Đại Kỷ Nguyên

Cảm phục người phụ nữ Tây Nguyên dành cả tuổi xuân nhận nuôi 9 đứa trẻ mồ côi

40 năm qua, bà K’Hiếu nhận nuôi 9 đứa con cùng cảnh mồ côi cha mẹ của mình. Trong số đó có người đã mất vì bệnh tật, người tật nguyền, khiếm thị… 

Bà K’Hiếu 60 tuổi, người K’Ho, (ở thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), nhớ lại tuổi thơ côi cút mà mắt đỏ hoe, rớm lệ. Lên 7 tuổi, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngày đó, bà phải đi “ăn nhờ ở đậu”, ai cho gì ăn đó và ở mỗi nhà một thời gian. Sinh ra trong hoàn cảnh éo le nên từ khi còn nhỏ bà đã biết làm mọi việc như chăn trâu, bò, trông trẻ… cho nhà người ta.

Người phụ nữ thấu hiểu hơn ai hết tuổi thơ thiếu thốn về tình cảm gia đình và vật chất nên sẵn lòng cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. Bà đi khắp bệnh viện, trung tâm y tế nhận nuôi những đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi. 40 năm nay, bà đã nhận 9 người con nuôi, trong đó có 6 con trai, 3 con gái.

Người phụ nữ K’Ho nuôi dạy 9 trẻ mồ côi. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Bà K’Hiếu tâm sự, khi lớn lên bà lập gia đình, cưới được vài tháng thì chồng mất vì tai nạn. Nỗi đau tiếp nỗi đau, bà lao động quá sức nên cũng không thể giữ được đứa con trong bụng. Biết mình mất khả năng làm mẹ, khi hay tin có đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở xã, bà nhận làm con nuôi. Năm đó, có thêm 2 đứa trẻ nữa được bà cưu mang.

Cho đến khi bà gặp được ông K’Déo, hai người nên duyên vợ chồng. May mắn thay, ông không chỉ là trụ cột kinh tế trong nhà mà còn có tấm lòng bao dung như bà. Được chồng hết lòng ủng hộ, bà K’Hiếu lần lượt nhận nuôi thêm 6 người con nữa. Trong số 9 người con bà nhận nuôi, đứa đầu tiên đã mất do mắc bệnh hiểm nghèo. Còn lại 8 người con, một người mù lòa nay đã 48 tuổi và người con út K’Niệm 18 tuổi bị động kinh. 10 năm nay, bà đưa K’Niệm đến rất nhiều bệnh viện, tìm thầy chữa trị nhưng bệnh tình không có chuyển biến.

Bà K’Hiếu kể, mẹ đẻ của K’Niệm sau khi sinh xong đã bỏ con lại rồi đi biệt tăm. Bà được bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện Lâm Hà gọi đến nhận trẻ. Khi thấy đứa bé mới sinh còn đỏ hỏn kêu khóc vì đói, nhớ lại cảnh mình hồi bé nên động lòng thương và nhận nuôi ngay. Tuy nhiên, lúc 13 tháng tuổi cậu bé có biểu hiện bất thường. Bà buồn bã, xót xa khi đi khám phát hiện ra con bị bệnh.

Nhà đông con lại bệnh tật khiến vợ chồng bà làm quần quật cũng không đủ ăn. Tất cả đồ đạc có giá trị trong nhà bà đều đã bán đi để lo chữa trị cho con. Đến khi hoàn cảnh kinh tế gia đình khánh kiệt, họ không thể tiếp tục chữa trị cho K’Niệm nên phải cắn răng “nhốt” con trong nhà để đi làm.

Bà K’Hiếu và cậu con trai K’Niệm (18 tuổi bị bệnh. (Ảnh: Dân Việt)

Bà K’Hiếu tâm sự, vợ chồng bà phải tự xoay xở, thiếu thốn vẫn cố chịu để lo cho các con. Có lúc bà phải đi vay từng nắm gạo về cho con ăn. Dọn mâm cơm lên để con ăn trước, người mẹ chỉ dám vét những mảng cơm cháy nơi đáy nồi để lót dạ. Những ngày đông, Lâm Hà trở lạnh, trong căn nhà gỗ xập xệ, bà thức trắng nhiều đêm để đốt lửa sưởi ấm cho từng đứa con. Hàng xóm thấy gia đình bà khó khăn cũng thường xuyên giúp đỡ cả tinh thần và vật chất.

Song điều khiến bà day dứt nhất là con bị bệnh mà không có tiền mua thuốc. “Tiền cơm gạo, sữa tôi phải quay ngang, quay dọc, nhiều khi nhà có con gà đang ấp cũng phải bán. Có lúc đổi bảy buồng chuối mới được một hộp sữa cho con. Giờ nghĩ lại thấy nổi da gà, không hiểu sao mình lại có thể làm như vậy được”, bà Hiếu nói.

Trải qua những năm tháng khó khăn, cực khổ, đôi vợ chồng vẫn thương chúng như con đẻ, nuôi dạy nên người. Hiện một số người con của bà đã trưởng thành, biết quan tâm, chăm lo, đỡ đần cha mẹ nên cũng bớt vất vả. Trong số đó, bà tự hào nhất là K’Lưu (23 tuổi) – cậu học hết cấp 3, lấy vợ và có nghề nghiệp ổn định.

Bà K’Hiếu nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen về những đóng góp cho cộng đồng và tấm gương sáng về lòng nhân ái. Song phần thưởng lớn nhất cuộc đời bà chính là nhìn thấy những đứa con mình nhận nuôi từ cái ngày còn đỏ hỏn nay đã khôn lớn trưởng thành.

Mỹ Duyên

Exit mobile version