Giữa những câu chuyện tàn phá rừng khủng khiếp đang diễn ra hiện nay, hành động của người đàn ông tên Antonio Vicente ở Brazil thật sự khiến nhiều người trầm trồ thán phục.
Năm 1973, Ông Antonio Vicente đã mua một khu đất cằn cỗi không ai muốn, cách Sao Paulo, Brazil khoảng 200 km, và bắt đầu trồng rừng. Vào thời điểm đó, chính quyền đang khuyến khích cho vay để phát triển công nghệ nông nghiệp, nhưng Vicente đã làm điều hoàn toàn ngược lại, thay vì trồng những cây ngắn ngày và sớm thu hoạch, ông quyết định sẽ biến vùng đất hoang trở thành một khu rừng nhiệt đới. Hành động của ông khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, họ chê cười và nói với ông rằng:
“Anh chẳng thể nào đợi đến khi được ăn quả đâu. Phải mất 20 năm thì cây của anh mới bắt đầu cho quả. Anh sẽ ăn bằng gì trong suốt thời gian đó?”
Antonio chỉ mỉm cười và nói:
“Tôi gieo những hạt giống này vì bây giờ tôi đang ăn quả từ cây ai đó trồng, và tôi sẽ trồng cho những người khác.”
Lớn lên trong một gia đình nông dân, Vicente nhận ra rằng việc mở rộng những cánh đồng bằng cách tàn phá diện tích rừng cùng hệ thực vật và động vật bản địa sẽ hủy hoại môi trường. Mất rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước và đe dọa cuộc sống.
Ông chia sẻ với phóng viên BBC Outlook:
“Khi tôi còn nhỏ, những người nông dân đã chặt cây để tạo ra đồng cỏ và làm than. Nước đã cạn kiệt và không bao giờ quay trở lại nữa. Khi đó, tôi đã nghĩ, nước vô cùng trân quý, không ai có thể sản xuất ra được, còn dân số thì ngày càng gia tăng. Cuộc sống sẽ thật đáng sợ nếu không có nước. Tôi thực sự không dám tưởng tượng đến điều đó.”
Khi 14 tuổi, Antonio Vicente đã chuyển lên thành phố để làm thợ rèn. Với số vốn có được từ kinh doanh, ông đã mua 30 héc-ta đất trong vùng núi gần San Francisco Xavier và bắt đầu dự án trồng rừng.
Vicente kể lại:
“Khi bắt đầu mọi thứ thật chẳng dễ dàng gì. Tôi đã phải sống dưới gốc cây vì không thể trả tiền thuê nhà. Tôi tắm ở sông và ngủ dưới gốc cây, lấy lá làm giường, bao quanh là cáo và chuột”.
“Nhưng tôi không bị đói. Tôi ăn sandwich với chuối vào sáng, trưa và tối “. Ông hóm hỉnh tiếp lời với nụ cười mãn nguyện.
Vicente bắt đầu trồng rừng một mình. Đó là một công việc vô cùng vất vả và đòi hỏi sự nhẫn nại. Mỗi ngày, ông thức dậy từ sáng sớm và chỉ nghỉ ngơi khi đã về khuya. Và đúng là Trời không phụ lòng người, ngày nay khu rừng nhiệt đới đã có khoảng 50.000 cây.
Theo Fundación Bosque Atlántico SOS Instituto và Instituto Nacional de Brasil para la Investigación Espacial (INPE), ban đầu, rừng Đại Tây Dương bao phủ 69% bang Sao Paulo. Ngày nay độ bao phủ chỉ còn 14%. Năm 2004, 27.000 ha rừng bị tàn phá. Từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016, người ta đã chặt hạ 8.000 ha rừng, tăng 29% so với năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trước thực trạng trên, câu chuyện của Vicente như một lời tấm gương về một hành động đẹp vì cộng đồng, và cũng là một lời cảnh tỉnh về hậu quả nghiêm trọng của nạn chặt phá rừng bừa bãi.
“Năm 1973 ở đây chả có gì cả, còn bây giờ thì đây là một khu rừng. Ngôi nhà của tôi đẹp hơn những gì anh thấy. Ở góc này, anh không thể chụp nó vì cây che phủ kín rồi, cây lớn rất nhanh“. Vicente tự hào nói về ngôi nhà trong rừng của mình.
Nhiều loài động vật cũng đã quay trở lại, tạo nên một khu rừng đa dạng sinh thái với nhiều muông thú.
“Ở đây có các loại chim, một loài gặm nhấm lớn gọi là apaca, sóc, thằn lằn và cả heo rừng. Chúng tôi có một con báo đốm nhỏ và một con mèo rừng, chúng ăn hết gà của tôi“, ông cười nói.
Điều mà Vincente tâm đắc nhất chính là những dòng nước đã hồi sinh. Khi ông mua khu đất này, chỉ có một nguồn nước duy nhất, nhưng hiện nay đã có khoảng 20 nguồn nước. Ông vô cùng hạnh phúc, cả đời miệt mài làm việc, cuối cùng tâm nguyện lớn nhất của ông đã trở thành hiện thực.
Câu chuyện về Vincente không chỉ lan tỏa tình yêu thiên nhiên trong xã hội đang vì lợi ích kinh tế trước mắt mà lãng quên sự sống của môi trường, đó còn là câu chuyện truyền cảm hứng cho con người về lòng dũng cảm dám theo đuổi đam mê. Mặc cho những người xung quanh chê cười và giễu cợt, Vincente vẫn kiên định với lý tưởng của mình và tạo ra giá trị cho cuộc sống. Hơn 40 năm kiên trì và thầm lặng, ông không chỉ tạo nên một khu rừng đa dạng sinh thái mà còn gieo cả niềm tin cho con người vào những đều tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc đời.
Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi chúng ta dám theo đuổi đam mê để tạo ra giá trị cho cộng đồng với một tâm thái vô tư thay vì tính toán chuyện được mất, hơn thua cá nhân. Vậy còn điều gì đang ngăn cản bạn sống một cuộc đời ý nghĩa ngay từ bây giờ?
Nguồn: BBC, Youtube
Xuân Hà
Xem thêm: