Trong một góc phố nhỏ ở Hà Nội, dù là mùa đông giá rét căm căm hay mùa hè nắng gắt oi ả, vẫn luôn có một cậu bé ngủ ngon lành trên chiếc giường ghép từ hai chiếc bàn nhựa, bên cạnh cha mẹ tảo tần…
Những người dân xung quanh khu tâp thể ngõ 41, Đông Tác (Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh của cậu bé Quốc Đạt (13 tháng tuổi) ngồi chơi một mình trên một chiếc giường được ghép từ hai cái bàn nhựa, bên cạnh là bố mẹ em – chị Tuyết, anh Huế đang tất tả phục vụ khách.
Góc bán hàng chỉ chừng 4m2, nhưng là nơi tá túc của cả gia đình nhỏ từ 7 giờ sáng tới tận 9 giờ tối với đủ món hàng. Buổi sáng, anh chị bán cháo trai, bánh trôi, trứng vịt lộn; giữa giờ gần trưa hai vợ chồng phục vụ thêm trà đá, nước mía, dưa cà; chiều đến thì anh chị bán bánh gối và nem rán. Những lúc vãn khách, anh Thành còn chạy xe ôm, cắt tóc. Cứ quần quật cả ngày dài như vậy, anh chị chẳng còn có thời gian mà trông nom bé Đạt.
“Nhiều hôm con ăn gì, ngủ lúc nào, hai vợ chồng cũng không quản được vì bận khách”, anh Huế tâm sự.
Bé Đạt đã theo anh chị bươn chải từ khi mới 6,7 tháng tuổi. Trộm vía, cậu bé ăn giỏi lại chơi ngoan nên bố mẹ cũng đỡ đi phần nào vất vả. Bé Đạt rất đáng yêu, được cả người lớn trẻ nhỏ ở đây cưng nựng. Sự thân thiện lại dễ gần của bé khiến ai cũng thấy vui mỗi khi đến với con phố nhỏ.
Bà Lan, 60 tuổi, ở khu tập thể này chia sẻ:
“Mọi người ở đây đã quen với hình ảnh thằng bé ngủ ở lề đường, với cái màn cũ kỹ phủ lên. Nhiều lúc, khi cu cậu đã ngủ, bà hay nhiều người khác cũng phải ngó vào ngắm, trông nó vừa đáng yêu lại vừa tội nghiệp. Thương lắm.”
“Nó dễ tính và thân thiện lắm. Ai đi qua cũng phải trêu nó, mà giả dụ có chưa kịp hỏi thì nó cũng bi bô hỏi mình trước rồi. Vui nhất là buổi chiều các anh chị đi học về, chơi trong sân, thằng bé cũng lẽo đẽo chạy theo”, bà Lan nói thêm.
Làm việc quần quật cả ngày từ sáng tới tối, bán đủ món hàng nhưng mỗi ngày tiền lãi chẳng được hai trăm, nhà thì đi thuê, sống ở đất Thủ Đô thật chẳng dễ dàng gì, nên bé Đạt còn bé cũng phải theo cha mẹ tần tảo sớm hôm.
“Vì một lần đầu tư thua lỗ nên vợ chồng mình phải bán hết nhà cửa ở quê Thái Bình lên Hà Nội mưu sinh, làm con cái cũng phải chịu khổ theo bố mẹ”, anh chị trải lòng.
Có những hôm gặp mưa, hai vợ chồng lại vội vàng căng bạt che cho con. Mỗi khi có tiếng động lớn, anh chị lại nhói lòng nhìn về hướng con nằm mà lo lắng. Hôm nào bé không thể ngủ yên được, anh chị lại nhắc nhau dọn hàng về sớm. Thương con lắm nhưng kinh tế gia đình eo hẹp, cũng chẳng còn cách nào khác, anh chị chỉ biết cố gắng kiếm thêm chút tiền, dành dụm lo cho con. Anh Huế dự định khi con được 2 tuổi sẽ xin cho con học vào một trường công gần đó. Lúc đó cậu bé sẽ không phải dãi nắng dầm sương theo bố mẹ, anh chị cũng có nhiều thời gian hơn tập trung kiếm tiền. Nhưng đó cũng chỉ là dự định, xin cho con học được ở Hà Nội cũng chẳng dễ dàng gì.
Tuy nhỏ tuổi, nhưng bé Đạt có thể làm nên những điều lớn lao cho bố mẹ từ món quà tinh thần mà em trao tặng. Ánh mắt tinh anh, lanh lợi và nụ cười vô tư kháu khỉnh của cậu bé đem đến cho mọi người những niềm vui nhỏ bé mỗi ngày, quên đi những lo toan tính toán đang bủa vây trong lòng, và vơi đi những vất vả cực nhọc trên đường đời mưu sinh…
Linh An
Xem thêm:
- Chuyện cảm động về người mẹ mù sẵn sàng từ bỏ mạng sống để sinh con ra
- Rơi nước mắt cô bé lớp 7 gồng mình thay mẹ chăm bố, nuôi hai em thơ
- San Francisco: Hơn 3000 học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể khiến du khách cảm động