Có nhiều người chia sẻ rằng, khi đứng giữa thiên nhiên, trong rừng cây, trên cánh đồng cỏ, bên cạnh hồ, họ không bao giờ cảm thấy cô đơn; chỉ khi ở trong thành phố, giữa những con người, họ mới có cảm giác này. Điều này thoạt đầu nghe có vẻ vô lý nhưng lại là thực trạng của xã hội hiện đại ngày nay: Con người đang sống cô độc giữa cộng đồng.
Những con số nói lên điều gì?
Năm 2014, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết cứ 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới, số người chết vì tự tử còn nhiều hơn tất cả nạn nhân của các cuộc chiến tranh và thảm họa tự nhiên hàng năm. Đây là báo cáo đầu tiên của WHO về tình trạng tự tử trên toàn cầu, với số liệu thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới.
Mỗi năm trên thế giới có tới 800 nghìn trường hợp tự kết liễu mạng sống của mình. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung-Đông Âu và châu Á, trong đó 25% các trường hợp xảy ra ở các nước giàu.
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân chủ yếu gia tăng các trường hợp tự tử chính là “sự cô đơn trong xã hội hiện đại”. Khi phải đối mặt với nhiều áp lực và không biết chia sẻ với ai, người ta thường muốn tìm đến cái chết như một sự “giải thoát” cho bản thân.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy gần 1/3 người Mỹ đang cô đơn, và 18% người trưởng thành ở Anh quốc “thường xuyên” hoặc “rất hay” cảm thấy cô đơn. “Đại dịch cô đơn” không chỉ là vấn đề đáng báo động của những quốc gia phát triển mà nó còn đang có nguy cơ lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu và trở thành mối nguy hiểm trong cộng đồng.
Hãy chấm dứt đại dịch cô đơn đang gặm nhấm nhân loại
Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, nhưng chúng ta quên rằng, càng phát triển, áp lực từ xã hội ấy đặt lên từng cá nhân càng tăng. Ngày nay, áp lực đã là điều mặc nhiên chúng ta cần phải chung sống, ở mọi lĩnh vực, với đủ cấp độ. Nó đã trở thành một từ ngữ vô cùng thông dụng, bởi bất kỳ ai cũng có thể bị áp lực bởi một vấn đề nào đó.
Ở trường, ta đối diện với sự thúc ép bài vở, điểm số, thi cử, cạnh tranh để giành học bổng. Tốt nghiệp, ta mong có công việc tốt, khẳng định vị trí xã hội. Đến công sở, ta lao vào các cuộc đua mang tên deadline, chức vị, lương bổng… Trong gia đình, nơi lẽ ra bình yên hơn cả, ta cũng chịu áp lực bởi kỳ vọng của người thân. Cả khi không có ai, ta vẫn phải đối diện với các hối thúc làm sao đẹp hơn, giỏi hơn, kiếm tiền nhiều hơn… Áp lực không chỉ tạo ra bởi xã hội, mà chúng nằm ngay trong nội tâm mỗi con người.
Ở một khía cạnh tích cực, áp lực có thể khiến một cá nhân sống có mục đích và biết nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, cái bẫy của việc đặt ra mục đích sống, chính là, đôi khi, mọi thứ còn lại đều như mất hết sự sống.
Thế kỉ 21, dường như áp lực đã trở nên quá mức chịu đựng, một phần bởi sự phát triển chóng mặt của Internet. Có một sự thật kỳ lạ: Tính kết nối phi thường của Facebook, Twitter, Instagram không những không khiến con người hạnh phúc hơn, mà có xu hướng khiến họ u buồn, cô độc và lạc lõng hơn.
Nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2015 cho kết quả: Sự buồn chán, thất vọng ở người trẻ tỉ lệ thuận với thời gian họ dành lang thang trên các mạng xã hội. Một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc, nơi được mệnh danh “thiên đường Internet”, cho thấy, hầu hết người nghiện game online tại đây đều chịu tổn thương bởi nhiều loại áp lực, và game như một cách trốn thoát thực tại.
Hai thập niên trở lại đây, Internet đã thay đổi cách thức chúng ta liên hệ với nhau một cách chóng mặt. Hàng triệu năm qua, giao tiếp con người chủ yếu dựa trên tiếp xúc trực tiếp: Người ta gặp gỡ nhau, nhìn vào mắt nhau, nghe giọng và cảm nhận sự hiện diện của đối phương… Thế nhưng, Internet đang thay thế sự hiện diện này, nhanh đến mức não bộ con người chưa kịp thích ứng. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, số lượng bệnh nhân trầm cảm tăng lên theo sự phát triển của Internet là một hệ quả cho thấy bộ não đang chống lại thay đổi đột ngột do hình thức giao tiếp mới mang đến.
Ngày nay, Internet giúp làm dày đặc các kết nối, phạm vi liên hệ mở rộng toàn cầu, thậm chí cho ta cơ hội giao tiếp với những người nổi tiếng chỉ thông qua một cú click. Thế nhưng, những điều đó cũng làm cho khoảng cách giữa thực tại và thế giới ảo tăng lên. Hạnh phúc và sự vui vẻ được lượng hóa bằng số like, share và khiến chúng ta vứt bỏ cuộc sống thực để chạy theo ảo giác. Để rồi, ta dần dần tiến đến cánh cửa “nô lệ” cho thời đại công nghệ, chỉ cách một bước chân.
Có một sự thật bạn cần phải biết rằng, những kẻ mạnh mẽ, quá khích có thể khiến ta tò mò dõi theo. Thế nhưng, kỳ thực, những người cân bằng và lạc quan mới đem lại cho ta năng lượng tích cực. Và trên thực tế, chúng ta đang dành quá nhiều thời gian của cuộc đời cho những thứ vô bổ chỉ nhằm mục đích “thỏa mãn trí tò mò” mà đánh mất sự kết nối với những mối liên hệ bền vững, chất lượng.
Thế kỷ 21 – thế kỷ của những giao tiếp ở tốc độ ánh sáng. Thế nhưng, chúng ta đang đánh mất hai hành động cơ bản nhất trong mối liên hệ con người, đó là trò chuyện và lắng nghe. Bạn có biết, trong thế giới đông đúc, bận rộn như hôm nay, một cuộc nói chuyện đúng lúc, vài câu trao đổi đơn giản có thể thay đổi, thậm chí cứu mạng một con người. Hãy lên tiếng, hãy lắng nghe và chấm dứt “đại dịch cô đơn” đang gặm nhấm nhân loại chúng ta từng ngày, bởi không ai hiện hữu trên thế giới này đáng phải chịu đựng lạc lõng và cô đơn.
Hiểu Minh
Xem thêm: