Với những người mới yêu nhau, một vòng ôm là nồng đượm yêu thương. Nhưng với những người đã ở bên nhau 60 năm cuộc đời, một vòng ôm là trọn một vòng ân nghĩa.
Câu chuyện nhỏ được kể lại cùng với bức ảnh tình yêu “vòng ôm của bà” đã giúp sưởi ấm rất nhiều trái tim trong những ngày đầu đông giá lạnh. Bức ảnh đã được con gái của hai nhân vật chính chụp lại, trong một lần chị vô tình đi vào phòng bố mẹ.
Khung cảnh hiện ra trước mắt khiến chị không khỏi ngạc nhiên. Bố chị, một người đàn ông đã đi qua 80 năm cuộc đời, đang ngồi yên trên giường, hình như đang lau nước mắt. Mẹ chị, người đã ở bên bố 58 năm đang trở thành nơi để bố dựa vào. Bà vòng đôi tay gầy nhỏ của mình nhẹ ôm lấy thân hình cao lớn nhưng không còn nhiều sức lực của chồng. Mẹ chị tựa đầu vào tấm lưng của bố, đôi mắt nhắm lại, khuôn mặt an yên, như để ông hiểu rằng, dù thế nào đi nữa ông vẫn là tấm lưng vững chãi mà bà luôn tin tưởng để dựa vào.
Chị Trần Giang, ở Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội – người đã chia sẻ bức ảnh này tâm sự, chị không biết rõ bố mẹ đã nói với nhau những gì trước đó, nhưng khung cảnh lúc ấy khiến chị bật khóc như một đứa trẻ:
“Gần một tháng trời, mấy mẹ con đưa bố đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhiều lần tưởng bố không qua khỏi, nhưng không đứa nào dám khóc vì sợ mẹ lo lắng và buồn, vậy mà khi thấy hình ảnh này, chẳng hiểu sao tôi khóc hu hu rồi vội vàng chạy ra khỏi phòng vì sợ bố mẹ phát hiện”.
Qua những lời kể của chị Giang, hẳn ai cũng có thể hình dung được câu chuyện tình yêu của bố mẹ chị, những con người đơn thuần, yêu nhau bằng một tình yêu dung dị. Họ không dùng lời nói để yêu thương mà dùng tấm chân tình, dùng cách thay đổi bản thân mình, dùng cách nghĩ suy cho người khác để cùng nhau vượt qua hết những giông bão của cuộc đời. Vậy nên, cũng là điều dễ hiểu khi bố chị Giang phải nằm viện, mẹ chị không rời bố nửa bước. Dù các con khuyên mẹ về nghỉ vì lo mẹ quá sức, nhưng bà đều từ chối.
“Chỉ cần bố con sống, còn ốm yếu thế nào mẹ cũng hầu được, vất vả thế nào mẹ cũng chịu được”. Đó là lời nói mà chị Giang nghe được nhiều nhất từ mẹ trong những ngày này. Khi đã ở bên nhau hàng chục năm, trải qua bao nhiêu gập ghềnh của lòng người và của cuộc đời, sự có mặt của người kia chính là điều lớn nhất khiến người này hạnh phúc.
Bố mẹ đều là người của thế hệ trước, nên nhiều điều không bao giờ nói ra thành lời. Với họ, hành động và thời gian mà họ dành cho người kia sẽ nói lên tất cả. Ở bên bố trong những phút giây này, xoa dịu những nỗi đau, những lo lắng của bố là điều lớn nhất mà mẹ có thể làm để đền đáp lại những ân nghĩa mà trong kiếp sống này bố mẹ đã trao nhau. Những vất vả về tinh thần hay thể chất của riêng mẹ đều không thể ngăn mẹ chăm bố. Vì mẹ hiểu hơn ai hết rằng lúc đó, bố cần mẹ nhất.
Đó là mẹ, còn bố, bố chị cũng đối đãi với mẹ chị bằng một tấm chân tình như thế. Chị Giang nhớ lại:
Sau khi ra khỏi cơn mê sau gần 1 tháng trời, người đầu tiên bố tìm là mẹ. Khi nhìn thấy khuôn mặt thân quen, câu đầu tiên mà ông hỏi chính là:
“Bà khỏi mệt không?
Bà ăn gì chưa?
Bà cố lên nhé!
Bà khó nhọc về tôi quá!”
Thời gian có thể khiến cho sự nồng nàn của tình yêu vơi bớt, nhưng nó lại khiến cho ân nghĩa thêm sâu nặng, tròn đầy. Sống với nhau nhiều năm, qua những va vấp, những sai lầm, để có thể đi với nhau tới chặng này của cuộc hành trình, hẳn cả hai người đều đã học được cách lắng lại, quan sát và lắng nghe người thương của mình, để hiểu họ, hiểu những điều đẹp đẽ trong tâm hồn họ và quan trọng là hiểu những khó khăn, những bất toàn mà người kia chưa thể sửa đổi. Sự điềm đạm ấy khiến hai người không cần nói nhiều vẫn có thể hiểu nhau, như bố không cần các con kể chuyện cũng hiểu được nỗi lòng mẹ, những điều mẹ đã làm trong những ngày bố không hiện hữu trong hình hài này. Và sự thấu hiểu là điều đánh thức tình thương chân thật.
“Nhớ lại một lần hôm ý bố đã bớt mệt, mẹ tranh thủ về qua nhà, mẹ mới về được khoảng vài tiếng đồng hồ mà bố phải hỏi đến 5, 6 lần:
“Mẹ con đâu?
“Mẹ con lên viện chưa?”
Anh trai tôi mới bảo: ”Mẹ con sắp lên rồi, bố nhớ mẹ quá à?”. Bố gật đầu, hai anh em nhìn nhau cười khúc khích. Thế là bố bảo:
“Bố chả có gì phải xấu hổ đâu, tình cảm thật, phải trân trọng”.
Đi đến cuối cuộc hành trình, mỗi người dường như cũng hiểu ra, tình thương mà con người dành cho nhau không đơn thuần chỉ là những cảm xúc nhất thời, mãnh liệt nhưng ngắn ngủi. Tình thương ấy theo thời gian trở thành những nỗ lực của mỗi người để làm một người bạn đồng hành thực sự: Có thể san sẻ không chỉ niềm vui, mà còn cả những khó khăn, không chỉ sống những giây phút êm đềm mà còn biết vượt qua những lúc chưa thể hiểu nhau.
Cảm xúc ban đầu theo đó thăng hoa, trở thành sự kiên nhẫn, những suy nghĩ thiện lành, sự bao dung chân thật mà hai người có thể dành cho nhau. Để rồi, khi trưởng thành và chín chắn hơn nhiều lần, họ biết trân trọng người kia, trân trọng những tình cảm, những nỗ lực hòa hợp của người còn lại; như cách bố chị Giang trân trọng và tự hào về tình cảm mà bố mẹ chị dành cho nhau.
Cuộc sống vốn là một trường học lớn, hôn nhân là một môn học quan trọng trong đó. Những đau khổ, khó khăn ở đây vừa là những bài kiểm tra nhưng cũng đồng thời là những bài tập, giúp mỗi người học được cách thực sự yêu thương, trân trọng nhau qua mỗi từng ngày.
Nguồn ảnh: Tri Thức Trẻ
Hải Lam