Đại Kỷ Nguyên

Các Tiểu vương quốc Ả Rập dự kiến kéo những tảng băng trôi để thay đổi khí hậu nắng nóng

Một công ty tư vấn của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước cho khu vực sa mạc bằng cách kéo các tảng băng trôi ở Nam Cực để cải thiện khí hậu địa phương.

National Advisor Bureau Limited – là công ty có ý định kéo những tảng băng trôi từ Nam Cực đến bờ biển Fujairah, để tạo ra một nguồn nước ngọt mới cho khu vực – cho biết những tảng băng được kéo về này có thể làm biến đổi đáng kể và căn bản khí hậu trong khu vực.

“Chúng tôi ước tính kéo một tảng băng trôi đến UAE sẽ mất một năm. Chúng tôi đã lập kế hoạch kỹ thuật và tài chính. Kéo là phương pháp tốt nhất. Chúng tôi sẽ bắt đầu dự án vào đầu năm 2018”, ông Abdullah Mohammad Sulaiman Al Sheh, giám đốc công ty phát triển kế hoạch nói cho Gulf News biết.

Ảnh: Internet

Các tảng băng không dễ tan chảy bởi 80% khối băng nằm chìm dưới nước, còn phần băng lộ thiên thì ánh sáng mặt trời không làm nó tan nhanh được, ông nói.

Theo dự án này, không khí lạnh của một tảng băng neo gần bờ biển Ả Rập sẽ tạo ra một lỗ trong khí quyển, còn các cơn bão và mưa sẽ đổ xuống vùng Vịnh Ả Rập và vùng duyên hải của bán đảo Ả Rập trong suốt cả năm, nếu những khối băng khổng lồ này trụ lại được. Hy vọng các núi băng trôi sẽ tác động tích cực lên sự biến đổi khí hậu trên diện rộng.

Mặt khác theo khẳng định của các nhà tổ chức, sự hiện diện của các núi băng trôi ngoài khơi bờ biển, sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch lớn và độc đáo, góp phần làm mát bờ biển và biến đổi sa mạc của UAE thành các đồng cỏ xanh khởi sắc trong vòng một thập kỷ.

Ảnh: Internet

Ngoài ra, họ đảm bảo việc tan chảy các núi băng sẽ giải phóng nước ngọt vào Biển Ả Rập, điều đó sẽ giúp khôi phục cân bằng sinh thái và giảm độ mặn của nước biển, gây ra do việc xả muối từ các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, như vậy giúp phục hồi đa dạng sinh học.

Nam Cực là châu lục băng lớn nhất trên Trái đất, chứa 70% nước ngọt trên thế giới. Khoảng 98% diện tích Nam Cực được bao phủ bởi một lớp băng có độ dày trung bình 1,6 km. Do sự nóng lên toàn cầu, những tảng băng vỡ ra từ phần mặt trước của băng và trôi đến các vùng nước ấm của đại dương, ở đó chúng sẽ tan chảy, làm mất hàng ngàn triệu lít nước ngọt, công ty của UAE cho biết.

Theo Epochtimes Romania

Xuân Hà

Xem thêm:

Exit mobile version