Trung Quốc là một trong những đất nước đón năm mới theo lịch mặt trăng như Việt Nam ta. Tuy nhiên, trong dòng chảy hiện đại, người Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những mất mát mang tính tinh thần. Những phong tục tập quán xưa của họ đang dần biến mất, bởi những suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống của con người đang thay đổi rất nhiều và rất nhanh.
Hãy cùng khám phá bộ tranh Tết truyền thống do trang Chinahighlights giới thiệu để hiểu hơn những thay đổi trong phong tục đón tết cổ truyền của nước bạn. Chúng ta dường như cũng thấy hình ảnh Tết xưa của chính mình trong đó.
1. Tiễn ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp ở Trung Quốc cũng là ngày tiễn ông Táo về Trời. Ngày này, người dân Trung Quốc thường làm những món ăn ngọt ngào như bánh ngọt, bánh rán, canh đậu, kẹo mạch nha để cúng tiễn các vị thần bếp về Thiên đình.
Thay vì cúng cá chép như người Việt, người Trung Quốc thường cúng một chú ngựa tre để làm phương tiện cho ông Táo về trời. Bên ngoài gian bếp, họ cũng đặt đôi câu thơ để mong có được may mắn cho gia đình vào năm mới.
Tuy nhiên, trong gian bếp ở các thành phố lớn, người ta không còn thấy nhiều những bữa cúng ông Táo ngày 23 như truyền thống.
2. Chọn ngày làm đám cưới
Người Trung Quốc cũng tin rằng, với những sự kiện trọng đại của một đời người như cưới hỏi, cần phải xem ngày tốt để có được một khởi đầu trọn vẹn và may mắn. Theo tục lệ, những ngày cuối tháng Chạp đều không phải là ngày đẹp để tổ chức đám cưới.
Tuy vậy, các thanh niên trong xã hội hiện đại không còn coi trọng truyền thống này. Đó là lý do vì sao, nhiều người vẫn chọn làm đám cưới trong thời gian này, để có thể dành nhiều thời gian bên nhau vào những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.
3. Lên men bột vào ngày 28 tháng Chạp
Trong khi người Việt gói bánh chưng, giã bánh giày cho dịp Tết, người Trung Quốc lại có tục lệ làm bánh bao để dùng trong dịp đầu năm. Đó là lý do tại sao, trong truyền thống, ngày 28 thường được dành để lên men bột, chuẩn bị cho việc làm bánh Tết.
Tuy nhiên, hiện nay với sự xuất hiện của bột nở, tủ lạnh và các cửa hàng bánh bán sẵn, ngày lên men bột cũng dần bị lãng quên trong các gia đình.
4. Làm bánh bao vào ngày 29 tháng Chạp
Giống như quan niệm của người Nhật, người Trung Quốc cho rằng làm nhiều những công việc trong bếp vào các ngày Tết (từ mùng 1 đến mùng 5) sẽ không đem lại nhiều may mắn cho gia chủ. Đó là lý do, mọi người thường quây quần làm bánh cùng nhau vào ngày 29 tháng Chạp. Các loại thức ăn cũng sẽ được chuẩn bị vào tuần trước Tết.
Bánh bao để dùng trong dịp tết thường được trang trí bằng những chấm đỏ giữa chiếc bánh trắng phau để tạo nên một diện mạo tươi sáng, phù hợp với không khí vui tươi trong dịp Tết.
Tuy nhiên ngày nay, không còn nhiều người trẻ có thời gian để quây quần bên gia đình làm bánh. Người ta thường mua bánh trong các siêu thị một cách dễ dàng. Tuy nhiên bánh bao mua sẵn thường không có những chấm đỏ xinh xắn, đặc trưng cho ngày Tết.
5. Đốt vào khai môn vào sáng mùng 1
Giống với người Việt Nam, người Trung Quốc cũng đốt pháo vào dịp đầu năm mới, với ý nghĩa tiễn năm cũ đi và đón một năm mới đến. Pháo nổ càng to thì năm mới sẽ càng nhiều may mắn.
Theo thông lệ, người Trung Quốc thường đốt pháo vào 12 giờ trưa ngày đầu năm. Ban đầu là một dây pháo nhỏ, theo sau là 3 dây pháo lớn. Tiếng nổ giòn giã của pháo tết mang đến không khí rộn ràng, tưng bừng đặc trưng của dịp đầu năm.
Nhưng việc đốt pháo khai môn cũng không còn được tiến hành ở Trung Quốc vì lý do an toàn. Nếu muốn được nghe tiếng pháo đì đùng vào dịp Tết, bạn chỉ có thể trở về các vùng nông thôn vào dịp này.
6. Không động vào chổi những ngày đầu năm
Người Trung Quốc cũng có quan niệm nếu quét nhà, đổ rác, hắt nước vào những ngày đầu năm chính là đổ đi những may mắn của chính mình. Vì vậy, người Trung Quốc sẽ không động vào cây chổi trong những ngày Tết để bảo toàn sự may mắn trong cả năm. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, điều này không còn là một mối bận tâm lớn với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ.
7. Không ra ngoài vào ngày mùng 3 Tết
Với người Trung Quốc, ngày mùng 3 Tết được gọi là ngày Xích Cẩu. Theo quan niệm, đây là một ngày không may mắn nên người dân sẽ tránh đi ra ngoài vào ngày này. Người dân thường dành ngày mùng 3 để nghỉ ngơi và sum họp cùng nhau. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi không còn tin vào điều này, nên họ vẫn ra đường vui chơi hay đi thăm họ hàng, bạn bè vào những ngày này.
8. Chào đón ông Táo trở về
Ngày mùng 4 Tết theo tục lệ là ngày đón ông Táo về bếp. Để chào đón những vị tần này, người Trung Quốc thường chuẩn bị mâm cỗ với thịt, hoa quả, tiền vàng. Người xưa kể lại rằng ngày này, Ngọc Hoàng sẽ phái các Thần khác xuống giám sát, vậy nên không có thành viên nào của gia đình được phép vắng mặt.
Tuy nhiên, vì lễ tiễn ông Táo đã không còn nên ngày đón ông Táo cũng theo đó dần biến mất.
Ngày Tết truyền thống ở các quốc gia châu Á thường không chỉ mang ý nghĩa đoàn viên là dịp quý báu để có được sự kết nối với người thân. Đó còn là dịp mà con người lắng lại, để kết nối với chính mình. Từ đó, có thể quay về với niềm tin thiêng liêng vào Thần Phật, vào những quy luật thiêng liêng của đất trời thông qua các lễ nghi truyền thống. Niềm tin ấy biến thời điểm chuyển giao năm cũ, năm mới này thành thời điểm quý giá nhất của năm đối với mỗi người. Thời điểm này là dịp hiếm có mà mỗi người có đủ không gian, thời gian và sự tĩnh lặng để nhìn nhận lại một năm cũ đã qua. So sánh những gì mình đã làm với những chuẩn mực để làm một con người tốt, một con người thiện lương. Để rồi tự đốc thúc bản thân sửa chữa những lỗi lầm của năm cũ và sống tốt hơn, đúng mực hơn vào năm mới.
Tuy nhiên đến ngày nay, với sự chuyển mình nhanh chóng của công nghệ và sự gấp gáp của nhịp sống hiện đại, con người đang dần rời xa niềm tin chân chính của mình, thờ ơ với nguồn cội, nguy hiểm hơn còn sa đà vào những hào nhoáng bên ngoài. Tết đã trở thành thời gian để người ta hưởng thụ lạc thú, để khoe ra những điều mình có được, để lấy lòng người khác v.v. Phải chăng đây là lý do, Tết với nhiều người đã không còn mang ý vị sâu sắc và sự thiêng liêng như ngày nào. Để rồi, người ta lại bâng khuâng tự hỏi “bao giờ cho đến ngày xưa”, bao giờ lại thấy được cái háo hức, thiêng liêng của dịp thời khắc chuyển giao của đất trời?
Nguồn ảnh: Chinahighlights
Hy Văn