Đại Kỷ Nguyên

Bỏ việc làm thuê để khởi nghiệp thành ông chủ? Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ 5 điều này

Người ta thường nghe thấy các câu chuyện khởi nghiệp thành công đầy rẫy trên các mặt báo và phương tiện truyền thông với nhiều điều thật thú vị, mới mẻ. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang đó là những nỗi đau, những tổn thất mà báo chí chưa một lần nhắc đến.

Hòa chung với xu hướng start-up đang “nở rộ” trong xã hội, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ cho rằng mình hoàn toàn có thể lập nghiệp và thành công, trở thành một doanh nhân thành đạt mà nhiều người ngưỡng mộ, chỉ cần đam mê và quyết tâm là đủ.

Với suy nghĩ đơn giản như vậy, họ mang theo hàng tá các ý tưởng và bắt đầu bước vào “cuộc đua”. Họ hào hứng kêu gọi đầu tư và tìm kiếm cộng sự. Họ bỏ qua lời khuyên của những người khác và tự hào rằng mình đang theo đuổi ước mơ, đang làm việc chăm chỉ với mục tiêu của riêng mình. Thậm chí, họ kiêu ngạo tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi có một giấc mơ. Tôi sẽ theo đuổi đến cùng”.

Người ta thường nghe thấy các câu chuyện khởi nghiệp thành công đầy rẫy trên các mặt báo và phương tiện truyền thông với nhiều điều thật thú vị, mới mẻ.

Bạn biết chăng, start-up thực sự là một đường hầm tối và không ít người đã mãi mãi lạc trong đó. Bạn không thể nào nuôi sống bản thân và công ty của mình nếu chỉ dựa vào ý tưởng và đam mê. Cuộc sống là một cuộc đua thực và nó không dành cho những cái đầu giản đơn và những quyết định thiếu lý trí.

Start-up không dành cho những ai muốn làm giàu nhanh chóng

Đây là điều chắc chắn. Có thể bạn thấy khá nhiều người bỗng chốc trở thành triệu phú. Thế nhưng, hãy thẳng thắn nhìn nhận, cơ may đó thực sự không nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm hoi. Bạn biết đấy, start-up luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn hoặc thất bại ở giai đoạn ban đầu; và nếu có thành công, họ cũng không thể sinh lời ở mức khủng khiếp như Facebook hay Google.

Start-up không dành cho những ai muốn làm giàu nhanh chóng

Hơn nữa, hầu hết các start-up phải mất nhiều năm để bù đắp bằng cổ phần cho đội ngũ nhân viên ban đầu. Tất nhiên, chẳng gì có thể đảm bảo số cổ phần bạn nhận được sẽ đáng giá bao nhiêu về sau, và cũng có thể là chẳng có chút giá trị nào nếu ý tưởng của bạn không thành công.

Start-up không phải để bạn thoát khỏi những công việc buồn tẻ

Các start-up thường không có đội ngũ nhân sự hùng hậu nên khối lượng công việc lớn dường như là điều không thể tránh khỏi. Chuyện đi sớm về khuya, bận túi bụi với list công việc ngay cả khi đang đi trên đường, liên tục bị quấy nhiễu bởi email từ khách hàng hay chat với đồng nghiệp cả khi đêm hôm v.v. có lẽ không hề xa lạ gì với dân khởi nghiệp.

Liệu bản thân bạn có sẵn lòng làm việc cường độ cao và thực sự nhiệt huyết không?

Hãy tự hỏi liệu bản thân bạn có sẵn lòng làm việc cường độ cao và thực sự nhiệt huyết hay không. Hay chỉ là bạn cảm thấy công việc hiện tại nhàm chán và muốn khởi nghiệp để đi tìm “cảm giác mới”. Thực tế là, mỗi khi cảm thấy bế tắc với một công việc buồn tẻ nào đó, bạn sẽ dễ thấy môi trường start-up đầy thử thách thật cuốn hút. Tuy nhiên, sự thực thì start-up đồng nghĩa với khổ nhiều hơn là vui.

Đừng cho rằng start-up sẽ giúp bạn trở thành một phần của “xu hướng hot”

Tại các thành phố lớn, những câu chuyện về các CEO nổi tiếng khởi nghiệp trong một tầng hầm đi thuê sau đó vượt qua khó khăn và thành công thường xuyên xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông và trở thành tâm điểm của xã hội.

Kinh doanh là một môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt còn phần thưởng thì quá ít cho những “người chơi”.

Những viễn cảnh rằng, sau giai đoạn ban đầu đầy khó khăn, start-up, IPO và các “nhà sáng lập vô danh” bỗng chốc trở thành ông hoàng, bà chúa, tận hưởng cuộc sống của những người giàu có đã tác động mạnh mẽ đến nhiều người, dẫn dắt họ đi theo con đường kinh doanh, với hy vọng một ngày không xa cũng sẽ nổi danh như những người thành đạt.

Thế nhưng, có một sự thật là, đằng sau mọi start-up thành công đều là những năm tháng vất vả cật lực trong thầm lặng mà báo chí ít khi nhắc tới. Đã có rất nhiều người bỏ cuộc giữa chừng, hoặc có những người ngoan cố “đâm vào ngõ cụt” và phải trả giá đắt. Bạn có biết, để bạn được nghe những câu chuyện thành công đó, đã có vô số người phá sản và ngập ngụa trong nợ nần. Kinh doanh là một môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt còn phần thưởng thì quá ít cho những “người chơi”.

Bạn sẽ không thể start-up nếu không có “đầu lạnh, tâm tĩnh”

Với việc luôn ở trong tình cảnh không biết liệu công ty có tồn tại nổi mấy tháng nữa hay không, chắc chắn bạn cần phải giữ tâm lý cực kỳ vững vàng. Ngay cả khi bạn là một người thông minh và được đánh giá cao thì thất bại vẫn có thể tìm đến bạn bất cứ lúc nào. Chỉ cần một quyết định sai lầm nhỏ, rất có thể mọi tâm huyết của bạn sẽ “không cánh mà bay” trong thoáng chốc.

Bạn sẽ không thể start-up nếu không có “đầu lạnh, tâm tĩnh”

Nếu bạn không phải mẫu người “đầu lạnh, tâm tĩnh”, chắc chắn bạn sẽ sớm kiệt sức vì những áp lực khủng khiếp của công việc này. Có một câu nói rằng “Thứ ổn định nhất trong công ty start-up chính là sự thay đổi”.

Đừng khởi nghiệp nếu bạn muốn một tước vị “sang chảnh”

Làm start-up đồng nghĩa với việc phải rũ bỏ ham muốn nhất thời và tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Rất ít người trong số chúng ta sẽ trở thành Zuckerberg tiếp theo, và start-up cũng không phải con đường tắt tiến đến top “30 Under 30”.

Làm start-up đồng nghĩa với việc phải rũ bỏ ham muốn nhất thời và tập trung vào các mục tiêu dài hạn – Ông Bùi Trần Phi Long, CEO Nâu Digital Creative

Thành công trên con đường start-up sẽ đến từ việc hiểu rõ mình đang làm gì, nâng cao kỹ năng bản thân cũng như nỗ lực tạo ra giá trị cho sản phẩm của mình chứ không phải từ sự công nhận của mọi người xung quanh hay việc bạn sẽ ghi gì trên tấm card visit của mình.

Hiểu Minh

Xem thêm:

Exit mobile version