Buôn người là một vấn đề nhức nhối của các quốc gia trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, chưa bao giờ vấn nạn này lại phức tạp và vượt tầm kiểm soát như hiện nay.
Buôn người là biểu hiện sinh động nhất cho thấy cơn ác mộng nô lệ vẫn tồn tại trong thế kỷ 21 này. Do sự gia tăng chóng mặt của dân số cũng như các vấn đề toàn cầu hóa, người dân ngày càng dễ bị tổn thương và rơi vào bẫy của những đường dây mua bán người. Những thương vụ buôn bán người có thể xảy ra ngay sát cạnh chúng ta mà không bị phát hiện. Một cô bé rửa cốc chén bạn thường nhìn thấy mỗi ngày ở quán cafe, một cậu bé đánh giày hay một phụ nữ trẻ bán hàng rong trên phố… một lúc nào đó, họ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người vì nhiều mục đích khác nhau.
Ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận khổng lồ
Buôn người là một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và chỉ xếp thứ hai sau buôn bán ma túy. Mỗi năm, ngành này mang về 32 tỷ đô la cho thế giới ngầm. Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không có sự kiểm soát tốt, ngành công nghiệp này sẽ sớm vượt lên dẫn đầu, bởi khác với ma túy, những nô lệ này phù hợp với nhiều “mục đích sử dụng” và có thể dùng đi, dùng lại nhiều lần.
Theo thông tin từ Liên Hiệp Quốc, hiện thế giới có gần 21 triệu người đang bị cưỡng bức lao động với trên 17,5 triệu người là nạn nhân của tội phạm mua bán người, trong đó 55% là phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn họ bị ép làm lao động khổ sai hoặc cưỡng bức làm nô lệ tình dục và bán vào các nhà thổ. Mỗi nô lệ này có thể đem về cho chủ chứa hàng trăm ngàn đô la mỗi năm
Một hình thức khác của buôn bán người là sự gia tăng của hoạt động mua bán nội tạng. Với sự nâng cao thu nhập cũng như quá trình công nghiệp hóa hiện đại, nhu cầu đối với các tiện ích y tế đã không ngừng tăng lên. Những căn bệnh như tiểu đường và suy tạng nói chung đã trở nên phổ biến kéo theo nhu cầu ghép tạng gia tăng. Buôn bán nội tạng do đó trở thành một hệ quả tất yếu của việc mất cân bằng cung cầu. Các cơ quan quan trọng của cơ thể như thận và gan được thu hoạch từ các nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, họ thường bị cướp tạng trong tình trạng bị khống chế hoặc đôi khi được mua với một cái giá rẻ mạt.
Các điểm nóng
Những điểm nóng về buôn bán người đầu tiên phải kể đến là các nước kém phát triển, nơi có lực lượng người tị nạn đông đảo do chiến sự và đói nghèo. Chẳng ở đâu muốn nhận họ cả, họ thiếu sự ổn định, thiếu sự an toàn và ở một vị trí dễ bị tổn thương. Trong nhóm này, nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bởi vì người đàn ông của họ đã bị giết hoặc mất tích trong các cuộc xung đột vũ trang. Họ dễ dàng bị lôi cuốn vào những lời hứa giả dối bởi vì họ không có ai để chia sẻ. Họ không có một Đại sứ quán để bảo vệ, họ như những công dân không mong muốn của thế giới. Họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người.
Nạn Buôn Người lan tràn rộng rãi khắp lục địa châu Phi. Với điều kiện kinh tế-xã hội nghèo nàn, lạc hậu về khoa học và y tế, người dân châu Phi ở bất kể lứa tuổi nào đều có thể bị biến thành nô lệ. Ở các nước nghèo như Sudan, trẻ em thường chịu cảnh mồ côi từ khi còn rất nhỏ bởi cha mẹ của chúng chết vì HIV. Đói khát và kém hiểu biết, chúng có thể dễ dàng bị bắt và bán đi. Một số gia đình đông con còn bán bớt con cái để đổi lấy tiền trang trải cuộc sống. Những kẻ buôn người đều đưa ra những lời chào mời hấp dẫn liên quan đến việc làm ở nước ngoài cho những người dân ngây thơ và sau đó dễ dàng bóc lột họ cả về tiền bạc và thể chất.
Đối tượng thứ hai là nhóm các tù nhân lương tâm. Tại nhiều quốc gia có nền dân chủ kém, tù nhân và những người phạm tội bị tước đoạt rất nhiều quyền con người. Họ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro mà một trong số đó là việc Chính phủ sẵn sàng bật đèn xanh cho các hoạt động kiếm lời trên thân xác họ.
Ví dụ điển hình nhất cho trường hợp này có liên quan đến vấn đề Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Vào 7/1999, sau khi chính quyền Giang Trạch Dân chụp mũ môn tập này là “tà giáo” và đơn phương phát động cuộc đàn áp đại quy mô, hàng chục triệu người đã bị bắt giữ, xét xử phi pháp, bị đưa vào các trại cưỡng bức lao động khổ sai và trở thành mục tiêu của hoạt động mua bán tạng người.
Theo một loạt các báo cáo đã được kiểm chứng, 17 năm qua, dưới sự chỉ huy của cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại, mổ sống lấy nội tạng, con số này vượt xa số lượng tử tù tại Trung Quốc. Báo cáo cũng cho biết việc mổ cắp nội tạng diễn ra tại hàng nghìn bệnh viện khắp nước này dưới sự chỉ đạo của chính quyền Giang Trạch Dân. Số tiền thu được nhờ bán nội tạng của mỗi học viên Pháp Luân Công có thể lên tới 300 nghìn đô la Mỹ. Dù cộng đồng quốc tế đã nhiều lên án nhưng tội ác này cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những ảnh hưởng không thể vãn hồi
Phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán để làm nô lệ tình dục, bị hãm hiếp, đánh đập, bỏ đói, lạm dụng thuốc và tra tấn đến kiệt quệ về tinh thần. Những nạn nhân này thường có khuynh hướng tự sát. Trong hầu hết các trường hợp những phụ nữ này bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác do hành vi tình dục không an toàn và thiếu sự chăm sóc y tế. Các bệnh này càng làm tăng thêm sự thống khổ và dày vò thể xác đối với các nạn nhân.
Với những người bị bắt cóc cho mục đích thu hoạch nội tạng, họ hiếm khi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Họ phải chịu những di chứng nghiêm trọng do quá trình phẫu thuật không đảm bảo và đôi khi chết ngay trên bàn mổ. Những người sống sót cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường trở lại.
- Nạn nhân bị tổn thương về thể chất và tâm lý. Họ cũng không dễ dàng gì để chứng minh câu chuyện của họ cho các cơ quan chức năng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Luật pháp cũng còn nhiều chướng ngại để có thể bảo vệ cho các nạn nhân một cách hiệu quả
Buôn bán người cũng làm gia tăng tỉ lệ tội phạm và sự lây lan của các căn bệnh nguy hiểm như HIV, tạo ra một xã hội méo mó, bất ổn định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Buôn bán người rõ ràng đã và đang trở thành một vấn đề vượt tầm kiểm soát. Hoạt động phi pháp này gây ra những hậu quả nhức nhối cho xã hội, song nó lại chưa được quan tâm đúng mức như cuộc chiến chống ma túy hay buôn lậu vũ khí. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì nạn buốn bán người sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới, bởi vì những món lợi nhuận khổng lồ nó mang lại. Lãnh đạo các quốc gia và mỗi người dân trên thế giới cần có sự chung tay, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, cảm thông, chia sẻ với các nạn nhận cũng như nỗ lực giải quyết triệt để các vấn đề xã hội để có thể kìm hãm và đấu tranh có hiệu quả với loại hình tội phạm này.
Chính phủ các quốc gia phải thực sự nhìn nhận lại một cách nghiêm túc các quyết định về hợp thức hóa hôn nhân đồng tính hay công nhận mại dâm là hợp pháp. Sau tấm bình phong ủng hộ quyền tự do cá nhân, những quyết sách này thực sự đang gián tiếp ủng hộ và thúc đẩy cho các hoạt động buôn bán người trong tương lai.
Theo Inimimy
Nhật Minh