Bình nóng lạnh là thiết bị không thể thiếu đối với nhiều gia đình trong những ngày đông giá lạnh. Tuy nhiên, khi sử dụng không đúng cách, bình nóng lạnh có thể gây tốn kém và còn dẫn đến nguy cơ bị điện giật.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, bộ môn Thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ trên báo VnExpress, bình nóng lạnh là một trong những thiết bị tốn nhiều điện nhất trong sinh hoạt gia đình vào mùa đông. Điều này khá dễ hiểu: để đun được một thùng nước lạnh (khoảng 20-30 lít) cần mất nhiều điện. Dù bình bật liên tục thì nhiệt trong bình cũng sẽ giảm dần (do tỏa nhiệt ra môi trường xung quanh cũng như phích nước để qua đêm đông sẽ bớt nóng hơn nhiều). Khi đó, theo quy tắc, bình lại đun để đạt đến nhiệt độ nào đó, và mỗi lần như vậy rất tốn điện.

Tiến sĩ Thịnh cho rằng, cũng như bất cứ thiết bị điện nào, yếu tố đầu tiên cần quan tâm khi sử dụng bình nóng lạnh là bảo đảm tính an toàn, sau đó mới tính chuyện tiết kiệm.

– Những bình nóng lạnh dùng lâu dễ bị rò điện ra vỏ, ra đường ống. Vì thế, nên ngắt điện trước khi sử dụng bình để tránh gặp phải nguy cơ bị điện giật. Đặc biệt, với các loại bình đời cũ không có rơle ngắt điện tự động và bình đã sử dụng quá lâu thì hệ thống này thường không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đã có không ít cái chết thương tâm từ việc không ngắt bình nóng lạnh.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Tieudung).

– Để kiểm tra bình nóng lạnh nhà mình có bị rò điện hay không, trước khi dùng nước nóng, thử đụng mu bàn tay hay tốt nhất là dùng bút thử điện chạm vào vòi nước bằng sắt ở gần bình nhất. Khi đã bật vòi, bước vào phòng tắm rồi mà điện rò thì không còn kịp tránh nữa.

– Không nên bật bình nóng lạnh 24/24h vì vừa gây tốn điện vừa tạo ra nguy cơ bị hỏng do hoạt động quá tải, lại nguy hiểm nếu tắm trong lúc bình vẫn cắm điện mà bị rò. Tốt nhất, nên đun đủ nước nóng, thường trong khoảng 15-20 phút với bình loại vừa, rồi ngắt điện, sau đó mới sử dụng nước.

– Ngoài ra, để sử dụng nước nóng hiệu quả, tiết kiệm, với những gia đình mua bình mới, nên chọn sản phẩm có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng. Điều này liên quan trực tiếp đến công suất sử dụng và khả năng tiêu hao điện vì bình càng có dung tích lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng.

Ví dụ, đối với hộ gia đình có 4 người, có 2 phòng tắm thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ. Bạn cũng có thể chú ý tới những loại bình có thiết bị quấn bông bảo ôn (có tác dụng như thùng xốp giữ nhiệt) để đỡ thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường trong quá trình sử dụng, giữ nóng lâu hơn.

Trong quá trình sử dụng bình nóng lạnh nên thường xuyên vệ sinh, bảo trì, nếu thấy có hiện tượng rò điện cần tìm cách khắc phục ngay.

Cách vệ sinh bình nóng lạnh đơn giản tại nhà

Vệ sinh bình nóng lạnh là một việc làm vô cùng cần thiết vì điều này không chỉ đảm bảo cung cấp nguồn nước nóng sạch, an toàn cho gia đình mà còn giúp kéo dài tuổi thọ cho thiết bị. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng biết cách vệ sinh bình nước nóng thế nào cho đúng. Trên Meta có đăng tải các bước vệ sinh bình nóng lạnh tại nhà, bạn có thể tham khảo nhé.

Bước 1: Trước khi vệ sinh bình nóng lạnh, việc đầu tiên cần quan tâm đó chính là ngắt nguồn điện. Điều này giúp đảm bảo an toàn tối đa cho bạn.

Bước 2: Bạn cần tháo rơ-le điều chỉnh nhiệt độ ra khỏi bình nóng lạnh. Tiếp theo, bạn hãy làm sạch toàn bộ các phần giắc cắm ở rơ-le và ở chân sợi đốt. Cần đảm bảo khi cắm chắc chắn không có tia lửa điện và hiện tượng cháy nổ, chập điện… gây nguy hiểm.

Bước 3: Tiến hành mở phần gioăng ở mặt bình nước, xả nước và tháo ruột đun. Sử dụng nước tẩy cặn chuyên dụng để vệ sinh vì nước tẩy cặn sẽ giúp làm tan các cặn bám ở thành ruột. Sau đó, tiến hành súc rửa sạch cặn trong bình cho tới khi nước không còn bị đục.

Bước 4: Kiểm tra thanh Magie hay còn gọi là thanh tẩy cặn xem nó có bị ăn mòn không. Trong trường hợp thanh Magie bị hao mòn trên 60% so với hình dáng ban đầu, bạn nên thay một thanh mới để tiếp tục sử dụng. Đây là bước khá quan trọng, không thể bỏ qua vì nếu thanh Magie bị ăn mòn không được thay mới thì nó sẽ phản ứng với các kim loại trong bình và ăn mòn vỏ bình, gây rò rỉ điện và ảnh hưởng tới người sử dụng.

Bước 5: Sau khi vệ sinh và bảo dưỡng bình nóng lạnh xong, bạn hãy lắp ráp lại các bộ phận của bình một cách đầy đủ. Đồng thời, hãy kiểm tra các khớp nối và gioăng xem đã đảm bảo an toàn hay chưa.

Bước 6: Mở van nước nóng ra để xả khí trong bình, đồng thời mở van cấp nước lạnh vào bình để nước được chảy ra ở cửa nóng. Nếu thấy nước đã chảy thành dòng và không còn bọt khí, bạn hãy đóng van nước nóng lại. Sau đó, cắm điện cho bình nóng lạnh chạy bình thường và kiểm tra xem nhiệt độ nước có đạt độ nóng tốt hay không.

Lưu ý khi vệ sinh bình nóng lạnh:

– Không dùng các chất tẩy rửa trong quá trình vệ sinh bình nóng lạnh trực tiếp.

– Nên dùng khăn mềm, nước ấm.

– Bạn có thể căn cứ vào chất lượng nguồn nước nơi mình sinh sống mà quyết định thời gian vệ sinh, bảo dưỡng bình định kỳ.

– Tần suất lý tưởng để tiến hành vệ sinh là 1-2 lần/năm.

Video xem thêm: Tham tiền quên người thân, tham rượu quên người khác,tham sắc quên chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||2a00329d0__