Đại Kỷ Nguyên

Gần mù mắt mẹ già vẫn lặn lội lên thành phố nấu cơm cho con, tình mẫu tử xúc động lòng người

Vào một buổi tối mưa gió, tại một căn hộ chung cư cao cấp bỗng dưng có tiếng gõ cửa. Một người phụ nữ sang trọng ra mở cửa và thấy anh cảnh sát dẫn một bà cụ lấm lem, tả tơi đến nhà.

Nữ chủ nhân của ngôi nhà suýt nữa đã không thể nhận ra người mẹ của mình: người bà lão ướt sũng, đôi chân trần chai sạn, khuôn mặt gầy gò nhăn nheo, xách theo một túi to đồ ăn và cả một rổ rau củ bị mưa gió làm dập nát.

Bà cụ tươi cười: “Con gái à!”

Cô ngạc nhiên hỏi: “Mẹ, sao mẹ lại đến đây?”

Bà ân cần đáp: “Mẹ tới để thăm con.”

Cô con gái vội đón mẹ vào nhà nhưng đứa con gái của cô, thấy bà ngoại trong bộ dạng như vậy thì tỏ ra rất sợ hãi.

Nhưng bà không để tâm lâu mà lao ngay vào bếp, lúi cúi lấy con gà và bó rau đã dập từ trong bao tải ra rồi vội vàng nấu nướng. Chứng kiến từng cử chỉ chậm rãi, luống cuống nhặt những cọng rau, thái từng miếng thịt của một người đã đến tuổi gần đất xa trời, cô con gái không khỏi xót xa. Cô không muốn mẹ già vất vả nhưng nói thế nào bà cũng không chịu nên đành để cụ làm tiếp.

Khi nấu ăn xong, bà tất bật mang lên cho con cháu. Nụ cười luôn nở trên môi như thể vừa hoàn thành một chiến tích gì đó thật vĩ đại. Thế nhưng, khi bà vừa đặt đồ ăn trên bàn, đứa cháu gái lấy đũa khều khều thịt gà rồi nhăn nhó nói với mẹ:

Mẹ ơi, gà còn máu này, ghê quá!”

Thôi con ráng ăn đi, bới cơm mà ăn, ăn canh cá này” – Người mẹ cười trừ.

Khụ khụ, nhưng cơm cứng quá mẹ ạ, canh cá thì lại rất mặn” – Cô bé tiếp tục phàn nàn.

Thế rồi, con bé bị sặc vì cơm quá cứng, cô vội vàng chạy tới vỗ lưng cho con ho cơm ra. Người bà đang hớt hải bưng món tiếp theo từ trong bếp ra, chợt đứng sựng lại khi nhìn thấy cảnh đó. Mắt bà đỏ hoe… Một cảm giác tội lỗi, xót xa dâng lên trong lòng bà. Có lẽ bà đã quá già để có thể chăm sóc cho con cháu. Bà đưa mắt nhìn con, cô gái cũng nhìn mẹ, hai mẹ con nhìn nhau, lặng lẽ không nói lời nào…

Ngày hôm sau, bà quyết định quay trở về quê. Cô con gái thấy vậy rất muốn giữ mẹ ở lại nhưng biết ý mẹ đã quyết nên không thể làm gì khác hơn. Chào từ biệt mẹ mà lòng cô không cảm thấy dễ chịu. Cái vẻ gầy gò, liêu xiêu của bà khiến cô bị ám ảnh…

Khi người mẹ đã rời khỏi, cô càng cảm thấy tâm trạng bất an khó tả… Có lẽ, có một điều gì đó không đúng… Vậy nên, nửa tháng sau, khi đã sắp xếp xong việc, cô trở về quê thăm mẹ.

“Mẹ ơi”.

Cô bước vào, căn phòng tối om, chỉ một mình mẹ đang ngồi đó, ăn một chiếc bánh bao; mắt cô nhòe đi. Đã bao lâu rồi cô không về thăm mẹ, bao lâu rồi không nhớ đến mẹ già một mình ở quê. Cuộc sống bon chen nơi thành phố, những tất bật chuyện gia đình, cả những niềm vui chốn phồn hoa đô thị, cô đã quên mất vùng quê thanh bình nơi cô sinh ra, quên người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi cô khôn lớn, để bà côi cút, lặng lẽ một mình trong căn nhà vắng lặng…

Nghe thấy tiếng con gọi, bà vội đứng dậy ra đón con.

Cô con gái như chết trân khi thấy bà vội vàng đi ra và bị va vào bàn làm đổ hết chén đũa, phải quờ quạng men theo hướng cửa. Mẹ cô dường như không còn nhìn thấy được, đôi mắt đục vô hồn nhìn mọi thứ xung quanh…

“Mẹ…..”, cô vội chạy tới đỡ bà.

Mãi tới bây giờ cô mới biết: mẹ cô, mắt trái bị đục tinh thể đã lâu, giờ hầu như không còn thấy được nữa, mắt phải của bà cũng bị viễn thị… Nhưng vì sợ con cái không đủ tiền lo cho mình nên bà vẫn giữ im lặng.

Bệnh tật là thế, nhưng khi nhận điện thoại của con gái, biết tin con bị bệnh và dù cô đã nói không sao, mẹ không cần bận lòng, bà vẫn quyết định rời quê lên thành phố để thăm con.

Bà nhớ khi con còn nhỏ, mỗi lần bệnh, cô chỉ cần được uống món canh gà của bà thì sẽ mau chóng khỏe lại. Con gái bà, lớn lên với những món ăn bà nấu, nó đã quen như thế rồi, quen với hương vị yêu thương của tình mẫu tử. Đồ ăn trên thành phố nhiều chất độc hại nên nó mới đổ bệnh như vậy cũng nên.

Vậy là, bà hái những bó rau còn tươi mơn mởn trong vườn, bắt con gà mái đã nuôi lâu nay để dành cho con lúc nó về quê, bỏ vào giỏ và xách đi. Lần này, bà chỉ muốn được nấu một bữa cơm ngon cho con gái, như khi nó còn bé.

Lần đầu tiên trong đời bà lặn lội một mình lên thành phố để tìm con. Bà có thể không nhìn thấy đường nhưng bà biết địa chỉ nhà. Từ quê lên thành phố, phải trèo qua hai ngọn đồi, băng qua một con suối và đi bộ 28km đường núi. Bà đã chuyển xe 3 lần, qua 4 tỉnh và mất hết 36 giờ đồng hồ ngồi ô tô. Bà không biết gì về thành phố ngoài tên của con gái, và cứ thế đi lang thang, hỏi thăm nhiều người.

Có những lúc bà tưởng chừng như chân không thể bước được nữa, cổ họng nghẹn đắng khó thở vô cùng, có lẽ chuyến đi xa đã khiến bà mất nhiều sức lực quá. Ở một nơi xa lạ, ai ai cũng tất bật hối hả, không người nào chú ý đến một cụ già đang tìm cách qua đường, lầm lũi dò từng số nhà. Bà cụ vẫn kiên trì lê từng bước chân chậm chạp, bà rất nhớ con gái, đã lâu rồi bà không gặp nó. Cho đến khi đêm xuống, trời đổ mưa tầm tã, tình cờ gặp được một người cảnh sát và anh đã đưa đến nhà con gái bà… Bà đã gặp được con gái một cách khổ cực nhưng hạnh phúc như thế…

Và giờ đây khi chứng kiến bà với chút sức tàn vẫn cố bước về phía con gái, chẳng ai có thể cầm lòng mà không rơi nước mắt. Có lẽ, cô gái đến lúc này mới thấu hiểu sâu sắc tấm lòng của mẹ cô, và những gì cô nên làm trong suốt quãng đời còn lại…

Mỗi người mẹ đều giống như người mẹ trong câu chuyện này, đối xử hà khắc với bản thân mình nhưng với con cái thì họ có thể hy sinh tất cả. Mẹ có thể ăn ít đi, thức khuya hơn, làm nhiều việc hơn để dành cho con được nhiều thứ hơn, để con được sống đầy đủ hơn. Có thể những món ăn của mẹ nấu không ngon, nhưng tình mẫu tử mới là thứ gia vị tuyệt vời nhất trên thế giới này….

Cuộc sống này, có nhiều cám dỗ cuốn con người ta đi: những khó khăn với cuộc sống mưu sinh khiến ta mệt nhoài, những cuộc vui phù phiếm khiến ta chìm đắm; cho dù bạn là ai, một người thành công với biết bao người ngưỡng mộ, hay chỉ là một người lao động bình thường phải chạy từng bữa cơm, thì với mẹ, bạn vẫn là đứa con bé bỏng cần được chở che, vẫn cần bát canh gà chính tay mẹ nấu mỗi khi bị ốm. Chỉ trong vòng tay của mẹ là nơi bình an nhất. Vậy nên, hãy tạm dừng công việc bạn đang làm lại, gác trò chơi điện tử sang một bên, nhấc điện thoại lên và gọi cho mẹ, nghe giọng nói ân cần của mẹ, chỉ cần như vậy thôi, mẹ bạn cũng hạnh phúc biết nhường nào.

Hãy biết trân trọng những món ăn của mẹ, những điều mẹ làm, dù có thể nó không phải là thứ hoàn hảo nhất, dù cho nó đã không còn nổi bật trong cuộc sống hiện đại, nhưng nó đến từ một tình yêu thương hoàn hảo nhất trên đời, và bạn đã được lớn cùng lên với điều hoàn hảo ấy.

Tham khảo Tinhhoa.net

Ngọc Linh

Xem thêm: 

Exit mobile version