Vợ chồng là nghĩa tào khang, dù hoàn cảnh có khó khăn khắc nghiệt thế nào cũng không thể quên đi tình nghĩa mà bỏ rơi người còn lại. Chuyện đời của ông Tài – bà Đầm tuy đầy thương xót nhưng lại khiến người ta thấm thía hơn về giá trị bình dị, ngọt ngào thật sự của một cuộc hôn nhân.
Ông Tài chăm bà Đầm, “dù điếc nhưng tôi vẫn khỏe hơn bà ấy”
Đến thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), khi hỏi thăm nhà cụ ông tên Tài cùng vợ là cụ bà Đầm, bạn sẽ được những người dân hồn hậu nơi đây chỉ dẫn tận tình. Bởi ai trong làng cũng biết đôi vợ chồng nghèo đang sống trong căn nhà cấp bốn, trên con đồi khá biệt lập với xóm làng.
Ông Tài và bà Đầm đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng từ 25 năm nay, khi các con trưởng thành và lập gia đình, ông bà sống riêng trong ngôi nhà nhỏ dưới tán mít xòe rộng.
Ở thôn quê, người ta thường hay nuôi con gà, con vịt vừa để vui, vừa có thêm thu nhập hay chí ít là có quả trứng để thêm vào bữa cơm. Nhưng nhà ông Tài, bà Đầm lại cheo leo nơi ngọn đồi, phía trước nhà còn có một cái vực khá sâu, gà vịt mà sẩy chân rơi xuống thì ông bà sẽ còn phải đeo thêm cái nợ.
Có lẽ vì thế, hai người hài lòng với mảnh vườn nhỏ cạnh nhà, với một vài cây ăn trái và một vài luống rau.
Ông Tài tuy bị lãng tai, phải nói rất to mới có thể giao tiếp với ông, nhưng khi có người hỏi chuyện, ông lại phân trần: “Bà nhà còn yếu hơn tôi, mắt không nhìn được, chân thì run, tai cũng không nghe rõ”. Thế nên, mọi việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, lấy nước sinh hoạt đều do một mình ông đảm nhận. Ông không muốn và cũng không nỡ để bà động tay vào bất cứ việc gì.
Rau cháo nuôi nhau chỉ bằng bữa cơm 5 ngàn
Trong thôn người ta hay gọi ông bà là “hộ nghèo bền vững” với ngữ điệu vừa hóm hỉnh nhưng cũng đầy xót xa. Cái nghèo ở lại với ông bà âu cũng là một lẽ tất nhiên.
Tuổi đã cao, sức lại yếu, mấy năm gần đây, ông bà không còn có thể đi mò con cua, cái ốc để bán, kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Cuộc sống của hai người chỉ trông vào vỏn vẹn 700.000 ngàn đồng tiền trợ cấp.
Với số tiền eo hẹp này, ông Tài phải trổ hết tài nghệ tính toán cho chi tiêu của mình.
“Hàng ngày tôi vẫn đi bộ xuống chợ mua thức ăn, may giờ thịt lợn rẻ mua khoảng 20 nghìn được 3 lạng cả nạc lẫn mỡ về kho mặn, ăn kèm rau tôi và bà nhà cũng ăn được 2 ngày đấy. Bữa sáng chúng tôi thường nhịn để dành cho bữa trưa và chiều tối, làm vậy đỡ tốn kém cô à!”
Bữa cơm đạm bạc là thế, nhưng tình cảm của hai con người này lại không bạc chút nào. Bữa nào cũng vậy, chuẩn bị xong cơm nước, ông lại ghé sát tai bà, mời bà xuống ăn cơm.
Biết vợ nhìn không rõ thứ gì nên suốt bữa ăn, ông gắp thức ăn cho bà. Có miếng nào ngon ông dành hết cho vợ, còn phần mình, ông Tài ăn rau, ăn món đậu rán cháy đen xì cũng vẫn thấy vui. Trong bữa cơm, khi nào bà Đầm mải nghĩ về một điều gì đó mà chần chừ chưa ăn, ông lại thúc nhẹ nhắc bà ăn đi cho nóng.
Cái nghèo còn đó, những bữa ăn đạm bạc của ông bà cũng khiến người ta giật mình cảm động vì cái chân tình mà hai người già ấy dành cho nhau…
Cuộc sống vẫn còn có những tấm lòng
Câu chuyện về bữa cơm 5 ngàn và cuộc sống trong cảnh bệnh tật, nghèo túng và neo đơn của ông Tài, bà Đầm đã được đăng tải trên một số trang báo điện tử. Một thời gian ngắn sau, có rất nhiều nhà hảo tâm đã tới thăm ông bà.
Họ mang nào quạt điện, nào bát đũa, nào mì tôm, dầu ăn, gạo, thức ăn khô để biếu ông bà. Căn nhà giờ đây đã mất hẳn cái vẻ trống trải, thiếu thốn. Bữa cơm cũng đầy đủ hơn trước rất nhiều.
Nhưng quan trọng hơn những thứ vật chất bên ngoài này, ông bà còn nhận được sự quan tâm, những lời thăm hỏi, đông viên của rất nhiều người trẻ. Nhìn cảnh bà Đầm ngồi thủ thỉ với một người bạn trẻ mang đồ tới biếu, mới hiểu người già cần sự san sẻ và lắng nghe đến nhường nào…
“Mọi người ủng hộ nhiều làm tôi thấy lo lắm”, ông Tài thành thật chia sẻ sau khi nhiều người tới thăm và cho quà. Ông cũng nhờ các phóng viên tới thăm và phỏng vấn ông bà nhắn gửi với những tấm lòng thơm thảo: Ông bà đã có đủ đồ ăn cho cả năm tới, nên xin không phiền mọi người mang tới nữa. Một mình ông bà không thể ăn hết ngay mà cho thì cũng không hàng xóm nào nỡ lấy…
Có người khuyên ông Tài nên giả bộ nghèo khổ để họ thương mà cho tiền nhiều hơn nhưng ông không làm. Thậm chí, ông Tài còn cảm thấy không thực sự vui vì nghĩ rằng, mình là đàn ông mà không thể tự lo cho bản thân và vợ mà phải nhờ tới sự giúp đỡ của người khác.
Có sự trợ giúp của mọi người, vợ chồng ông cũng dần gỡ được tảng đá đè nặng trong lòng bấy lâu. Ở nơi ông bà sống, mọi người có tục lệ sẽ hỏa thiêu sau khi mất. Số tiền lo an táng vì thế cũng khá lớn. “Mình sống thì thế nào cũng được, ăn uống, sinh hoạt không quan trọng nhưng lúc chết mà không có đủ tiền lo hỏa thiêu thì tôi không được yên lòng”.
“Hiện tại tôi đã nhận được vài triệu đồng tiền mặt. Số tiền này tôi sẽ cất giữ, dành để lo tiền hậu sự về sau”.
Ông vẫn sẽ chăm sóc bà như ngày trước, nhưng giờ đây, có lẽ ông bà sẽ vui hơn vì biết rằng, trên cuộc đời này vẫn có những người sẵn sàng san sẻ và quan tâm đến hai người. Tình yêu chân thành, thủy chung và phẩm chất chịu thương chịu khó trong họ đã đánh thức lòng trắc ẩn của biết bao người xa lạ, để họ cảm nhận được chữ tình chữ nghĩa sâu sắc trong một cuộc hôn nhân…
Người xưa cho rằng vợ chồng sống với nhau không vì tiền bạc, không vì vui sướng, mà sống với nhau vì tình thương, vì sự chân thành và ân nghĩa. Đã đi cùng nhau suốt những ngày thanh xuân, thì khi về già cũng nguyện chăm lo cho nhau tới cùng, không thể buông tay, bỏ rơi nhau, bất kể thời gian có bào mòn đi nhan sắc, sức khỏe hay tiền bạc, vật chất. Tấm lòng của hai ông bà khiến người ta thêm thấm thía đạo lý vợ chồng. Chỉ cần đồng lòng, yêu thương nhau từ trái tim thủy chung, son sắt thì phúc hay họa cũng không còn quan trọng, lớn lao…
Căn nhà nhỏ đơn sơ giờ không còn là một ốc đảo tình thương của riêng hai bóng dáng liêu xiêu, mà nó đã trở thành chốn để những trái tim mong muốn được sẻ chia tìm về…
Hải Lam – Ngân Hà
Xem thêm: