Nhật Bản là một quốc gia đặc biệt trong mọi khía cạnh. Bất cứ ai có dịp đến thăm nơi đây đều có thể kiểm chứng nhận định này. Câu chuyện dưới đây sẽ khiến bạn khâm phục đức tính chịu khó tìm tòi sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh hiệu quả của con người đất nước mặt trời mọc này.

Ngày nay người ta nói nhiều về tương lai của ngành nông nghiệp và làm cách nào để robot hóa các việc trong trang trại. Nhưng, cách đây 40 năm, các chủ đề được đưa ra bàn luận lại hoàn toàn khác. Ví như, người ta thảo luận nhiều về cách vận chuyển dưa hấu dễ dàng và với số lượng nhiều hơn; làm thế nào có thể bảo quản chúng trong các tủ lạnh nhỏ. Và một người làm nông nghiệp có tên Tomoyoki Ono đã nảy ra ý tưởng mới: sản xuất các quả dưa hấu vuông. 


Dưa hấu, một quả dưa như thế này có giá 300 euro (khoảng 7,5 triệu đồng) và đây không phải là điều kỳ quặc. 

Bí quyết để dưa có hình vuông là đặt quả trong một hộp hình vuông làm bằng thủy tinh và kim loại. Cần phải đợi 3 đến 4 ngày để dưa được định hình. 

Đó là một ý tưởng rất hữu ích, có lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhưng trên hết là cho người bán, vì giá thành của dưa hấu vuông cao gấp 2 lần so với dưa thường. 

Rất nhanh chóng, những quả dưa hấu vuông đã trở thành mặt hàng xa xỉ, còn giá thành hiện tại của sản phẩm này thì cao vút: lên đến 300 euro một quả. Ở Nhật Bản có rất nhiều công ty bán loại trái cây này, trong đó có Sembikiya, một doanh nghiệp lâu đời được thành lập từ năm 1834. 

Khởi đầu, Sembikiya chỉ là một nhà trồng rau bình thường, đến thế hệ thứ hai thì họ quyết định thay đổi mô hình kinh doanh của mình để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Họ chuyển sang bán trái cây, và họ đã thành công. 

Bước chân vào cửa hàng, bạn tưởng mình đang ở trong một cửa hàng bán đồ trang sức, nhưng không phải vậy. Đây cũng không phải là một cửa hàng bình thường bán trái cây, mà là một cửa hàng bán quà tặng. 

Doanh nghiệp Nhật Bản này bán các loại trái cây với giá cao, và không phải tất cả được mua để ăn. Người ta ước tính hơn 80% các loại trái cây bán ở đây được dùng làm quà tặng, nhất là trong các đám cưới, thăm bệnh nhân nằm viện hoặc trong những dịp đặc biệt khác. 

Tặng trái cây là một biểu tượng quan trọng thể hiện sự tôn trọng tại Nhật Bản

Trong văn hóa châu Á, trái cây mang một ý nghĩa khác hơn so với  với văn hóa phương Tây. Chúng không đơn thuần chỉ dùng để ăn, mà chúng liên quan đến phong tục xã hội và văn hóa. Tặng trái cây thể hiện sự tôn trọng. Do vậy, giá của các loại trái cây dùng làm quà tặng đã tăng lên đáng kể. Ở Nhật Bản người ta tổ chức đấu giá để mua tất cả các loại trái cây: nho, táo, cam… 

Một số đơn hàng mua vượt quá mười ngàn euro. Tuy vậy, dưa hấu không phải là những sản phẩm đắt giá nhất. Dưa vàng Yubari King, đặc sản ở Hokkaido rất xinh xắn, có thể để gọn trong lòng bàn tay có giá thành đắt hơn. Năm ngoái, hai quả dưa loại này đã được bán với giá ba triệu yên (hơn 27.000 euro), đắt hơn dưa hấu vuông hơn một trăm lần. 

Theo Epochtimes France

Xuân Hà biên dịch

Xem thêm: