Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

“Báo nhà” là thuật ngữ mà những con bạc thường nói với nhau khi họ không còn khả năng trả nợ cho cuộc đỏ đen mình đã tham gia. Lúc ấy, chủ nợ tìm đến nhà và thông báo với gia đình về tình trạng nợ nần của con nợ. Nếu gia đình không thanh toán đủ số tiền, chủ nợ sẽ đe dọa, hành hung thậm chí lấy mạng của con nợ và những người liên quan. Có lẽ bác tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ được rằng đĩa nem rán năm xưa lại dẫn đến chuyện báo nhà ngày nay.

(Ảnh: news.zing.vn)

Cái tết đó lẽ ra đã rất vẹn toàn, một năm qua gia đình bác cũng có chút của ăn của để, nợ ngân hàng mua xe tải đã trả xong, mấy ngày giáp tết khách thuê xe chở hàng cũng nhiều, đứa con gái út thi vào cấp 3 năm rồi cũng đạt điểm cao, lại thêm cả nhà chẳng ai ốm đau bệnh tật gì cả. Nhưng vào đúng ngày tiễn ông táo về trời thì tai họa lại bỗng nhiên ập đến.

Giọng nói của bác dần trĩu nặng khi kể về cậu con tên Trường: “Nó xin tiền bác nói là đi mua lá dong về bán tranh thủ mấy ngày cuối năm, thấy con chí thú làm ăn thì lòng cha mẹ cũng mừng. Bác phải tất tả đi vay khắp nơi được hơn 30 triệu, đưa cả cho nó rồi dặn dò đủ điều. Nó dạ dạ vâng vâng, cầm tiền đi biền biệt mấy hôm nay, cả nhà thì yên tâm là nó đi các huyện xung quanh thu mua lá dong. Ai ngờ hôm qua, có người đến báo, bảo là Trường mượn 3 cái xe máy mang đi cắm đánh bạc. Gia đình liệu liệu mà kiếm tiền trả nợ thay cho nó…”

Mắt bác rưng rưng như không muốn kể thêm nữa: “Con cái thế đấy cháu ạ, đem về nhà chỉ toàn nhục là nhục…”

Vài năm trước, Trường cũng nợ người ta mấy trăm triệu tiền lô đề rồi anh trốn vào Nam một thời gian. Hồi đó tụi bảo kê đến đe dọa rồi ném mắm tôm vào nhà khiến hai bác sợ lắm. Canh bạc đỏ đen ấy làm gia đình lao đao hơn 3 năm trời. Bởi vì nếu không trả cho chủ nợ thì chúng nó cho người đến đập phá, rồi còn anh Trường nữa, trốn sao được bọn giang hồ…

Những canh bạc (Ảnh: Vietgiaitri.com)

Đến khi hai bác trả đủ tiền cho người ta thì anh quay về nhà, xem như cũng là nhận ra bài học cho cuộc đời, năm ngoái nghe bác gái kể anh giờ lái xe tải phụ bố, thời gian rảnh chỉ thích đi câu cá, tôi cũng an lòng phần nào. Nhưng đến giờ phút này, tôi chẳng còn tin vào anh nữa, phận làm con mà để cha mẹ tuổi đã xế chiều phải nhọc lòng như vậy thì ai thông cảm cho được. Từ hôm trò chuyện với bác, tôi cũng tự đặt cho mình một câu hỏi lớn: “Đời Trường vì sao mà nên nông nỗi này!”

Đời anh vì sao mà nên nông nỗi này?

Trường liền cầm cả đĩa nem mà trút ập vào bát của mình (Ảnh: 24h.com)

Hồ bé tôi có lần sang nhà Trường ăn cơm, anh vốn thích ăn nem rán, mà trên đĩa khi ấy chỉ còn lại vài miếng. Nghĩ bác gái còn đang bận giặt quần áo ngoài giếng nước chưa có thời gian ngồi vào mâm, tôi định bụng rằng không gắp thêm nữa vì dù sao bữa trưa cũng sắp xong. Thế nhưng thấy không ai ăn nữa, Trường liền cầm cả đĩa nem mà trút ập vào bát của mình.

Bố anh, bác ruột tôi lúc ấy còn cười cợt: “Còn bé thì ăn cho nhiều vào, tý nữa mẹ mày giặt xong thì mua thêm ít giò lụa nữa, lo gì!”. Điều đó hoàn toàn trái ngược với điều mà bố mẹ dạy tôi: “Ăn cơm thì phải để một phần thức ăn ngon lại cho người khác, làm gì thì cũng nghĩ đến người khác một chút”. Nghe lời cha mẹ, đôi khi tôi còn nghĩ mình nên ăn nhiều cơm hơn để dành đĩa thức ăn cho cha mẹ, dù đó chưa hẳn là việc một đứa trẻ chưa đủ tuổi vào lớp 1 như tôi phải làm nhưng tôi nghĩ điều đó là tốt với cuộc đời mình sau này, ít nhất là so với Trường.

Trường đã được nuông chiều như thế, là cháu đích tôn của dòng họ, lại vốn thông minh lanh lợi nên tôi luôn bị đem so sánh với ông anh tinh ranh của mình. Hồi còn chưa đi học Trường đã học thuộc hết bảng cửu chương, còn tôi dù lên cấp 2 thì vẫn ngô nghê nên nhiều khi bị ông anh bắt nạt. Cả nhà cho rằng tôi chắc chắn tiền đồ sẽ không bằng ông anh họ, và rằng Trường láu lỉnh thế, sau này rồi sẽ học cao…

Bao bọc và dạy con ích kỷ là cách mà nhiều cha mẹ Việt đang dạy con (Ảnh: vietnammoi.vn)

Giờ đây, khi có một công việc ổn định sau khi học đại học, tôi chẳng thể nào vui vẻ mà kể về nó trước mặt hai bác ruột của mình, những câu dạy con của bác khi xưa tràn ngập trong đầu tôi: Mày dại lắm, cái gì tốt thì phải cầm ngay chứ, bóng đèn điện bật cả đêm chỉ hết có bốn ngàn thì lo gì, ai đánh mày thì mày cứ đánh lại cho bố, có gì bố chịu…

Có lẽ anh đã làm đúng y như lời cha mẹ dặn thời thơ bé, chỉ là khi trưởng thành thì vấn đề không chỉ còn xoay xung quanh đĩa nem rán ngày nào… Bác kể rằng, tối hôm qua anh gọi về cho bác, anh mếu máo thốt lên rằng thương bác lắm, rằng bọn bạn anh nó khốn nạn lắm, chúng nó bảo chơi tới bến đi có gì nó cho vay, và giờ bạn bè chẳng thấy đâu còn anh đang phải chui lủi ở nơi đất khách…

Dạy con – Bao bọc liệu đã đủ?

Chắc rằng câu chuyện trên không lạ với mọi người, và cũng đã có nhiều người phân tích về nó. Cái việc con cái đem tiền nhà đi chơi bạc rồi trốn mất tăm để cha mẹ nai lưng trả nợ thay như là một hiện tượng nhức nhối không chỉ trong những thôn xóm nghèo nàn mà ngay nơi phố thị văn minh cũng là phổ biến.

Nhiều người nói rằng đó là vấn đề của tâm lý bao bọc trong các cha mẹ phương Đông. Tôi cho rằng chưa hẳn đã đúng. Nếu nói bao bọc là điều kiện cần thì vẫn còn thiếu một thứ để làm điều kiện đủ. Cha mẹ tôi cũng khá bao bọc tôi, nếu không nói là bao bọc một cách thái quá. Nhưng tôi chưa từng một lần mang đến cho gia đình bất kể phiền phức hay tai tiếng gì từ chuyện học hành cho đến chuyện xã hội.

Có những người đã trưởng thành, là trụ cột gia đình nhưng vẫn sẵn sàng “tất tay” mỗi khi mùa bóng đến(Ảnh: btj.com.vn)

Sau này, khi bươn chải nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, tôi được gặp những người trưởng thành, là trụ cột gia đình nhưng vẫn sẵn sàng “tất tay” mỗi khi mùa bóng đến, bao nhiêu gia đình phải “ra đê ở” chỉ vì chút máu liều của người bố, người chồng. Họ sao có thể dựa dẫm vào sự bao bọc của cha mẹ được nữa khi mà hai bên nội ngoại đều không còn ai?

Rồi nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi nhận ra chúng ta vẫn còn một điều chưa nghĩ đến: “Cha mẹ ngày nay chẳng bao giờ dạy con đủ nhiều về tấm lòng nghĩ cho người khác”.

Tôi từng bàng hoàng khi chứng kiến một giáo viên mắng con là đồ kém cỏi vì nó không biết trả đũa đám bạn đã bắt nạt nó ở trường. Một người mẹ khác dạy con nói dối hàng xóm, một ông bố nói về mẹo mực cuộc đời với người khác trước mặt con và bản thân những đứa trẻ đó khi lớn lên thì lại càng trái tính trái nết.

Khi một con người được tiêm vào đầu cái suy nghĩ ích kỷ từ thời thơ bé, cha mẹ có thể nghĩ rằng chúng chỉ làm thế với người ngoài. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, và tính ích kỷ cũng lớn lên theo thì ai dám đảm bảo rằng những điều chúng được dạy không quay sang làm hại cả những người sinh thành ra chúng. Một khi mà những “đứa trẻ không lớn” chỉ biết nghĩ về mình, lao vào sới bạc, thì vợ con, cha mẹ, anh em, làm sao quan trọng bằng cái máu liều đang sôi sục cơ chứ!

Được thì ăn cả, mà ngã thì … kệ thôi, suy cho cùng cũng là cái chuyện nhân quả của cha mẹ vì dạy con sai lầm từ tấm bé.

Văn hóa Phương Đông không dạy người ta làm kẻ ích kỷ

Văn hóa Phương Đông không dạy người ta làm kẻ ích kỷ (Ảnh: soha.vn)

Ở Trung Quốc, dù là kẻ đến sau, nhưng sòng bạc Macao từ lâu đã vượt xa Las Vegas hoa lệ về độ chịu chơi trong các canh bạc. Không hẳn vì những người ở đây giàu có hơn, mà là vì họ không cần phải nghĩ đến trách nhiệm với người khác khi đã lao vào sới bạc. Văn hóa truyền thống của nước bạn đã dạy con cái điều đó ư?

Khổng Tử nói rằng: “Cái mình không thích, chớ làm cho người “, “Người quân tử tác thành cái tốt đẹp cho người, chứ không tác thành cái xấu cho người khác”.

Những câu nói ấy được lưu giữ đã hàng ngàn năm, từ cha truyền cho con, thầy dạy cho trò. Đáng quý thay, điều ấy đem đến cho xã hội một sự an định và hòa ái. Khi xưa làm gì có chuyện con đánh lại cha, thầy bắt trò uống nước lau bảng, con người thì tham lam chỉ biết nghĩ cho mình.

Và hệ lụy của việc xem nhẹ vai trò của việc dạy con làm người chính là điều mà các cha mẹ ngày này đang gặp phải. Người ta loay hoay tìm cách dạy con sao cho nó vừa có hiếu với cha mẹ, lại vừa không bị người ngoài bắt nạt. Nhưng cách làm của họ vô hình chung chính là đang đẩy con mình vào con đường nghiệt ngã nhất của những sai lầm nối tiếp sai lầm.

Người Phương Đông là những người yêu thương và bao bọc con cái, vì cái truyền thống gia đình từ ngàn xưa vẫn vậy, nó có điểm tốt và cũng có điểm xấu. Nhưng nếu lưu giữ trong gia đình quan điểm truyền thống chân chính khi dạy con thì xã hội này nào có thể lệch lạc như thế. Đứa trẻ với người ngoài cũng cư xử chan hòa thì sao không biết yêu thương cha mẹ cho được. Làm người vốn đã vì người khác thì sao có thể nhẫn tâm để người thân gánh chịu tội nghiệt của mình cho cam….

Sống vì người khác thì người ta sẽ không có lý do gì mà xa vào tệ nạn!

Dẫu biết rằng, mỗi người có một đường đời riêng, và mỗi người đều phải có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình. Nhưng nhà văn Hoàng Đạo Thúy từng viết một câu như thế này: “Ai cũng coi việc dạy con là quan trọng, mà pháp luật cũng ghi rõ trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, không phải chỉ với trẻ dưới tuổi ‘thành niên’ thôi. Con cái lớn tuổi mà có lỗi, luật không kể tội cha mẹ, nhưng cha mẹ vẫn không trốn được trách nhiệm. Cái khổ thâm nhất là lúc mình đã kiệt sức rồi mà không làm gì được để giảm lỗi cho con nữa”. 

Góc nhìn trên xin để lại cho quý độc giả tự đánh giá. Riêng về phần mình, giờ đây tôi đang lo lắng cho bữa cơm ngày mai của gia đình bác, bên tai tôi vẫn văng vẳng câu nói cuối cùng của bố Trường với con: “Về đi, về đi con…” – Ừ, anh về đi, về để cha mẹ anh trả nốt cái nợ đời mà họ đã tạo ra…

Nguyên Trực