Đại Kỷ Nguyên

Cả thị trấn sống trong ác mộng vì căn bệnh lạ, người dân ‘ngủ li bì’ bất cứ lúc nào

Thị trấn có tên Kalachi ở Kazakhstan nằm cách biên giới nước Nga 400 km. Nhưng khu vực này thường được gọi là “thung lũng ngủ” bởi bất kể già trẻ lớn bé, nam cho đến nữ hay thậm chí là cả động vật sống tại đây thường xuyên đột nhiên chìm vào giấc ngủ lạ lùng giống như hôn mê sâu mà không hề có triệu chứng gì báo trước và đáng sợ hơn là giấc ngủ có thể kéo dài tận 6-7 ngày đêm liên tục.

Thị trấn Kalachi với tổng số dân 6500 người  sinh sống nhưng đến nay chỉ còn lại vẻn vẹn 130 người, gần như nơi đây đã biến thành thị trấn ma.

Năm 2014, các tờ báo đưa tin tại Nga cho biết: Những triệu chứng của căn bệnh này là mệt mỏi trong người, ít nói, hay quên. Căn bệnh này tấn công người bệnh bất cứ lúc nào, khi họ đang làm việc hay đi trên đường…, cứ “lên cơn” là họ lăn ra ngủ. Bệnh nhân tỉnh dậy thường không nhớ gì cả và một số trường hợp bị ảo giác. Có một cụ già 60 tuổi tỉnh dậy tưởng mình là con gà trống nên vỗ hai tay mà gáy! Một số người khác cảm thấy mình là xác sống…

Phụ nữ địa phương cho biết những ông chồng của họ sau khi tỉnh dậy đột nhiên đòi quan hệ tình dục ngay lúc đó và sự thèm khát bất ngờ này kéo dài ít nhất 1 tháng! Thậm chí còn có những lời lẽ quát mắng hết sức thô tục. Căn bệnh quái dị này đã khiến cho người dân nơi đây vô cùng hoang mang và sợ hãi. Các chuyên gia y tế, bác sĩ, người dân địa phương đang chật vật tìm ra câu trả lời và biện pháp điều trị căn bệnh ngủ li bì bí ẩn này thế nhưng vẫn chưa thể lý giải được nguyên nhân căn bệnh này.

Một số người dân nghĩ rằng nguyên nhân là do vài năm gần đây thời tiết địa phương đã nóng lên đột ngột. Số khác lại cho rằng nước nhiễm xạ từ một mỏ Uranium bỏ hoang gần đó đã thấm vào sông suối của làng, làm ô nhiễm nguồn nước để ăn và sinh hoạt.

Các nhà khoa học từ khắp nơi cũng tìm đến để tổ chức nghiên cứu căn bệnh lạ. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân căn bệnh này là do phóng xạ. Kalachi tọa lạc sát Krasnogorsk, một thị trấn chuyên khai thác sản xuất uranium phục vụ cho chương trình vũ khí hạt nhân thời Liên Xô. Những quặng uranium ở Krasnogorsk bị đóng cửa vào cuối thập niên 1980.

“Nồng độ khí phóng xạ rađon trong không khí tại đó cao gấp 4-5 lần mức bình thường và có quặng uranium. Đây có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh ngủ li bì”, chuyên gia Artem Grigoriev, Viện trưởng Viện nghiên cứu an toàn hạt nhân thuộc Trung tâm Hạt nhận Quốc gia Kazakhstan, nhận định.

Người dân ở thị trấn Kalachi đã phải sống với căn bệnh này trong suốt 4 năm qua, và có hàng chục nghiên cứu được tiến hành, nhưng câu trả lời vẫn là điều bỏ ngỏ. Nurlan Kapparov – Bộ trưởng Tài nguyên và bảo vệ môi trường của Kazakhstan đã cam kết sẽ nỗ lực để ngăn ngừa căn bệnh.

Hy vọng rằng người dân thị trấn Kalachi sẽ sớm được giải thoát khỏi cơn ác mộng này.

Quỳnh Chi

Xem thêm:

Exit mobile version