Câu chuyện kể ra có thể mọi người sẽ không tin, nhưng bố vợ tôi, gọi khó nghe một chút thì chính xác là một người “ăn mày”. Trong một tai nạn bất ngờ, ông mất đi khả năng lao động và trở thành người tàn tật. Lúc đó mẹ vợ tôi cũng bỏ đi để lại cho ông cô con gái mà cũng chính là vợ tôi bây giờ.
Bố tôi có môt công ty riêng nên gia đình tôi thuộc diện giàu có, từ nhỏ tôi đã có một cuộc sống sung túc đủ đầy.
Hôm đó, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà tôi xin đồ ăn. Bố tôi vốn thoáng tính, lại thấy bên ngoài trời lạnh nên để người ăn xin vào nhà nghỉ ngơi một lát. Tính bố thương người, ông luôn nghĩ là người thì ai cũng có lúc gặp khó khăn, ra tay giúp đỡ người ta vượt qua giai đoạn khó khăn này, biết đâu có thể trở thành bạn bè. Nhưng ông cũng rất có mắt nhìn người, chỉ cần một lần gặp ấy, ông và người ăn xin (bố vợ tôi) đã cho nhau địa chỉ liên lạc.
Lúc đầu tôi còn trêu đùa bố tôi sao người nào bố cũng đưa hết về nhà được vậy? Thậm chí tôi còn nghĩ rằng một người ăn mày như vậy không biết chừng còn có cả điện thoại nữa. Đúng là bố vợ tôi có điện thoại, bố tôi thường xuyên liên lạc hẹn ông ấy đi uống trà, tôi cũng thường chạm mặt ông, nhưng tuyệt nhiên không muốn có bất cứ quan hệ qua lại gì với người như ông cả.
Bố tôi nghe nói người ăn xin có một cô con gái đang học đại học liền hỏi làm vợ cho tôi mà không hề thông qua tôi một tiếng. Tôi tuy chỉ tốt nghiệp đại học chính quy, nhưng với gia thế hiện tại, đâu đến nỗi phải lấy con gái một kẻ ăn xin? Không hiểu sao bố tôi ăn phải bùa mê thuốc lú gì, kiên quyết bắt tôi cưới bằng được, ông còn uy hiếp: nếu tôi không cưới cô gái đó sẽ cắt nguồn kinh tế của tôi. Cuối cùng tôi chỉ còn cách miễn cưỡng gật đầu chấp thuận.
Vì bị ép cưới một người không yêu, hơn nữa lại là con gái một kẻ ăn xin, tôi luôn cảm thấy cuộc sống sau này toàn một màu đen, không chút hạnh phúc. Nhưng ngoài sự tưởng tượng của tôi, vợ tôi là một người rất khéo léo. Cô ấy không chỉ nấu ăn giỏi mà còn rất nhanh nhẹn, chịu khó.
Mọi việc trong nhà một tay cô ấy lo, bên cạnh đó cô ấy cũng có một công việc khá tốt. Tôi cũng có công việc của riêng mình, nhưng tôi có thói quen ném tiền qua cửa sổ của một công tử nhà giàu từ nhỏ, hơn nữa phần lớn số tiền tôi tiêu đều do bố tôi chu cấp nên tôi càng được thể tiêu pha hoang phí.
Khi tôi lấy vợ được 3 năm thì công ty của bố tôi thua lỗ, phá sản. Chỗ dựa kinh tế lớn nhất của tôi sụp đổ, tôi đã vì chuyện này mà phiền não mấy ngày liền. Vợ tôi biết chuyện, cô ấy đã đưa cho tôi một cuốn sổ tiết kiệm. Tôi tuy có chút ngạc nhiên, nhưng trong lòng lại nghĩ, chút tiền cỏn con của cô ấy sao có thể cứu công ty của bố khỏi các khoản nợ lớn? Dường như đọc được suy nghĩ đó của tôi, cô ấy bảo tôi hãy mở cuốn sổ ra xem trước rồi hãy kết luận.
Nghe lời vợ mở sổ ra xem, nhưng khi đó tôi cũng chẳng ôm mấy tia hi vọng. Nhìn những con số trong cuốn sổ thực sự khiến tôi giật mình, khoảng hơn 2 tỉ VNĐ. Tôi còn tưởng mình bị hoa mắt, ngỡ ngàng hỏi vợ: “Em lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?” Cô ấy nói đó là số tiền bố cô ấy đưa cho, và cô ấy kể cho tôi câu chuyện về gia đình mình…
Vợ tôi vốn dĩ cũng có một mái nhà hạnh phúc, nhưng từ khi bố vợ xảy ra chuyện, mẹ bỏ đi, cuộc sống gia đình mới rơi vào chuỗi ngày bế tắc, nghèo khổ. Nhưng 6 tháng sau, bố vợ nhận được khoản tiền bồi thường là 2 tỉ 6 VNĐ.
Suốt bao nhiêu năm, bố vợ tôi chỉ dùng rất ít, ngoài ra, ông tự dựa vào sức mình kiếm tiền nuôi con. Ông bắt đầu đi ăn xin, thậm chí có thời gian dài đi biểu diễn bên ngoài. Thời tiết đẹp thì ông đi buôn rau, ông bán giá rẻ, lại thấy ông đáng thương nên rất nhiều người mua ủng hộ…
Ông thường xuyên ăn xin bên ngoài, nên cũng bị không ít người coi thường, xỉ nhục, nhưng ông vẫn kiên trì đến cùng, nuôi con gái ăn học thành tài. Khi vợ tôi còn học đại học, các bạn học đều biết cô có người cha làm ăn xin, nên cũng bị bạn bè dè bỉu, xa lánh. Cô không hề biết cha mình có số tiền lớn như vậy, chỉ nghĩ rằng cha vất vả kiếm từng đồng tiền không hề dễ dàng gì, nên cô bỏ ngoài tai những lời gièm pha từ chúng bạn để học thật tốt. Mỗi khi con gái vắng nhà, bố vợ tôi lại ra ngoài “kiếm cơm”, ông đi các nhà, chúc phúc chúc tài lộc cho từng nhà. Mọi người thấy có người chúc phúc thì ai cũng vui vẻ, còn thưởng cho người ăn xin chút tiền lẻ hoặc ít đồ ăn.
Sau khi con gái tốt nghiệp và có việc làm, ông ở nhà một mình cô đơn, buồn bã. Lúc này việc ăn xin chỉ còn là thú vui giúp ông giết thời gian. Ông vui khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt người khác, ông vui khi được chúc phúc cho mọi người. Về phần vợ tôi, cô ấy trước giờ chưa từng làm cha lo lắng, bố vợ và cô ấy luôn tin tưởng ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Dần dần, bố vợ đã đem hết số tiền tích cóp được đi mở sổ tiết kiệm. Khi tôi và vợ kết hôn, ông đã đưa cho vợ tôi cuốn sổ tiết kiệm đó để con gái có tiền trang trải cuộc sống và phòng thân lúc ốm đau hay có chuyện, nhưng cô ấy cuối cùng lại giao sổ tiết kiệm cho tôi…
Cô ấy nói đã từng hỏi bố vợ sao không dùng số tiền đó? Bố vợ tôi chỉ nói: “Nếu bố chết rồi, chỉ còn lại mình con trên thế gian này sẽ rất cô đơn. Có thể cho con số tiền này, bố mong con sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nếu trước đây con biết bố có nhiều tiền như vậy, liệu con có cố gắng học hành hay không?” Vợ tôi vừa kể vừa khóc.
Nghe xong câu chuyện của cô ấy, tôi như bừng tỉnh. Cuộc sống tuy có muôn vàn điều không như mong muốn, nhưng chỉ cần bản thân không ngừng cố gắng phấn đấu thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Những định kiến của tôi về vợ và bố vợ cũng không còn, thay vào đó là sự kính trọng và yêu thương. Giờ đây, họ chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng trong cuộc sống này.
Quỳnh Chi
Xem thêm: