Khác với những cụ ông, cụ bà khác, hai vợ chồng người Trung Quốc, Zhang Guangzhu (71 tuổi) và Wang Zhongjin (68 tuổi) đã quyết định đi… du lịch thế giới sau khi nghỉ hưu.
Cặp vợ chồng sử dụng một lượng lớn tiền dưỡng già của mình để mua vé máy bay, đặt khách sạn, mua đồ ăn để đi du lịch. Họ không cho rằng như vậy là lãng phí, đây là sự đầu tư khi điều họ nhận lại là sức khỏe, kiến thức về những đất nước khác và mở mang đầu óc.
Hồi còn trẻ, cả hai vợ chồng đều thích đi leo núi. Một lần, khi đến thăm Hẻm núi Hổ Khiêu Hiệp ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông bà gặp một người nước ngoài không biết chút tiếng Trung nào, anh ta chỉ dựa vào những cuốn sách hướng dẫn để đi du lịch khắp nơi. Lúc đó, ông Zhang quay lại nói với vợ rằng: “Người đàn ông này có thể đến một nơi hẻo lánh mà chẳng biết chút ngôn ngữ địa phương nào. Tiếng Anh của tôi và bà không tốt nhưng chúng ta vẫn có thể leo lên dãy núi Alps phải không?”.
Vậy là sau khi nghỉ hưu, họ quyết định cùng nhau đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Năm 2008, họ đến Đức, Pháp và khu vực dãy Alps ở Áo.
Trong năm 2009, họ đã lái xe 105 ngày rong ruổi khắp Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Cuba. Nhớ lại kỷ niệm đó, ông Zhang chia sẻ: “Lái xe tại Bắc Mỹ là một thách thức đối với chúng tôi. Chúng tôi vừa phải lái xe trong thời gian dài vừa phải tuân theo các quy tắc và biển báo giao thông địa phương. Đối với những người mới học tiếng Anh như vợ chồng tôi, điều này quả không dễ dàng”. Cuối cùng, họ lái xe suốt 52 ngày xuyên nước Mỹ và ghé thăm 1/2 số công viên quốc gia của đất nước này.
Hai năm sau, họ lại dành 180 ngày để ghé thăm Nam Cực trong sáu lần. Họ đã chứng kiến sự khác biệt đáng kinh ngạc giữa các mùa của lục địa này.
Trong chuyến đi của mình, ông Zhang và bà Wang cũng đã đến thăm Nga, Nepal và Ấn Độ. Năm 2013, họ đã đi 6 quốc gia ở Trung Đông, bao gồm Iran và Lebanon.
“Chúng tôi đã thưởng thức phong cảnh kỳ lạ, kiến trúc đẹp và ẩm thực địa phương tuyệt vời. Có nhiều điểm nổi bật, nhưng cũng có những khó khăn. Theo một phương diện nào đó, vượt qua những trở ngại mang đến cho chúng tôi những ký ức đáng nhớ và câu chuyện du lịch sống động nhất”, ông Zhang chia sẻ.
Ví dụ như lần ghé thăm tàn tích lịch sử Machu Picchu ở Peru, bà Wang bị sốt kèm theo triệu chứng say độ cao phải nhập viện. Vì không biết tiếng địa phương nên hai vợ chồng phải giao tiếp bằng tay. Ông Zhang đưa cho nhân viên bệnh viện bản sao thẻ bảo hiểm của mình và dùng máy tính để giao tiếp, cuối cùng mọi chuyện cũng ổn thỏa. “Có nhiều cách để vượt qua rào cản ngôn ngữ: Bạn phải sử dụng kinh nghiệm, trí thông minh của mình và lòng can đảm khi gặp khó khăn”, ông Zhang nói.
Mặc dù trình độ tiếng Anh của hai ông bà không tốt lắm nhưng họ luôn cảm nhận được sự hiếu khách của những cư dân địa phương. Khi bắt tàu ở Cuba, nhân viên nhanh chóng phát hiện ra cặp vợ chồng không thể nói tiếng Tây Ban Nha. Bởi vậy, nhân viên đã tận tình giúp đỡ họ đến được trạm dừng chân cần đến và sau đó còn tiễn lên xe bus. “Lòng tốt của người lạ là có thật, dù bạn không hiểu họ nói gì”, ông Zhang chia sẻ.
Ông Zhang và bà Wang nói họ muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Trung Quốc ra nước ngoài và mở mang đầu óc. Cuối cùng, họ muốn thông qua mạng xã hội để chia sẻ những mẹo đi du lịch nước ngoài và thông tin về chính trị, văn hóa, tôn giáo, phong cảnh và phong tục địa phương ở những quốc gia mình đã đi qua.
Mặc dù đi du lịch nhiều nơi nhưng ông bà cũng không có ý định sống ở nước ngoài. “Tôi đã nhìn thấy nhiều nơi, nhưng quê hương vẫn mang lại cho tôi cảm giác ấm áp nhất. Tôi có những người bạn ở đó, tôi có thể thư giãn và là chính mình khi ở bên họ”.
Theo China Today
Video xem thêm: Cái giá đắt phải trả khi là một công dân Trung Quốc