theo phải ra nhập đoàn người đang nhảy múa.

Người ta không thể tìm ra biện pháp khiến những người đang nhảy múa dừng lại. Họ chỉ biết để những người này nhảy múa cho tới khi không còn sức lực. Vào cuối mùa hè, khi tuyệt vọng nhất, người dân đã tìm đến sự cứu giúp của Chúa. Những người còn sống sót cùng nhau lên đỉnh đồi để cầu nguyện, và cuối cùng, “Dịch bệnh” cũng kết thúc.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể giải mã được “vũ điệu cuồng loạn” đầy bí ẩn đó. Điều gì đã khiến nhiều người đến vậy nhảy múa suốt cả đêm lẫn ngày mặc dù bị thương tổn hoặc thậm chí là chết?

Đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau trong các lĩnh vực từ y học tới tôn giáo để giải thích hiện tượng này.

Vào thời điểm đó, người ta cho rằng những người đang nhảy múa trong điên loạn kia đã mắc phải chứng “máu trong cơ thể nóng lên”. Biện pháp chữa trị duy nhất là để mặc cho họ nhảy múa tới khi không thể nhảy được nữa.

Tuy nhiên, một số nhà lịch sử học lại cho rằng đây là một ví dụ của “Sự cuồng loạn đại chúng”. Cuồng loạn đại chúng xảy ra khi một cộng đồng phải trải qua những căng thẳng cực độ. Năm 1518, nạn đói và dịch bệnh hoành hành khắp Alsace. Cuộc sống khốn khổ, khó khăn và cái chết luôn rình rập đã đẩy những người dân tới mức “tức nước vỡ bờ”, kích động bạo lực và trở nên kỳ quái. Sự kích động này nhanh chóng lây lan và bao phủ rộng khắp Alsace.

Nhưng những người có tín ngưỡng tôn giáo lại không cho rằng đó là cách giải thích hợp lý. Được biết, những người mắc bệnh nghe được thứ âm nhạc mà người khác không thể nghe thấy. Vì thế, họ cho rằng hội chứng nhảy điên cuồng này chính là “Hội chứng nhảy St. Vitus”, khi thánh Vitus trừng phạt con người bằng cách làm họ mất kiểm soát và nhảy múa điên loạn. Những người dân ở vùng Alsace khi ấy, vì một lý do nào đó, đã phải hứng chịu sự trừng phạt của vị Thánh này.

Một giả thuyết khác lại cho rằng nguyên nhân phát bệnh nằm ở một loại nấm mọc trên ngũ cốc, và nếu một người tiêu thụ một số lượng vừa đủ, họ sẽ bị ảo giác và có những hành vi bất thường.

Cho đến ngày này, sự kiện năm 1518 vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà lịch sử và các nhà tâm lý học. Tuy nhiên, từ sau đợt “dịch bệnh” nổi tiếng ấy, lịch sử không ghi nhận thêm một đợt “dịch” khác có quy mô lớn như vậy.

Ngày nay, chúng ta còn biết đến một căn bệnh có biểu hiện tương tự gọi là “Hội chứng múa giật Sydenham”, hay “hội chứng múa giật nhiễm khuẩn”. Người bệnh thường bị co giật tay, chân và mặt khi nhảy múa. Nhưng hội chứng này có nguyên nhân khá rõ ràng, thường xuyên xảy ra với những người bị sốt do thấp khớp. 

Hội chứng nhảy “điên cuồng” ở châu Âu năm 1518 bắt đầu một cách bất ngờ và biến mất một cách khó hiểu. Đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xác đáng để giải thích. Tuy nhiên, liệu những người dân nơi đây có bị mắc một chứng bệnh tâm lý hay bị cuốn vào một điều gì huyền bí mà khoa học không thể giải thích được. Con người luôn cho rằng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, họ có thể chinh phục mọi thứ trong vũ trụ; nhưng trên thực tế chính bản thân con người chứa đựng nhiều bí ẩn mà dù khoa học có phát triển đến đâu cũng không thể lý giải được hết.

Theo Littlethings 

Thủy Linh biên dịch

Xem thêm: 

Exit mobile version