Số phận không may mắn cho Thanh một hình hài, nhận thức bình thường, nhưng lại tặng cho cô một người mẹ có tấm lòng yêu thương con vô bờ bến…
Ở thôn Hợp Lý, xã Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, không ai không biết nhà bà Nguyễn Thị Điểm có đứa con tên Thanh không thể lớn. Trần Thị Thanh sinh năm 1990 nhưng đến giờ chỉ nặng 12kg và cao chưa đầy 72cm. Cả đời Thanh chưa một lần bước chân khỏi nhà, chưa từng nói được một chữ đơn giản nhất. Cô chỉ biết khóc và cáu gắt, thêm tuổi nhưng không thêm lớn, gần 30 năm vẫn trong hình hài đứa trẻ ngày ngày mẹ phải ẵm bồng.
Nỗi đau của người mẹ khi nhìn con không thể lớn
Nhà bà Điểm có 4 người con, 1 người mất khi mới hơn 1 tuổi, 2 người con sau người đã lập gia đình, người đang học nghề và Thanh, người con thứ đã gần 30 nhưng vẫn chỉ như đứa trẻ lên 3 chẳng biết sự đời.
30 năm trước, vợ chồng bà Điểm sinh bé gái đầu lòng. 3-4 tháng sau sinh, con vẫn không biết cử động cổ, đầu, chỉ nằm yên một chỗ. Biết con bị bệnh, nhưng ông bà cũng chẳng suy nghĩ gì, rồi tiếp tục mang thai tiếp. Khi Thanh được 3 tháng, người con đầu mất. Sau đó, Thanh cũng mắc triệu chứng y như người chị quá cố, không thể cử động cổ, chỉ biết nằm yên một chỗ.
Lúc bấy giờ vợ chồng bà Điểm mới mang con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng tình hình chẳng thể cứu vãn. Thanh còn bị vẹo cột sống, không thể đi, đứng. Cô cũng không thể phát triển chiều cao, cân nặng hay trí tuệ như những đứa trẻ khác.
Nhà mẹ nghèo tiền bạc, nhưng giàu tình thương
Chia sẻ với Afamily, bà Điểm kể: “Ngày xưa, khi đưa Thanh đi viện, nhà tôi nghèo lắm, vay người ta 100 nghìn người ta cũng không cho vay, vì sợ vay rồi không có tiền trả”
Cố gắng làm lụng, chắt bóp chạy chữa nhưng con gái không có gì biến chuyển, vợ chồng bà Điểm đành chấp nhận thực tại.
30 năm sống cảnh chăm con mọn, bà Điểm chẳng bao giờ dám đi đâu xa vì lúc nào cũng phải trông chừng Thanh. Đã có lúc liều cho con ở nhà để đi làm, nhưng rồi xót con nằm một mình lại tội.
Trông con, lo miếng ăn giấc ngủ, bà còn lo cả chuyện con bị đám trẻ con trong làng chòng ghẹo. Cuộc sống của mẹ con bà Điểm chỉ quanh quẩn chuyện cơm nước trong nhà. Chồng bà Điểm cũng đã có tuổi, không làm được việc nặng, đi làm bảo vệ cho một gia đình ở trên Hà Nội. Tất cả tiền chi tiêu, ăn uống sinh hoạt đều phụ thuộc vào khoản lương 3 triệu mà ông gửi về cho gia đình.
Con dù thế nào vẫn mãi là con của mẹ…
Ngày xưa có người bảo bà Điểm mang con qua trại trẻ mồ côi để người ta nuôi hộ, rảnh tay rảnh chân còn đi lo kinh tế. Nhưng bà bảo, dù có thế nào, Thanh cũng là máu mủ, là khúc ruột của bà, nên bà cứ giữ để chăm.
“Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”, nuôi một đứa trẻ lành lặn đã khó, chăm một đứa trẻ chẳng may hao khuyết, gánh nặng ấy dường như tăng lên gấp bội. 30 năm già đi trong vòng tay mẹ, giờ Thanh vẫn thường vệ sinh ra quần mà không biết gọi. Thế nhưng trong mắt bà Điểm, Thanh vẫn là đứa trẻ tình cảm, biết nhìn mẹ mệt thì không quấy phá.
Tuổi già chẳng chừa một ai, nếu như những người cha mẹ khác được con cái hiếu thuận, chăm sóc về già thì bà Điểm chỉ có ước mơ sống được thật lâu để chăm con thêm ngày nào, hay ngày ấy.
Cuộc sống là như thế, có đắng cay nhưng cũng có ngọt bùi. Dù gần 30 năm qua Thanh mang hình hài một đứa trẻ và tương lai của cô cũng mãi mãi như vậy, nhưng mỗi ngày trôi qua cô đều được sống trong vòng tay của mẹ, được bình yên trong tình thương của mẹ. Và dù đau đớn khi con của mình sinh ra không được may mắn nhưng sự có mặt của Thanh trên cuộc đời đã là niềm vui và hạnh phúc của bà Điểm. Còn sống còn bên nhau thì còn yêu thương, còn san sẻ. Rốt cuộc đời người dẫu lắm gian nan nhưng con người lại được ban cho cái tình để xoa dịu vết thương, ngắn lại khổ đau và dài thêm hạnh phúc…
Ảnh: Afamily
Minh Lan