Ai đó kể rằng: “Tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước”, không hiểu sao luân hồi lại lại an định nhân duyên này giữa mối tình anh em. Tuy vậy, nếu đọc xong hai câu chuyện dưới đây, bạn sẽ phần nào giải thích được ý nghĩa.
Mấy hôm trước, tình cờ tôi đọc được câu chuyện trên mạng của một cậu sinh viên có tên Đinh Quyết, sinh năm 1996 kể về chuyện ông nội của cậu ốm bệnh nằm viện, mà em trai của ông nghe tin là chạy xe máy lên ngay để chăm anh trai. Câu chuyện được viết như sau:
“Ông mình đang trong viện, người nằm kia là ông nội mình, còn người mặc áo ba lỗ là em trai ông.
Ông mình 90 tuổi còn ông em trai kém 11 tuổi. Hai anh em ông tình cảm lắm. Nhà ông em trai của ông mình cách bệnh viện 30 km, thế mà nghe tin ông đi viện là đi xe máy đến luôn.
Mà quê mình vùng núi, đường xá đi không dễ như thành phố được. Ông xuống đến nơi là mình phải chở ông ra viện ngay. Xuống đến nơi, em trai ông vào đấm bóp, gập cả khăn cho tiện đi vệ sinh.
Ông còn thức một đêm cùng cùng chăm ông, mà cử chỉ vô cùng tình cảm!
Biết ông nội mình ốm, ông xuống cùng với mọi người chăm sóc cho anh trai. Tối bố mình bảo ông về nhà ngủ cho đỡ mệt nhưng ông kiên quyết không chịu, chỉ muốn ra bệnh viện ngủ với anh trai.
Lúc đấy ông mình bệnh cũng nặng, sợ không qua khỏi. Nhưng có lẽ chính nhờ những tình cảm như thế mà đến giờ ông nội cũng đỡ nhiều, ăn uống được rồi. Cảm động lắm!”
Đọc xong câu chuyện xúc động này làm tôi nhớ đến bố và chú của mình, hai người cũng rất thương và quan tâm nhau. Một loại quan tâm khiến những đứa con như chúng tôi phải cảm phục. Năm nay, bố tôi cũng đã 78 tuổi rồi, chẳng còn trẻ trung khỏe mạnh nữa, nhưng mới hay tin chú tôi về quê thăm nhà là bố tôi đã chuẩn bị sẵn đến giờ chạy xe ra bến đón, vì không muốn chú tôi phải đợi hay bắt xe ôm về nhà.
Nhìn hai ông chạy trên chiếc xe 82 cũ kĩ từ bao đời khiến tôi ấm lòng đến lạ. Về đến nhà là hai ông ngồi bên nhau nói chuyện, đủ các chuyện trên đời, dạo này thành phố ra sao, nông thôn thế nào, chính trị thời sự có gì mới, cứ vậy mà hết cả ngày. Chẳng phải, lâu lâu hai ông không được gặp nhau nên mới có nhiều chuyện để nói vậy. Chú tôi ở trên phố với mấy em nhưng dường như càng nhiều tuổi người ta lại càng thích hoài niệm về những điều đã cũ, vậy nên chú rất hay về thăm nhà, thăm bố tôi.
Bố cũng vậy, cứ mỗi lần chú về là buổi sáng lại chạy ra chợ từ sớm mua mấy món chú thích ăn rồi đem về bảo tôi chuẩn bị trước. Vợ chồng tôi chỉ bảo bố cứ để chúng tôi chuẩn bị cả, nhưng bố không chịu, cứ phải tự tay chọn lấy mới yên tâm. Ấy mới biết bố tôi quý cậu em của mình nhường nào.
Có đợt trước chú về, hỏi ý kiến bố tôi, muốn mua thêm mảnh đất cạnh nhà, để hai ông tuổi già có thêm thú vui trồng cây cảnh. Lúc đầu, bố tôi cũng bảo đất nhà rộng rồi không cần mua thêm nữa, nhưng cuối cùng thế nào lại chiều ý em. Vậy thành ra là hai ông giờ một tháng gặp nhau liên tục vậy mà cảm giác vẫn như còn nhớ nhau nhiều lắm.
Thẳm sâu trong sinh mệnh mỗi người là mong muốn được yêu thương, nó sẽ được thắp sáng và lan tỏa khi chúng ta mang những yêu thương đó nhân rộng đến với người khác. Đó cũng là tất cả những gì mà cuộc sống đã luôn ưu ái dành tặng cho mọi người, khoảnh khắc vô giá của tình anh em ruột thịt.
Trên thế gian có nhiều loại duyên: Duyên vợ chồng, duyên cha mẹ, duyên con cái, duyên anh em… Mỗi loại duyên đều có một ý nghĩa nhất định trong sinh mệnh của mỗi người. Thiết nghĩ, tình anh em nên là một loại duyên lành.
Người ta vẫn thường nói: “Có được tri kỉ trên đời mới là điều đáng giá nhất”. Bởi tri kỉ là người luôn bên ta, có thể cùng ta cười, cùng ta khóc quên hết muộn phiền, quên hết âu lo, quên cả đất trời.
Anh em – chị em đều cũng vậy, cùng sinh ra từ một thai mẹ, chung một dòng máu, chung một mái nhà dưới sự chở che chăm sóc của mẹ cha. Bởi vậy, ca dao Việt Nam có câu:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”
“Sông có khúc, đời có lúc”, nhiều lúc anh em không tránh khỏi những điều qua tiếng lại làm mất lòng nhau. Tuy nhiên sau tất cả, cái tình anh em ấy vẫn là vẹn nguyên nhất bởi chẳng ai có thể thay đổi được sự sắp xếp này. Tri kỉ cũng vậy, đôi khi không thể thỏa được lòng ta, nhưng đi hết thế gian mới biết chẳng ai hiểu ta bằng tri kỉ.
Có lẽ vì có quá nhiều điểm chung như vậy, nên anh em kiếp này mới là tri kỉ của kiếp sau, có thể hiểu và cảm thông, có thể thương và nhớ, thật sự thấu hiểu, chân thành và đồng điệu. Nếu biết quý trọng điều này, người ta cũng sẽ biết trân quý những người thân yêu xung quanh mình.
Gia Viên – Hồng Tâm