Đại Kỷ Nguyên

Cách kiểm soát cơn giận để hạn chế tối đa hậu quả ‘khôn lường’ của nó

Nóng giận là nguyên nhân của rất nhiều hậu quả đáng tiếc trong các mối quan hệ. Ai cũng biết điều đó, ai cũng có khoảng thời gian hối hận về những cơn giận của mình, nhưng có cách nào đó để kiểm soát hoặc hạn chế hậu quả của một cơn bốc hỏa đang nổi lên trong bạn hay không?

Cơn nóng giận đầu độc cuộc sống của chúng ta bằng những suy nghĩ xấu xa về người khác, làm rạn nứt các mối quan hệ, và tạo thêm gánh nặng tinh thần cho chính bạn bằng việc cố kìm nén nó. Thế nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát cơn giận bằng một vài yếu tố cơ bản.

Bạn có thể giận nhưng hãy làm chủ nó

(Ảnh: kyna.vn)

Chúng ta thường cho rằng cơn giận đến với mình vì lúc đó ta không thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Thông thường một người bộc lộ thái độ tức giận chủ yếu là vì họ không điều khiển được cảm xúc, hành vi của mình trong tình huống éo le. Hay nói chính xác hơn là: Bạn có thể không làm chủ được cảm xúc nhưng vẫn hoàn toàn có thể làm chủ được phản ứng của bản thân trước những hoàn cảnh tức tối hàng ngày, nếu muốn.

Lấy ví dụ, bạn tan làm sau một ngày mệt mỏi, sếp mắng bạn trong buổi họp cuối tuần, đồng nghiệp làm bạn chậm deadline và phải ở lại làm thêm giờ đến tối mit. Bạn chắc chắn rất khó chịu và muốn tìm ai đó để trút giận. Thế nhưng trên đường về nhà nếu bạn bị một tên cướp sử dụng vũ khí đe dọa và cướp đến đồng tiền cuối cùng trong ví. Liệu bạn có đủ dũng khí để đổ hết cơn bực dọc lên hắn không.

Đa phần mọi người sẽ định thần với chút sợ hãi, đồng thời hành vi trở nên từ tốn một cách lạ thường, giọng nói nhỏ nhẹ hơn, chúng ta tỏ ra rất hợp tác với tên cướp. Mục tiêu cuối cùng của bạn vẫn là bảo toàn tính mạng. Và mặc dù đã có một ngày tồi tệ, đến cuối cùng bạn vẫn phải chấp nhận đưa tiền lương của mình cho một người xa lạ không có mấy thiện ý.

Khi có những sự kiện bất ngờ diễn ra, gây sợ hãi, vui mừng hoặc chí ít là làm ta sao nhãng tâm trí của mình khỏi những điều không vui. Hành vi và nỗi tức tối trong ta sẽ biến đâu mất. Với những trường hợp khác cũng vậy, bạn không thể mắng lại sếp vì ông ấy có quyền lực cao hơn bạn, bạn cũng không thể giận đồng nghiệp quá nhiều vì cô ấy từng giúp đỡ bạn rất nhiều hồi bạn mới tới làm việc tại công ty. Tất cả những ràng buộc đó khiến chúng ta trưởng thành và kiểm soát chính mình tốt hơn.

Điều này chứng tỏ rằng: “Bạn có thể kiểm soát cơn giận của mình, vấn đề là ý chí của bạn có đủ mạnh mẽ hay không mà thôi”.

Vậy nếu bạn không thể kiểm soát cơn giận thì sao?

(Ảnh: tinhhoa.ne)

Phải chấp nhận một thực tế rằng con người ta không thể lúc nào cũng có thể kiểm soát cơn nóng giận. Tuy nhiên vẫn có một phương án giúp bạn tối thiểu hóa hậu quả của cơn giận ở mức thấp nhất. Bí quyết đó chính là: “Hãy bộc lộ cơn giận với sự kiện chứ không phải là con người gây ra nó.”

Khi chồng bạn vô tình làm vỡ chiếc bình mà bạn hằng yêu quý, bạn rất có thể sẽ tức giận với anh ấy. Nhưng tuyệt đối không bao giờ nói những lời xúc phạm chồng mình. Bạn hãy cố gắng kiềm chế, và nếu không thể kiềm chế được thì hãy bày tỏ sự bực dọc với bản thân chiếc bình đã vỡ. Đừng chĩa mũi kiếm sang người khác. Đó là ranh giới cuối cùng giữa một cơn bực tức và một cuộc cãi vã.

Sự kiện khiến bạn tức giận vốn là một thực tại khách quan, trong khi cơn giận lại biến chúng ta thành một người có cái nhìn chủ quan về mọi thứ. Chính vì vậy, hãy cố gắng kiểm soát lý trí của mình bằng cách hướng sự chú ý tới những sự kiện chứ không phải là một cá nhân nào đó.

(Ảnh: nld.com.vn)

Những cụm từ như “luôn luôn”, “bao giờ cũng vậy”…là những từ không nên dùng trong trường hợp mất kiểm soát. Chúng rất dễ gây sứt mẻ tình cảm: “Anh luôn luôn hậu đậu như thế, nó làm tôi chán lắm rồi”, “Cô chẳng bao giờ nghĩ đến người khác cả”… Người hứng chịu cơn giận của bạn sẽ thấy bị xúc phạm vì đang bị công kích bởi lời nhận xét phiến diện từ một người họ từng yêu thương.

Việc ai đó làm điều gì đó không đúng với bạn không có nghĩa là bạn có quyền nói sai về họ.

Ngoài ra, việc bộc lộ cảm xúc như vậy khiến hậu quả sau này trở nên nghiêm trọng hơn. Những gì bạn đã nói trong lúc tức giận không thể thu hồi lại được, mọi người sẽ nghĩ rằng nhiều điều bạn nói chính là những gì bạn thật sự nghĩ, và trong đa số các trường hợp chúng chính là tác nhân quan trọng nhất khiến các mối quan hệ rạn nứt. Một triết gia Trung Cổ từng nói: “Tôi có thể đảo ngược những gì chưa nói, nhưng không thể đảo ngược những gì đã nói”, vì vậy đừng xem nhẹ nguyên tắc này.

Tự chủ chính là cách để trưởng thành

(Ảnh: 2tin)

Nhiều người nhầm tưởng lời lẽ khi nóng giận là biểu hiện của sự thẳng thắn, họ cho rằng mình là người bộc trực “nghĩ sao nói vậy”. Nhưng như đã nói, đó chỉ là những quan điểm sai lầm được thốt ra thiếu suy nghĩ trong lúc bạn tức giận. Và người bộc trực không có nghĩa là họ xem nhẹ việc nói những lời lẽ chín chắn. Thường thì những người “nghĩ sao nói vậy” trong lúc nóng giận bị người khác xem là có tính trẻ con và có cái tôi quá lớn. Vì vậy, đừng để cảm xúc đánh lừa lý trí, bạn phải tỉnh táo và suy nghĩ cẩn thận dù trong tình huống nào đi chăng nữa.

Với những người thường xuyên nỗi nóng, việc rèn luyện để nói “những điều nên nói” là khá khó khăn ngay khi bắt đầu. Nhưng chỉ cần có một chút thời gian để luyện tập và một sự tập trung cao độ để kiểm soát cơn giận, bạn sẽ có thể thay đổi thói quen này của mình.

Lời khuyên trong bài viết này được Ông Joseph Telushkin – Giảng viên và best selfler của nhiều cuốn sách đạo đức, đưa ra trong bài giảng của mình về cơ nóng giận. Ông thậm chí còn đánh giá rằng phương pháp này có thể thay đổi được cuộc đời của bạn, bởi vì cảm xúc tiêu cực là kẻ thù của thành công, khi bạn kiểm soát được chính mình, bạn cũng có thể kiểm soát được cách mà bạn ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống.

Vì vậy dù đang trong hoàn cảnh khó khắn như thế nào, hãy luôn nhớ rằng: “Bất kể có tức giận đến đâu, hãy bộc lộ nó với sự kiện làm bạn giận chứ đừng là với một cá nhân nào đó”

Trọng Đạt

Xem thêm : 15 loại bệnh sinh ra do tức giận, xem xong không ai dám cáu gắt nữa

Exit mobile version