Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những mảng tối. Thế nhưng, chỉ cần một tấm lòng chân thành, một sự quan tâm nho nhỏ cũng đủ đem lại ánh sáng hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh…
Một ngày nọ, khi đang dùng bữa ở một nhà hàng, anh Mohd Syafiq ở Kota Kinabalu (Malaysia) bất ngờ nghe thấy một tiếng gọi rụt rè từ phía sau. “Anh ơi, anh ơi”. Anh quay lưng lại thì nhìn thấy hai cậu bé với gương mặt gầy rộc và mệt mỏi.
“Có chuyện gì thế mấy đứa?”, Syafiq ngạc nhiên hỏi.
“Anh có tiền không anh? Bọn em đói quá…”. Một cậu bé khẽ đáp lại.
Nhìn ánh mắt van lơn cầu cứu của hai đứa trẻ tội nghiệp, Syafiq liền bảo chúng ngồi xuống ăn cơm cùng. Anh gọi cho mỗi em một suất cơm gà và nước uống. Nhìn ánh mắt thèm thuồng rơm rớm nước mắt của các em khi thấy người phục vụ bê đồ ăn ra, Syafiq hiểu rằng, có lẽ đã từ rất lâu rồi chúng chưa được ăn bữa nào đầy đủ như vậy.
Trong lúc ăn, Syafiq có dịp trò chuyện và biết được câu chuyện vô cùng đáng thương về hai đứa trẻ. Chúng thậm chí không biết tên thật và tuổi của mình, mà thường gọi nhau là Melvin và Tutu. Mỗi ngày trôi qua, Melvin và Tutu đều đi lang thang khắp các con phố, bới hết các thùng rác lục tìm đồ ăn để chống chọi lại với những cơn đói khát giày vò. Đêm đến, các em ngủ vật vờ ở các gầm cầu hoặc nhà ga cùng những tiếng muỗi vo ve và xe cộ ồn ã. Khổ cực nhất là những ngày mưa, hai đứa trẻ không tìm được nơi nào khô ráo để trú mà phải nằm co ro, rúc vào nhau. Vào những ngày đông lạnh lẽo, khi những cơn gió rít liên hồi bên tai, các em cũng không có mảnh chăn nào để đắp mà phải đem hết số quần áo có được quấn khắp thân, cố gắng nằm chờ trời sáng.
“Chúng em ăn bim bim, gà rán và đồ ăn còn thừa bị vứt lại trong thùng rác”. Câu nói ngây ngô khiến ai nghe thấy cũng xót xa, mủi lòng. Thế nhưng, sự thật đúng là như vậy, nhờ những chiếc thùng rác bên vệ đường mà Melvin và Tutu mới có quần áo để mặc, giày dép để đi và sống sót đến tận bây giờ.
“Mẹ qua đời, cha bỏ đi khi chúng em còn đang ngủ. Khi tỉnh dậy và không thấy cha đâu, em chỉ biết khóc”. Các em nói thêm về cuộc đời tưởng chừng không có chút ánh sáng của mình.
Trong khi những đứa trẻ khác vừa sinh ra đã được cha mẹ chăm bẵm, bế bồng thì hai em đã bị cha bỏ rơi, sống cảnh màn trời chiếu đất không nơi nương tựa ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Liệu đã đến lúc người lớn cần học cách sống trách nhiệm và quan tâm đến những đứa trẻ do chính mình sinh ra? Có thể cuộc sống sẽ có lúc khó khăn tưởng chừng như túng quẫn cùng cực, nhưng bất cứ ai cũng không thể vì điều đó mà bỏ rơi con cái của mình. Những đứa trẻ chúng vô tội và quá non nớt để đối mặt với những hiểm nguy trong xã hội đầy cạm bẫy này. Chúng hoàn toàn xứng đáng nhận được sự che chở, yêu thương từ cha mẹ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bữa ăn kết thúc, trong lòng Syafiq chất chứa nhiều tâm trạng. Anh thương xót cho số phận bất hạnh của hai cậu bé và muốn làm điều gì đó nhiều hơn là lời mời một bữa ăn. Syafiq quyết định chia sẻ những điều này lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ. Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện đã thu hút đông đảo người xem, trong đó có nhiều người bày tỏ muốn hỗ trợ hai em cả về tinh thần lẫn vật chất. Tất cả mọi người khi biết câu chuyện đều rất thương tâm và đồng cảm. Họ gửi đến các em hàng ngàn lời động viên và cầu chúc những điều tốt lành nhất.
Chẳng mấy chốc, câu chuyện đã trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng và truyền thông Malaysia cũng như nhiều nước Châu Á. Một hành động tử tế, dù là nhỏ thôi, cũng đủ sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tin chắc rằng, với sự quan tâm của những tấm lòng hảo tâm và tốt bụng, Melvin và Tutu sẽ sớm có một cuộc sống đầy đủ và tốt đẹp hơn. Những hành động dù là nhỏ thôi, cũng đủ mang lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của hai đứa trẻ tội nghiệp vốn đã mất hết hy vọng, để trái tim vô tư, non nớt của các em còn đủ niềm tin vào sự lương thiện đang tồn tại và hiện hữu trên thế gian này…
Trẻ con không cần cuộc sống giàu có sung túc hay bất kỳ những thứ vật chất xa xỉ nào. Điều chúng thật sự cần là tình yêu thương vô điều kiện, sự chở che và quan tâm của cha mẹ. Thế nhưng, thật đáng buồn là khi khó khăn xảy đến, có những người đã buông tay đứa con yêu dấu của mình và để chúng trở thành những đứa trẻ vô gia cư không nơi nương tựa. Đó chính là hành động ích kỷ và cũng là điều khiến các em tổn thương nhất. Bởi vì, đối với một đứa trẻ, điều bất hạnh nhất không phải sự nghèo khó và thiếu thốn, mà là bị chính cha mẹ mình bỏ rơi và ruồng rẫy. Những lỗi lầm đó của người lớn sẽ cướp đi sự ngây thơ, thuần khiết đáng quý của những đứa trẻ mãi mãi…
Linh An
Xem thêm: