Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.
Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!
***
Mới đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ rất nhiều hình ảnh về cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục của một vài Giáo sư với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Trước thông tin 49 tỉnh thành sẽ áp dụng bộ sách thực nghiệm này, nhiều phụ huynh đã tỏ ra vô cùng lo lắng bởi khi họ bắt đầu quan tâm đến nó thì phát hiện rằng có rất nhiều vấn đề. Trước tiên, chúng ta sẽ không bàn đến chuyện đúng, sai ở chương trình này mang ở khía cạnh vĩ mô mà chỉ quan tâm đến những bài học được biên soạn trong sách. Bởi đối với học sinh mà nói, đặc biệt là những đứa trẻ mới vào lớp 1, sách giáo khoa là định hướng đầu tiên hình thành nên nhân cách, lối sống của cả cuộc đời các em.
Có thơ rằng:
Tâm hồn trẻ như tờ giấy trắng
Chưa hề in cong thẳng nét gì
Ta như cây thước, ngọn chì
Vạch từng nước bước, đường đi buổi đầu
Kẻ đường thẳng về sau thẳng mãi
Vạch đường cong, sau lại càng cong.
Vậy cũng nói, cuộc đời một đứa trẻ, tương lai của một thế hệ phụ thuộc rất nhiều bởi giáo dục, bởi những gì mà chúng tiếp xúc khi còn bé, và sách giáo khoa là một phần quan trọng trong đó.
Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ khi tìm hiểu về cuốn sách giáo khoa cải cách đó là bài học “Quả bứa”. Câu chuyện kể về hai đứa bé nhặt được quả bứa nhưng chưa biết làm thế nào để chia cho nhau công bằng. Đúng lúc ấy chúng gặp được cậu Cả lớn tuổi hơn nhờ phân xử. Cuối cùng, cậu Cả phân xử bằng cách chia cái vỏ cho hai đứa, còn phần ruột thì cậu vừa ăn vừa bỏ đi. Tôi tự hỏi điều câu chuyện này muốn gửi gắm đến học sinh là gì? Phải chăng là sự giảo hoạt trong xã hội, là “quyền” bắt nạt của kẻ mạnh đối với kẻ yếu thế? Bên cạnh đó, cách xưng hô “mày – tao” trong bài cũng không phù hợp với văn hóa truyền thống vốn dạy làm người cần có trên có dưới, xưng hô cũng phải có thứ bậc để thể hiện sự tôn trọng và kính trọng đối phương.
Bài học “Vẽ gì khó” càng khiến người ta cảm thấy khó hiểu bởi “thông điệp” mà các nhà làm giáo dục muốn gửi đến cho những đứa trẻ non nớt, những tờ giấy trắng tinh, những mầm non tương lai của đất nước. Dạy trẻ gì đây? “Sự khôn ngoan” hay lối nghĩ có thể đổi trắng thành đen? Hơn nữa, trong kho tàng văn hóa của Việt Nam đâu thiếu những hình ảnh ông Bụt bà Tiên, sao lại phải dạy những đứa trẻ về những thứ ma quỷ ghê rợn? Thật không dám nghĩ tương lai của một thế hệ sẽ đi về đâu khi ngay cả trong môi trường an toàn nhất – giáo dục người ta còn đang đề cao sự lấp liếm, thiếu trung thực.
Còn đâu nữa những đạo lý về lòng hiếu thảo, sự biết ơn dành cho cha mẹ khi những đứa trẻ học đến bài “Bé xách đỡ mẹ”? Tôi nhớ trong Tam Tự Kinh (sách dạy học cho trẻ em Trung Quốc xưa) có câu chuyện Hoàng Hương 9 tuổi đã biết quạt mát gối vào mùa hè và lấy thân mình ủ ấm chăn vào mùa đông để cha ngủ ngon giấc. Những câu chuyện như vậy nếu cho vào sách giáo khoa dạy trẻ chẳng phải sẽ tốt hơn hay sao? Vì cớ gì lại dạy trẻ cách sống ích kỷ chỉ biết nhận tình thương của cha mẹ mà không báo đáp?
Bồi hồi nhớ về sách giáo khoa xưa…
Nhìn sách giáo khoa cải cách bây giờ, không ít người bồi hồi nhớ về những cuốn sách giáo khoa xưa với những bài học hướng thiện, dạy con người đối xử tử tế với nhau cùng những lời văn đơn giản và nhân văn. Đó là cái thời mà xã hội chưa có làn sóng đô thị hóa và tuổi thơ của những đứa trẻ vẫn đầy “hương đồng, gió nội”. Những bài văn, bài thơ đều rất dễ thuộc, rất gần gũi, mang sắc màu cổ tích thật đẹp.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,
Thấy chú bé đi hài bảy dặm,
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền.
Dưới đây là hình ảnh về những bài học trong sách giáo khoa được xuất bản năm 1935 (trước khi cải cách):
Có thể thấy, lời văn trong những cuốn sách trên vô cùng mộc mạc giản dị, ngôn ngữ gần gũi dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn, những bài học được biên soạn trong sách hết sức nhân văn và ý nghĩa. Bởi giáo dục của ông cha ta xưa đều chú trọng “Trước dạy làm người – sau dạy kỹ năng”.
Còn nhớ thời tôi đi học, trong mỗi lớp học đều dán dòng chữ rất lớn phía trên bảng đen “Tiên học lễ – Hậu học văn”. Thuở đó tôi còn chưa thực sự nhận thức được những chữ đó, nhưng càng lớn, càng trải nghiệm, tôi càng hiểu ra giá trị của “Tiên học lễ”. Nói cách khác tôi hiểu được, đó là giá trị quan trọng của lễ nghi, của nhân cách, của đạo đức làm người. Và đó phải là nền tảng, là điểm khởi đầu của bất kỳ một ai khi bước chân đến cuộc đời này.
Những bài học trong sách giáo khoa từ sau cuộc cải cách giáo dục năm 1979:
Thực ra, những cuốn sách giáo khoa cũ dù không hoàn hảo và còn nhiều thiếu sót nhưng thế giới bình dị và yên ả trong sách có lẽ đã ghim sâu vào tâm trí mỗi đứa trẻ đi học thời bấy giờ. Những bài học đó đã nuôi dưỡng cho các em những ý niệm đầu tiên về chân – thiện – mỹ, cũng chính là niềm cảm hứng để sau này các em đối mặt với khó khăn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp.
Có lúc tôi đã tự hỏi chúng ta cải cách giáo dục nhiều thế để làm gì, khi mà những câu chuyện xấu xí chốn học đường cứ mỗi ngày một gia tăng. Phải chăng, chúng ta đã quên mất mục đích của đổi mới? Hay là do chưa tìm được lời giải căn bản từ sâu bên trong?
Tôi không muốn chỉ trích những thay đổi trong ngành giáo dục, càng không có mục đích bảo vệ những tư tưởng giáo dục trước kia. Nhưng quả thực tôi thấy chúng ta thật quá lãng phí khi mà cứ mấy năm lại thay sách giáo khoa một lần, hoặc tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho những đề án không khả thi và kém hiệu quả…
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào việc học trò thực sự cần gì chứ không phải chỉ chạy theo những ý tưởng của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành. Bởi chất lượng của giáo dục không nằm ở sự hoành tráng của cơ sở vật chất hay những báo cáo thành tích ảo, mà quan trọng hơn cả là trẻ em sẽ học được gì và trở thành người như thế nào trong tương lai.
Tôi vẫn khắc ghi trong tâm mình hình ảnh của những hàng cây trong gió bão. Từ đó tôi nhận ra rằng dù gió mạnh tới đâu, thổi theo hướng nào, dữ dội trong bao lâu thì những hàng cây dẫu có ngả nghiêng nhưng không hề bật gốc, không hề gục ngã. Đó là vì những chiếc rễ đã cắm sâu nơi lòng đất, tạo một nền móng vững chắc và lâu bền. Đạo đức với con người cũng tương tư như rễ cây vậy. Nếu mỗi người có tiêu chuẩn đạo đức cao thượng và kiên định giữ vững những tiêu chuẩn đạo đức ấy dẫu cám dỗ bủa vây hay trào lưu liên tục cập nhật, thì chính như rễ cây đã vững, cây sẽ càng ngày càng phát triển và ngoại cảnh không thể có tác dụng thay đổi hay phá hoại.
Giáo dục chính là đôi bàn tay tác động vào gốc rễ của cây, quyết định một phần không nhỏ tới sự phát triển và sức sống của những cái cây đó!
(Nguồn ảnh: Facebook)
Thiện Nam