Không phải ai sinh ra trong cuộc sống này cũng may mắn có được một thân hình lành lặn. Nhưng nếu tạo hóa vẫn rộng lòng ban cho bạn một đầu óc minh mẫn và một trái tim đam mê, bạn vẫn có thể theo đuổi ước mơ của mình và… thành công. Câu chuyện của Lê Minh Châu, chàng họa sĩ vẽ tranh bằng miệng là một minh chứng.
Sinh ra thiếu may mắn, nhưng vẫn có ước mơ
Lê Minh Châu sinh năm 1991. Hòa bình trở về trên quê hương, nhưng chất độc màu da cam của những cuộc chiến đã đi vào quá khứ vẫn để lại dấu ấn trên thân thể anh, khiến nó trở nên không toàn vẹn: tay chân đều teo lại. Cầm nắm, đi lại đều là những công việc khó khăn.
Châu lớn lên trong làng Hòa Bình, ngôi làng cưu mang những mảnh đời bất hạnh, bị bỏ lại ở bệnh viện Từ Dũ. Những đứa trẻ ở đây chỉ vừa mới sinh ra đã nếm trải thật nhiều nỗi đau: thân thể bị biến dạng, cha mẹ bỏ rơi, người thân hắt hủi. Tuổi thơ của Châu khởi đầu bằng gam màu tối, trầm buồn như vậy.
Nhưng, một người nghệ sĩ đã đến và thay đổi cuộc đời Châu. Cô là họa sĩ tới vẽ tranh lên những bức tường trong làng Hòa Bình. Cô không chỉ mang thêm màu sắc vào không gian sống cho những đứa trẻ, mà còn mang sức sống của sắc màu vào tận tâm hồn chúng, khi đặt câu hỏi:
“Các em có muốn học vẽ không?”
Từ đó, cuộc đời của Lê Minh Châu thay đổi. Bức tranh cuộc sống của anh giống như được ai đó vẽ thêm vào những chấm màu đầu tiên. Châu miệt mài học cách vẽ căn bản trong lớp học từ thiện của cô giáo. Từ ngày đó, anh cũng bắt đầu nuôi một ước mơ “Con muốn thành một nhà thiết kế thời trang và một họa sĩ chuyên nghiệp”.
Không người lớn nào trong làng Hòa Bình nghĩ rằng Châu có thể làm được. Họ thương Châu, nhưng không đủ can đảm để tin rằng anh sẽ thành công.
Để đáp lại sự thiếu tin tưởng của người lớn, Châu trong đèn hằng đêm, cần mẫn học vẽ tranh bằng miệng. Tay Châu yếu nên không thể cầm bút lâu. Cứ cắn cây bút chì trong giữa hai hàm răng, Châu quên hết thời gian chỉ mải tập đưa những nét bút theo trí tưởng tượng của mình. Cắm cúi vẽ rồi lại lùi lại để ngắm nghía.
Đã không biết bao nhiêu lần Châu muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại tự khích lệ mình rằng “Hãy cố gắng hết sức có thể rồi mọi việc sẽ ổn. Hãy mỉm cười lên, nụ cười là sức mạnh”.
Tình bạn đặc biệt, ước mơ song hành
Trong thời gian sống tại làng Hòa Bình, trước năm 2007, Châu quen với một cô gái người Mỹ có tên Courtney Marsh. Courtney khi ấy là một sinh viên điện ảnh đang sang Việt Nam thực tập. Courtney bị ấn tượng với những đứa trẻ “được cho là không còn tương lai” ở làng Hòa Bình. Khi cô gặp Châu, sống và trò chuyện với em trong vòng một tuần, với tư cách là tình nguyện viên ở làng, Courtney đã tìm được cho mình đủ niềm tin và dũng khí, ở lại nơi đất khách thêm 7 năm nữa để làm một bộ phim tài liệu về Châu.
Bộ phim sẽ kể cho mọi người nghe hành trình đi tới ước mơ của Châu, bằng những thước phim chân thật nhất quay trực tiếp từ cuộc sống của cậu bé. Thành bại của bộ phim phụ thuộc hoàn toàn vào thành bại của Châu trên con đường trở thành họa sĩ. Giây phút Courtney quyết định tin vào lời hứa của Châu: “Em sẽ khiến bộ phim của chị có kết thúc có hậu”, hai người đã kết nối với nhau bằng hai giấc mơ song hành.
Hai chị em Châu và Courtney có một điểm chung rất lớn: Những điều họ mơ ước làm và đã thực sự làm đều bị những người ngoài cho là viển vông. Tuy nhiên, cả hai đã cùng chọn cách: Không đặt tâm mình vào những gì người khác nói, chỉ đặt trọn trái tim vào những việc mình làm.
17 tuổi, Châu quyết định rời mái ấm đã che chở cho tuổi thơ của anh, để đi tìm con đường thực hiện giấc mơ của mình. Châu luôn muốn tự đi trên đôi chân của chính mình, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hành trang của anh khi ấy chỉ đọc có biệt tài vẽ tranh bằng miệng.
Khởi đầu bao giờ cũng là khó khăn nhất. Châu mượn bạn một khoản tiền, thuê một căn phòng đủ rộng để có chỗ ở và để có không gian vẽ. Cũng phải chuyển từ nơi này, tới nơi khác nhiều lần, Châu mới tìm được một nơi anh có thể sống và vẽ hết mình.
Thời gian đầu ấy, Châu miệt mài vẽ. Cây cọ trong miệng, Châu vẽ nhiều tới độ có làn cọ gãy, làm anh rách cả hàm. Nhưng không điều gì khiến Châu từ bỏ. Ngoài vẽ những bức tranh của mình, anh nhận vẽ lên áo và một vài công việc khác để có tiền trang trải. Và từ bấy cho đến nay, anh đã sống được bằng nghề vẽ tranh và dạy người khác vẽ. Người khách đầu tiên của Châu là một khách du lịch Canada rất yêu Việt Nam.
Những ước mơ được chắp cánh bằng nghị lực và niềm tin
Trở lại với câu chuyện hai ước mơ của Châu cùng Courtney. Năm 2014, Courtney đóng máy bộ phim “Châu beyond the lines”. Cô mang tác phẩm của hai trái tim trẻ về nước, đối diện với sự hoài nghi của rất nhiều những người bạn cùng nghề của mình. Mãi cho đến đầu năm 2016, Courtney báo cho Châu biết bộ phim của hai người được lọt vào top năm của giải Oscar cho hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc. Giây phút ấy, ở hai đất nước xa nhau nửa vòng trái đất, có hai trái tim đã cùng thổn thức, vỡ òa.
Ước mơ của hai chị em đã thành hiện thực. Những nhà nghệ thuật của Hoa Kỳ đã công nhận tác phẩm của chị Courtney, còn Châu đã thực sự trở thành họa sĩ, đã sống được bằng nghề, bằng lao động và đam mê của mình.
Châu chắp cánh cho ước mơ của chị Courtney, còn tiếng vang từ bộ phim của chị cũng khiến nhiều người biết đến tranh của họa sĩ Lê Minh Châu hơn. Anh cũng có cơ hội giới thiệu đến nhiều người hơn những bức tranh mà mình đã vẽ.
Thế giới tranh của Lê Minh Châu thực sự khiến người xem ngỡ ngàng. Không khán giả nào có thể hình dung được Châu vẽ những bức tranh bằng miệng. Sự tỉ mỉ, chau chuốt trong kĩ thuật, sự sống động, chân thực trong những bức tranh Châu vẽ khiến nhiều người xem phải ngả mũ kính phục.
Lê Minh Châu của ngày hôm nay vẫn đang sống bằng đam mê của mình. Hiện giờ, bên cạnh việc vẽ tranh, mở những buổi triển lãm, anh còn cùng một người bạn mở một quán cà phê nhỏ. Anh muốn mang tới cho mọi người một không gian tĩnh lặng, yên ả.
Ngày nào ở căn phòng nhỏ phía trên quán cà phê, Châu cũng mở lớp dạy vẽ. Anh chỉ nhận dạy mỗi lớp từ một đến ba người. Bởi Châu muốn thực sự truyền thụ cho những người yêu vẽ những gì anh có: tài năng, lòng đam mê, nghị lực nhưng đặc biệt là sự kiên trì. Đó dường như cũng là tất cả những gì tạo nên thành công của Châu ngày hôm nay.
Nếu một lúc nào đó, mỗi chúng ta đều cảm thấy mình không còn có thể cố gắng, nụ cười và những bức tranh của Châu có lẽ sẽ tiếp thêm cho chúng ta rất nhiều cảm hứng để chấp nhận chính mình, kiên nhẫn làm những điều cần làm và không bao giờ chạm vào hai chữ “buông xuôi”…
Hải Lam tổng hợp
Xem thêm: