Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Bác tôi làm nghề lái xe đã nhiều năm, từ thuở tôi còn học trung học. Giờ đây, công việc bận rộn, tôi không còn nhiều thời gian về thăm quê như trước. Chợt nhận ra cũng chẳng còn mấy nữa mà hết năm, trong ráng chiều những ngày cuối Thu đầu đông, tôi khoác chiếc balo rồi bắt vội chuyến xe về quê….Tôi đến thăm bác một buổi chiều nhạt nắng. Dù đã sang tháng 10 nhưng bác vẫn còn ngâm nga với tôi câu chuyện của “tháng 7 cô hồn”…

Tháng 7 âm lịch có lẽ là khoảng thời gian ảm đạm nhất trong năm với những người làm ăn buôn bán. Giới lái xe chở hàng cũng mệnh danh tháng 7 âm là “cái tháng treo niêu” vì chẳng ai dám gọi đi chở đồ. Dân ta thường quen với cái lệ, tháng cô hồn thì kiêng làm ăn mua bán, xuất hành. Mà kể cũng đúng vì nhiều lần ông bác tôi chở hàng cho khách trong cái tháng này cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.

Tuy bây giờ đã bắt đầu có khách gọi chở hàng, nhưng đa số thời gian, bác vẫn lôi cái điếu cày mòn vẹt ra ngồi trước hiên nhà, chờ mấy ông hàng xóm ghé qua tán gẫu. Cái xe tải 8 tạ nằm chơ vơ ngoài ngõ là nồi cơm của cả gia đình ba người, nào ai dám thong dong ngồi nhà xơi nước như vậy? Ngày nào không có khách là ngày ấy lòng bác như lửa đốt!

Những chiếc xe nằm im lìm trong tháng cô hồn (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Mắt bác đăm đăm đưa theo làn khói thuốc đang tan theo gió, câu chuyện của chúng tôi cũng dần thân mật hơn. Bác kể tôi nghe về những điều cay đắng trong cái nghiệp lái xe: Về lệ phí vận tải, về rủi ro hỏng hóc dọc đường và cả những lần khách trả tiền không đủ. Những tủi hờn của cái nghề này có lẽ cũng chát chúa như làn khói thuốc kia. Có khách là một chuyện, nhưng vận chuyển ra sao lại là chuyện khác. Cánh lái xe chắc chắn phải đôi lần trải qua nhưng chuyến hàng oái oăm nhận cũng dở mà không nhận cũng dở.

Cũng vào tầm này năm ngoái, một bà khách nhờ bác chở hàng gấp ra sân bay Nội Bài, tầm 6 giờ sáng mai máy bay cất cánh thế mà 9 giờ đêm hôm trước bà mới gọi điện thoại. Hàng hóa chỉ là mấy thùng đựng ống sắt thôi, nhưng giá trị rất lớn vì đây là phụ tùng cho hệ thống máy công nghiệp.

Lái xe đêm từ tỉnh lẻ ra Hà Nội không phải chuyện chơi, nhất là bác tôi chỉ quen chạy trong thành phố. Hôm ấy thấy trong người hơi mệt, bác đã định bụng từ chối. Nhưng lại nghĩ: “Tháng này ít khách, mà người ta cũng nài nỉ quá. Thôi thì tặc lưỡi cố thêm một tý vậy, đi một chuyến chắc cũng đủ tiền đóng học cho con bé con ở nhà tháng này!”

Đường về đêm vắng vẻ, xe đi cũng nhanh, 12 giờ đêm xuất phát thì đến 3 giờ sáng là gần đến nơi. Dù có thấm mệt nhưng cũng may là mọi chuyện đều êm đẹp. Chỉ đến khi còn cách điểm tập kết hàng ở Sân bay 10km thì rắc rối mới ập đến – cái xe dở chứng. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà lốp sau của nó cán phải đinh.

Chạy hàng mà bị hỏng xe giữa đường là chuyện bình thường, bác tôi chậm rãi tìm hộp phụ tùng sửa xe cất trong ngăn chứa đồ, rồi chợt nhớ ra, thùng phụ tùng ấy bị đã bị bỏ quên ở nhà…

Cái tháng cô hồn bị người ta gán là tháng đen đủi có lẽ cũng không oan, tình cảnh lúc này của bác thật là hết chỗ nói. Hàng trong xe không nặng nhưng giá trị cao, gọi cứu hộ thì không nhấc máy, 3 tiếng nữa là máy bay cất cánh nhưng xung quanh chẳng có lấy một bóng người. Làm sao cho kịp chuyến hàng đây.

Sửa xe dọc được là chuyện bình thường với người lái xe (Ảnh: Pxhere)

Bác đánh liều khóa xe lại rồi vội vã đi men theo con đường để tìm tiệm sửa xe gần nhất. Từng bước chân nặng nề của người đàn ông trung niên cứ thế vang vọng trên mặt đường nhựa. “Giờ này chắc chẳng ai làm đâu, nhưng cũng đành thử vậy, người ta sửa giúp mình thì may, mà không thì chỉ cần mượn được đồ nghề rồi tự là tốt lắm rồi!” – Bác dặn lòng mình phải bình tĩnh, cố để dẹp cái ý nghĩ: “Mình sẽ phải đền chủ hàng bao nhiêu tiền”. Nhưng suy nghĩ ấy vẫn văng vẳng mãi không thôi.

Cứ thế đi ngược mấy cây số men theo ánh đèn đường vàng vọt, không gian không có lấy một bóng người. Chiếc xe càng ngày càng xa bác, không biết nó bị vứt bơ vơ bên vệ đường như thế có làm sao không?

Đang miên man trong những câu hỏi, bác chợt thấy có một gara ô tô từ phía xa. Cổng sắt đóng kín xem chừng chẳng muốn ai làm phiền, nhưng bác vẫn dạn dĩ tiến tới và gõ cửa. Hồi lâu sau đó, một người phụ nữ còn đang ngái ngủ bước ra, khi nghe bác trình bày mặt cô thoáng có chút ái ngại: “Bác ạ, bình thường thì em với chồng cũng sẵn sàng giúp thôi, người ta gặp chuyện này nhờ bọn em nhiều rồi. Nhưng hôm qua anh nhà em gặp mấy ông bạn, uống say quá. Lúc về nhà còn nôn thốc nôn tháo, giờ đang nằm li bì ở trong kia. Chúng em không giúp bác được rồi!”

(Ảnh: Max Pixel)

Khó càng thêm khó, bác tôi vẫn cố nài nỷ: “Cô cho tôi vào gặp anh ấy, tôi cũng không cần người giúp, tôi chỉ xin mượn bộ đồ nghề để sửa thôi. Chuyến hàng này mà đợi đến sáng thì không kịp mất cô ơi!” Thêm chừng 5 phút, có lẽ cũng không đành lòng, cô vợ miễn cưỡng dẫn bác vào gọi ông chồng dậy.

Mùi rượu nồng nặc ám quanh chiếc giường, hôm qua ông này chắc hẳn phải uống kinh lắm. Bác lay mãi ông ấy mới chịu tỉnh, giọng nói lè nhè toan đuổi khách. Trong lúc người đàn ông đang còn lơ mơ, thì bác tôi đã kịp nhận ra gương mặt này thật quen: “À đúng rồi, này chú, chú nhớ tôi không, tôi chở con xe 5 tạ từng kéo chú ở Ninh Bình đây, cái hôm xe chú bị chết máy ấy!”

Mắt ông thợ sửa xe líu tíu nhập nhèm, hơi men vẫn còn làm ông mê man lắm, nhưng nói đến cái lần được cứu hộ đó, ông ấy như bừng tỉnh: “Anh Hoàng… phải không,… anh dùng dây kéo xe em một đoạn đến Gara… Sao anh lại ở đây”, giọng nói vẫn lè nhè nhưng thêm vào đó là sự ngỡ ngàng cảm kích.

Nói chuyện một hồi, ông chủ cửa hàng lâng châng đứng dậy, nằng nặc đòi đi giúp ân nhân: “Không anh cứ để em, lần trước anh giúp em, chẳng nhẽ lần này em không đền được ơn bác”. Nói rồi giục vợ lấy cho được bộ đồ nghề.

Nhìn ông thợ chếnh choáng mà cũng buồn cười, anh em người ta được cái nhiệt tình nên bác không nỡ can ngăn nữa. Có ai ngờ rằng trong lúc hoạn nạn lại gặp được người mình từng giúp đỡ. Hai người cùng đi ra chỗ chiếc xe của bác, trên đường đi, ông thợ sửa xe cứ nhắc mãi về cái lần chết máy ở Ninh Bình.

Người thợ sửa vẫn rất cố gắng dù đang còn hơi men trong người (Ảnh: Pxhere)

“Đấy đi ra nơi đất khách khổ thế cháu ạ. Lúc được người lạ giúp thì mừng ơi là mừng, mình giúp người rồi người lại giúp mình, cái phận lái xe tuy hẩm hiu nhưng nó có tình người. Ăn đứt khối đứa làm công ăn lương!”. Bác khoái chí kể với tôi.

Về đến chỗ cái xe bị thủng xăm, cả hai hì hụi hết gần một tiếng đồng hồ, chủ yếu là vì ông thợ say quá, vừa làm vừa gục hết bên này đến bên kia, lúc thì choàng tỉnh, lúc thì lơ mơ như sắp ngủ rũ xuống. Nhưng mà ông ấy quyết chí phải chính tay mình làm, vặn từng ốc vít, khởi động xe trong tình trạng say xỉn, một động tác mà phải mất đến mấy phút. Thế là mãi tầm 5h sáng chiếc xe mới có thể lăn bánh.

Họ cảm ơn nhau, rồi hẹn ngày gặp gỡ giao lưu. Xong đâu đấy bác tôi vội vã đạp chân ga tiến thẳng đến Nội Bài.

Mỗi đời người một số phận, cũng chỉ vì miếng cơm

Ngồi sau tay lái cũng chỉ vì miếng cơm manh áo (Ảnh: Pxhere)

Người ngồi sau tay lái mang trên vai cả gia đình và phía trước là hiểm nguy luôn rình rập. Xe cộ thì nhung nhúc trên đường, tài xế chỉ va quệt nhẹ thôi có khi cũng mất đến tiền triệu, chứ chưa nói đến những tình huống khác. Hàng mình chở cho người ta, đến nơi an toàn thì không sao, chứ mà lỡ dọc đường có sự cố, thì cũng thân mình phải gánh chịu… Cơ cực lắm!

Tôi không biết những người trong nghề vận tải có suy nghĩ như thế nào, nhưng với những người tài xế tôi từng trò chuyển, ẩn sau vẻ ngoài bụi bặm giang hồ vì miếng cơm manh áo, trong họ đều là những tấm lòng lương thiện sẵn sàng giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ. Có trải qua mới hiểu được tấm lòng ấy thật đáng quý. Rong ruổi trên xa lộ, dù tài giỏi đến đâu ta cũng có khi gặp trắc trở. Đó là lúc mà tình người được thể hiện đầy đủ nhất.

Tôi biết bác là người tốt, nhưng giờ đây tôi lại thêm phần cảm phục và cũng thêm phần cảm phục những người lái xe tốt bụng ngoài kia. Đâu phải làm công to việc lớn gì mới là anh hùng, bác cháu ta chỉ cần làm những việc tốt nho nhỏ thôi, rồi người khác cũng vậy thì ai cũng sẽ là anh hùng. Phải không bác!

Nguyên Trực