Quán cơm từ thiện Liên Sơn được mở ra bởi một nhà hảo tâm giấu tên là nơi tụ họp của những người lao động ở xóm trọ nghèo này. Từ khi mở quán, bữa cơm của những người xa xứ trở nên ấm áp lạ lùng, họ cùng nhau ăn cơm, trò chuyện vui vẻ thoải mái như một đại gia đình…
Nhưng một tháng gần đây mọi người ít nói chuyện với nhau hơn, cũng không cười đùa nhiều như trước nữa, bởi trong quán bỗng dưng xuất hiện một vị khách lạ mặt – một ông lão khoảng ngoài 60.
Cả quán ăn này mọi người đều quen nhau cả, bởi đều là người nhà quê lên thành phố bươn chải kiếm tiền nên nói chuyện hợp nhau lắm, còn cái người mới đến kia thì chẳng giống ai, mà trông ông ta cũng không giống như người nghèo, nhìn phong thái có vẻ là một người trí thức, giàu có. Nhưng mà ông ta đến đây làm gì chứ? Ông ta đâu thiếu tiền đến nỗi phải đi ăn cơm từ thiện?
Nếu ông ta cứ lặng lẽ đến ăn rồi về thì dù không thích nhưng mọi người cũng không đến mức khó chịu như vậy, nhưng đằng này, ông lão gặp ai cũng bắt chuyện hỏi han, cười cười nói nói như thể là thân quen lắm. Lúc đầu mọi người còn miễn cưỡng nói chuyện với ông, về sau thì chẳng còn ai nữa, ông lại bắt chuyện với bọn trẻ con. Ông luôn tỏ ra rất vui vẻ và hào hứng, nhiều hôm ngồi đến tận 3, 4 giờ chiều mới chịu về. Rồi chẳng được bao lâu, bọn trẻ con cũng nghe lời cha mẹ không đến ngồi gần ông nữa. Ấy vậy mà mỗi ngày đều đặn ông đều đến quán ăn lúc 12 giờ, lẳng lặng ngồi ăn một mình rồi nhìn ngắm mọi người nói chuyện rôm rả.
Một hôm, có một cậu thanh niên cao lớn, ăn mặc sang trọng vội vã đi vào quán rồi vội kéo ông ra chiếc xe hơi sang trọng. Mọi người cũng đều biết nhà ông giàu có nhưng vẫn thấy bất ngờ, một người phụ nữ bất bình lên tiếng:
“Con cái giàu có không biết chăm lo cho cha mẹ, lại khiến cha mẹ phải đi giành cơm từ thiện của người nghèo! Không biết là trong đầu nghĩ cái gì nữa?”
Con trai mở cửa, giậm chân bực bội đi vào nhà, ông buồn bã đi theo sau.
“Ba ơi, tiền con đưa có thiếu không mà ba phải đi giành cơm từ thiện với người nghèo. Ba làm cho người ta đánh giá nhà mình như vậy có xấu hổ không chứ? Từ giờ trở đi ba đừng ra đó nữa, mất mặt lắm”.
Nói rồi cậu con trai bực dọc đi thẳng lên lầu hai, ông cũng không nói gì cả, lặng lẽ vào phòng, đem tấm ảnh của người vợ quá cố ra ngắm, mắt ngân ngấn lệ.
Mấy tháng sau đó con trai cũng không chịu nói chuyện với ông. Dù ông đã rất muốn bắt chuyện với con nhưng nhìn vẻ mặt lạnh lùng đó ông lại không biết phải mở lời như thế nào. Ông cũng không còn đến quán cươm Liên Sơn nữa, chỉ lẩn quẩn ở nhà. Một năm dài trôi qua, con trai càng ngày càng bận rộn, đi công tác suốt, có khi cả mấy tháng trời hai cha con mới gặp mặt . Nhưng con chỉ về lấy đồ rồi lại đi, hiếm lắm mới có hôm ngủ ở nhà, bàn ăn chuẩn bị thịnh soạn cuối cùng vẫn chỉ mình ông ăn.
Một chiều mưa, cậu con trai trở về nhà sau 6 tháng công tác nước ngoài. Anh định vào lấy vài thứ đồ rồi lại đi ngay, không quên để lại tiền trên chiếc tủ trong phòng khách. Anh mở tủ thì vẫn thấy số tiền cũ mấy tháng trước vẫn còn y nguyên, không thiếu một đồng. Thấy lạ, anh bèn vào phòng tìm cha. Nhưng khi mở cửa ra anh hốt hoảng khi thấy ông đang nằm im lìm trên giường. Anh sợ hãi lay cha một hồi lâu ông mới mệt mỏi tỉnh giấc. Anh vội đưa cha vào bệnh viện ngay sau đó. Trên đường vào viện, chỉ thấy anh nức nở đọc tờ giấy ông đưa trước lúc hôn mê.
“Con trai của ba,
Khi con đọc được những dòng này thì chắc là đã về nhà rồi. Ba đã đợi con về rất lâu, mà đợi mãi không được. Từ sau đi đâu cũng nhớ báo một tiếng cho ông già này nhé. Nhưng mà cũng không biết có còn cơ hội đó nữa không, ba sợ là mình không ở lại đây với con lâu được nữa.
Ngày bé, con sinh không đủ tháng, yếu ớt và bệnh tật. Vì vậy mà con rất kén ăn, mỗi lần ăn ba đều phải ngồi cạnh bên ăn cùng con mới chịu. Rồi con lớn lên, chưa có buổi cơm nào con thiếu vắng ba. Ba luôn muốn ăn cơm cùng con như thế, để thấy con vui vẻ hào hứng kể ba nghe những chuyện xảy ra ở trường. Hồi đó con hoạt bát và nói nhiều lắm, chứ không ít nói như bây giờ đâu. Kể từ ngày mẹ con mất, con đã thay đổi nhiều lắm…
Nhiều khi ba rất muốn nói chuyện với con nhưng mà thấy con bận quá nên lại thôi. Từ lúc nào, ba nhớ quá hình ảnh con ăn cơm, nhớ cả những chuyện trò của cha con mình. Đã từ rất lâu rồi, con không về nhà ăn được một bữa cơm tử tế, chỉ vội vàng ăn qua loa đồ ăn nhanh rồi làm việc tiếp, hoặc là đi dự tiệc với đối tác. Nhìn con như vậy, ba đau lòng lắm, nhưng ba biết, công việc của con rất bận…
Con biết không, số tiền con đưa cho ba nhiều lắm, ba chẳng xài hết được. Ba cũng biết con thương ba, chỉ muốn ba ở nhà không cần làm gì cả; nhưng đây tâm nguyện của ba và mẹ con lúc bà ấy còn sống: Chúng ta đã dự định mở một quán cơm từ thiện khi về già. Nhưng mà mẹ con đi sớm quá… Ba đã mở một quán ăn là Liên Sơn, là tên của con và mẹ. Ba xin lỗi vì đã giấu con. Thực ra, ba đã định nói với con nhiều lần nhưng mà thấy con không có thời gian nên ba cũng không muốn làm phiền, sợ con lại phân tâm…
Ba thật xin lỗi vì điều này lại khiến mọi người xem thường con. Nhưng ba có thể nhờ con một việc được không? Sau khi ba mất, hãy giúp ba duy trì quán Liên Sơn này. Có nhiều người khổ sở lắm con à, bao đứa trẻ đến cơm cũng không có mà ăn…
Cuối cùng, con trai à, ba muốn nói là con đã luôn là niềm tự hào suốt cuộc đời ba mẹ. Ba mẹ không cần con phải giàu có thành đạt, chỉ mong con sống thật tốt và hạnh phúc. Ba thực sự mong mỗi ngày con đều được ăn thật ngon, phải như vậy mới có sức mà làm việc được con ạ. Đừng đau ốm, ba mẹ sẽ lo lắm!
Nhiêu đây thôi con à, ba mệt rồi, nghỉ đây…
Thương con, ba lúc nào cũng đợi con về”
Cha mẹ nói gì con cái cũng đều nên nghe lời, chỉ duy nhất nói “đợi con về” thì đừng bao giờ tin. Thời gian vốn đâu có khoan nhượng bất cứ ai, nhỡ đâu, khi chúng ta trở về đã không nhìn thấy họ nữa. Đừng để đến lúc như thế mới hối hận, nào có kịp nữa…
Thiện Nam